CSVN – Những năm gần đây, với những tiến bộ kỹ thuật mới trong “Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh” do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam chuyển giao, nhiều diện tích cao su đã được phòng trị bệnh hiệu quả. Bài viết trình bày một số kết quả đạt được khi ứng dụng đúng “Quy trình kỹ thuật” vào sản xuất thực tiễn trên quy mô đại trà.
Tác hại của bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su
Tác hại của bệnh phấn trắng trên cây cao su biến động tùy thuộc vào điều kiện khí hậu cụ thể ở từng vùng sinh thái và tiểu vùng khí hậu, bệnh gây hại nặng tại những vùng có khí hậu mát mẻ, thường xuyên xuất hiện sương mù.
Tại Sri Lanka, những vùng có cao trình trên 300 m thì gần như không thể canh tác được những dòng vô tính cao su mẫn cảm với bệnh, trong khi những giống này sinh trưởng tốt tại vùng thấp hơn (Lim, 1972). Bệnh gây rụng lá nhiều lần và làm giảm diện tích quang hợp nên ảnh hưởng đến sinh trưởng và có thể gây chết cây ở vườn ương, vườn nhân, vườn kiến thiết cơ bản. Trên vườn cây kinh doanh, bệnh làm kéo dài thời gian rụng lá qua đông và để lại tán lá với nhiều vết bệnh loang lổ nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch trong năm.
Theo Jacob và CTV (1992), bệnh phấn trắng làm giảm năng suất vườn cây 21% – 32%. Tại Malaysia, Wastie và Mainstone (1968) ghi nhận bệnh làm giảm sản lượng khoảng 8,1% trong 9 tháng thu hoạch trong năm. Tại Trung Quốc, Zhuoyong và CTV (2004) cho biết, trên các dòng vô tính RRIM 600, GT 1 và PB 86 nếu bị nhiễm bệnh có thể làm giảm từ 7,5% – 12,9% sản lượng mủ.
Tại Việt Nam, phấn trắng là một trong những bệnh phổ biến ở khắp các vùng trồng cao su trong cả nước, bệnh thường xuất hiện vào thời điểm cây cao su ra lá mới ngay sau đợt rụng lá qua đông vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Tại Đông Nam Bộ, mức độ gây hại của bệnh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hàng năm, nếu có sương mù kết hợp với nhiệt độ lạnh bệnh sẽ gây rụng lá 2 – 3 đợt/năm, dẫn đến cạo chậm 1 – 2 tháng trên vườn cây khai thác.
Tại Tây Nguyên, do bị ảnh hưởng của cao trình nên bệnh thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm (vùng có cao trình trên 300 m, nhất là nơi có cao trình trên 650 m thường nhiễm bệnh nặng do nhiệt độ bình quân thấp và thường xuyên xuất hiện sương mù vào mùa thay lá mới). Tại khu vực miền Trung, bệnh gây hại ở mức nhẹ hơn do vào khoảng thời gian cây cao su thay lá mới thường xuất hiện những cơn mưa kéo dài làm trôi bào tử và ngăn cản sự bùng phát của bệnh (Mai Văn Sơn và CTV, 2004).
Trong điều kiện tự nhiên, mỗi năm bệnh phấn trắng làm giảm 10 – 50% sản lượng trên vườn cây khai thác (tùy thuộc vào mức độ bệnh và số lần rụng lá), nguyên nhân chủ yếu là do phải kéo dài thời gian nghỉ dưỡng sau đợt rụng lá qua đông hàng năm và hậu quả của vết bệnh cũ để lại trên lá làm mất diện tích quang hợp (Phan Thành Dũng và CTV, 2014).
Hiệu quả phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh
Kết quả các thí nghiệm chính quy
Thí nghiệm 1: Bố trí theo kiểu mô hình diện rộng diện rộng, gồm nghiệm thức phòng trị bệnh bằng thuốc trừ nấm Vixazol 275SC (carbendazim 250 g/l và hexaconazole 25 g/l) nồng độ 0,2% (phương pháp xử lý thuốc theo Quy trình kỹ thuật 2012) so sánh với nghiệm thức đối chứng không phòng trị (để tự nhiên). Diện tích thí nghiệm 12 ha trên vườn cây (Lô D12) dòng vô tính RRIV 4 (trồng năm 2006, tuổi cạo 2) tại Nông trường Cẩm Đường. Thời gian thực hiện từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2013.
Kết quả cho thấy, sử dụng thuốc trừ nấm Vixazol 275SC nồng độ 0,2% có hiệu quả phòng trị bệnh tốt, mức độ nhiễm bệnh rất nhẹ với cấp bệnh trung bình (CBTB) là 0,5, mật độ tán lá (MĐTL) lên đến 95% và tán lá ổn định từ thời điểm cuối tháng 1/2013 (ngày 31/01/2013). Trong khi, đối chứng (để tự nhiên) bị nhiễm bệnh phấn trắng ở mức nặng (CBTB 3,9), MĐTL thấp < 45%, đến thời điểm nông trường mở cạo đồng loạt (ngày 22/03/2013) MĐTL chỉ đạt 70% (Hình 2.1 và Hình 2.2). Tại diện tích vườn cây không phòng trị bệnh, tán lá tồn tại nhiều vết bệnh loang lổ và nhiều lá bị biến dạng.
Năng suất thực thu 9 tháng trong năm 2013 (tháng 4 – 12/2013) của nghiệm thức phòng trị bệnh đạt 2.379,8 kg/ha/năm, cao hơn 325,7 kg/ha/năm (tương ứng tỷ lệ tăng 15,9%) so với không phòng trị (năng suất chỉ đạt 2.054,1 kg/ha/năm). Khái toán hiệu quả kinh tế cho thấy mức tăng lợi nhuận của nghiệm thức phòng trị bệnh là 14.310.514 đồng/ha/năm so với không phòng trị (Bảng 2.1).
Thí nghiệm 2: Bố trí theo kiểu mô hình diện rộng, các nghiệm thức được bố trí trên nền thuốc trừ nấm Vixazol 275SC nồng độ 0,2% với 2 hoặc 3 lần phun và nghiệm thức đối chứng không phòng trị (để tự nhiên). Diện tích thí nghiệm 9 ha trên vườn cây (Lô D11) dòng vô tính RRIV 4 (trồng năm 2006, tuổi cạo 3) tại Nông trường Cẩm Đường. Thời gian thực hiện từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2014.
Các nghiệm thức sử dụng thuốc trừ nấm (Vixazol 275SC nồng độ 0,2%) có hiệu quả phòng trị bệnh tốt, mức độ nhiễm bệnh từ rất nhẹ đến nhẹ (CBTB luôn < 2), tán lá ổn định từ thời điểm 27/02/2014. Trong khi đối chứng (không phun thuốc) nhiễm bệnh ở mức nặng, trong giai đoạn cao điểm (15/02/2014
– 05/3/2014) CBTB 4,5 – 4,8 sau đó giảm dần do lá bệnh bị rụng và cây ra lá mới lần 2 và lần 3, đến thời điểm nông trường mở cạo đồng loạt (15/4/2014) mật độ tán lá < 80% (Hình 2.3 và Hình 2.4).
Trong các nghiệm thức sử dụng thuốc trừ nấm, nghiệm thức 2 (xử lý thuốc 3 lần) có hiệu quả kỹ thuật tốt nhất, CBTB luôn < 1, lá to dày, đạt mật độ che phủ trên 95% ngay từ thời điểm 20/02/2014. Nghiệm thức 1 (xử lý thuốc 2 lần) cũng cho hiệu quả phòng trị bệnh tốt, CBTB luôn < 2, duy trì mật độ tán lá trên 90% từ thời điểm 20/02/2014 đến cuối mùa bệnh (Hình 2.3 và Hình 2.4).
Năng suất thực thu 9 tháng trong năm 2014 (tháng 4 – 12/2014) của các nghiệm thức biến động từ 1.923,1 – 2.343,6 kg/ha/năm. Nghiệm thức 2 (phun thuốc Vixazol 275SC ba lần) có năng suất cao hơn đối chứng đến 420,5 kg/ha/năm, tương ứng mức tăng 21,9% (Bảng 2.2). Nghiệm thức 1 (phun thuốc Vixazol 275SC hai lần) có năng suất thực thu cao hơn so với nghiệm thức đối chứng đến 288,9 kg/ha/ năm, tương ứng với mức tăng 15% (Bảng 2.2). Các Nghiệm thức phòng bệnh khái toán có lợi nhuận gia tăng so với không phòng trị từ 8.834.043 – 12.802.453 đồng (Bảng 2.2).
Kết quả thực hiện phòng trị bệnh phấn trắng trên qui mô đại trà
“Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh rụng lá phấn trắng do nấm Oidium heveae gây ra trên vườn cây
Bảng 2.1. Khái toán hiệu quả của phòng trị bệnh so với không phòng trị
Nghiệm thức | Năng suất (kg/ha/năm) | % so đối chứng | Thu (đồng) | Chi (đồng) | Lợi nhuận (đồng) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6 = 4 – 5) |
Phòng trị bệnh | 2.379,8 | 115,9 | 17.142.988 | 2.832.474 | 14.310.514 |
Không phòng trị | 2.054,1 | 100 | – | – | – |
* Ghi chú: Năng suất thực thu được tính bình quân trên 450 cây cạo/ha; Thu (4): tiền thu từ sản lượng tăng thêm; Chi (5): tiền chi cho phòng trị bệnh (thuốc trừ nấm, công lao động, xăng dầu máy phun thuốc) và chi phí chế biến phần sản lượng tăng thêm; Chi phí chế biến/tấn mủ: 3.232.650 đồng/tấn; Giá mủ bình quân năm 2013: 52.634.290 đồng/tấn (Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai).
Bảng 2.2. Khái toán hiệu quả của phòng trị bệnh so với không phòng trị
Nghiệm thức | Năng suất (kg/ha/năm) | % so đối chứng | Thu (đồng) | Chi (đồng) | Lợi nhuận (đồng) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6 = 4 – 5) |
Phun thuốc 2 lần | 2.212,0 | 115,0 | 11.027.891 | 2.193.848 | 8.834.043 |
Phun thuốc 3 lần | 2.343,6 | 121,9 | 16.050.563 | 3.248.110 | 12.802.453 |
Không phòng trị | 1.923,1 | 100,0 | – | – | – |
* Ghi chú: Năng suất thực thu được tính bình quân trên 450 cây cạo/ha; Thu (4): tiền thu từ sản lượng tăng thêm; Chi (5): tiền chi cho phòng trị bệnh (thuốc trừ nấm, công lao động, xăng dầu máy phun thuốc) và chi phí chế biến phần sản lượng tăng thêm; Chi phí chế biến/tấn mủ: 3.320.000 đồng/tấn; Giá mủ bình quân năm 2014: 38.172.000 đồng/tấn (Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai).
cao su kinh doanh” đã được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam chuyển giao áp dụng rộng rãi tại các công ty trong ngành cao su và nhiều diện tích cao su tiểu điền. Trong 5 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2021), chỉ tính riêng một số công ty cao su trong ngành áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do Viện khuyến cáo, với hiệu quả đã được khẳng định thì diện tích vườn cây được phòng bệnh cũng tăng dần qua các năm: từ 13.834 ha (năm 2017) lên đến 18.214 ha (năm 2021)
(Bảng 3.1).
Hiệu quả kỹ thuật – Nâng cao chất lượng bộ lá và năng suất vườn cây
Trên diện tích vườn cây được phun phòng trị bệnh, hầu hết các vườn cây có tán lá gần như sạch bệnh hoặc nhiễm bệnh ở mức rất nhẹ – nhẹ với CBTB từ 1,1 – 1,7; MĐTL đạt 81,2% – 86,6% (trung bình đạt 84,7%), phiến lá to dày và ổn định màu xanh đậm ngay thời điểm cuối tháng 2 hàng năm. Trong khi đó, các vườn cây không được phun thuốc bị nhiễm bệnh ở mức nặng với CBTB từ 3,3 – 3,7; MĐTL đạt 63% – 68% (trung bình đạt 65,1%), phiến lá nhỏ và mỏng, loang lổ vết bệnh (Bảng 3.2).
Những vườn cây có đặc điểm tương đồng về các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất bao gồm dòng vô tính, năm trồng, tuổi cạo, chế độ cạo và hạng đất đã được chọn lọc để đánh giá hiệu quả phòng trị bệnh bằng phương pháp so sánh bắt cặp. Năng suất thực thu tại các vườn cây được phòng trị bệnh cao hơn so với không phòng trị từ 355 kg/ha/năm đến 498 kg/ha/năm tùy thuộc đối tượng vườn cây, tỷ lệ tăng so với đối chứng không phòng trị là 11,3% – 13,8% (Bảng 3.3).
Phân tích trắc nghiệm T-test cho thấy có sự khác biệt rất có ý nghĩa về mức tăng năng suất giữa những vườn cây được phòng trị bệnh so với không phòng trị. Kết quả thu được từ thực tế sản xuất đại trà năm 2020 rất tương đồng và phù hợp với các kết quả phân tích từ các thí nghiệm chính quy đã thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2014. Kết quả này đã bổ sung luận chứng thực tiễn khẳng định hiệu quả của phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh. Mức đáp ứng tăng sản lượng từ việc phòng trị bệnh phấn trắng tùy thuộc vào năng lực và tiềm năng của vườn cây.
(Xem tiếp kỳ sau)
NGUYỄN ĐÔN HIỆU VÀ CỘNG SỰ
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Bảng 3.1. Diện tích (ha) phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh từ năm 2017 đến năm 2021 tại một số công ty cao su
Công ty | Diện tích phòng trị bệnh (ha) | Tổng | ||||
2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | ||
Đồng Nai | 4.903 | 5.082 | 6.971 | 6.852 | 8.680 | 32.488 |
Bình Thuận | 3.624 | 3.520 | 3.520 | 3.405 | 3.464 | 17.533 |
Tây Ninh | 3.282 | 2.690 | 3.067 | 3.201 | 2.870 | 15.110 |
Lộc Ninh | 1.184 | 1.167 | 1.163 | 1.056 | 965 | 5.535 |
Đồng Phú | 841 | 1.413 | 2.168 | 2.079 | 2.235 | 8.736 |
Tổng | 13.834 | 13.872 | 16.889 | 16.593 | 18.214 | 79.402 |
Bảng 3.2. Chất lượng bộ lá của vườn cây phòng trị bệnh và vườn cây không phòng trị trong mùa bệnh phấn trắng từ năm 2017 đến năm 2021 tại các công ty cao su
Công ty | Vườn cây phòng trị bệnh | Vườn cây không phòng trị | ||
MĐTL (%) | CBTB | MĐTL (%) | CBTB | |
Đồng Nai | 84,4 | 1,2 | 65,0 | 3,5 |
Bình Thuận | 86,6 | 1,1 | 63,0 | 3,6 |
Tây Ninh | 85,4 | 1,2 | 63,8 | 3,7 |
Lộc Ninh | 85,8 | 1,3 | 65,8 | 3,4 |
Đồng Phú | 81,2 | 1,7 | 68,0 | 3,3 |
Trung bình | 84,7 | 1,3 | 65,1 | 3,5 |
Related posts:
- Philippine tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh rụng lá Pestalotiopsis gây hại cao su
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Vì chất lượng nguồn nhân lực Cao su Việt Nam và xã hội
- 8 đơn vị trực thuộc VRG nhận giải Sao vàng đất Việt 2021
- Cây cao su cùng giúp đồng bào ấm no
- Cảnh báo bệnh Corynespora thời điểm giao mùa
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao hoạt động công đoàn của VRG tại Campuchia và Lào
- Đoàn Thanh niên Cao su Mang Yang: Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp
- Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson
- Cao su Hà Giang: Tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Cao su Bình Thuận: Thực hiện hiệu quả các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản lượng