CSVN – Với 3 thành viên chuyên trách, 2 kiêm nhiệm, công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc sau 20 giờ mỗi ngày, Tổ thu mua cao su tiểu điền của Cao su Mang Yang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu mua 1.000 tấn chỉ sau 6 tháng mùa thu hoạch mủ bắt đầu.
Đi “gom tiền lẻ”
8 giờ sáng một ngày đầu tháng 11, trời Gia Lai mây đen vần vũ, công việc đi “gom tiền lẻ” của tổ thu mua muộn hơn thường lệ. Tổ tiến hành nhóm họp với nội dung là bàn cách đi thế nào để tránh xe bị lầy, đảm bảo giờ hẹn với các hộ tiểu điền…
Bỏ vào ba lô hơn 100 triệu đồng vừa ứng, anh Trương Hoàng Đình Nguyên – thành viên tổ thu mua đưa tay ra hiệu cho chúng tôi lên xe. Đi được một đoạn, anh Nguyên cho hay: “Hôm nay tổ thu mua sẽ đi hướng xã Đăk Dj Răng của huyện Mang Yang, nơi có 7 hộ tiểu điền với diện tích chừng hơn 50 ha, sản lượng từ 5 – 7 tấn mủ đông tạp/lần gom”.
Chiếc xe tải cũ kỹ một cầu lắc lư qua từng con đường nhỏ, vượt hàng trăm ổ gà, hố voi, đi xuyên qua nhiều vườn cao su đang khai thác. Mở ba lô lấy mấy cục tiền, vừa phân loại anh Nguyên vừa giải thích: “Mình sẽ đi thu gom từ điểm xa trước, các hộ gần đường khi quay về mình sẽ gom. Hướng này một tuần thu gom một lần, riêng hướng huyện K’bang lấy mủ nước của gia đình ông Lan với diện tích 470 ha thì phải đi hàng ngày”.
“Hôm nay đi hướng này còn đỡ lắt nhắt đó, chứ đi hướng xã Bờ Ngoong của huyện Chư Sê toàn là các hộ đồng bào có vài sào đến đôi hecta cực lắm. Có hộ chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu mỗi lần thu, nhưng ở đó họ lại tập kết đến một điểm nên rất thuận lợi trong việc thu gom, còn ở hướng này phải đến tận vườn, vì ở đây mỗi lần thu có hộ vài chục triệu với sản lượng hàng tấn”, anh Nguyên cho biết thêm.
Điểm đầu tiên tổ thu mua ghé đến là hộ bà Hoàng Thị Loan, diện tích 1,6 ha. Qua trò chuyện, bà Loan cho hay: “Nhà tôi thì có ít so với các hộ xung quanh, với diện tích này thì tôi thuê 2 công cạo D3, tiền thu được chia 50 – 50”.
Nỗi lo xe bị lầy trước khi đi đã thành sự thật. Lúc quay xe ra, dù trên xe chỉ có 232 ký mủ nhưng cũng đủ làm xe trượt dài trên con đường đất trơn trượt do trận mưa đêm qua. Hì hục mãi, với sự giúp sức của những thợ cạo vườn bà Loan và chiếc công nông của người dân đi làm rẫy, chiếc xe tải cũng đã trở lại “đường ray”.
Điểm thu gom tiếp theo được anh Nguyên cho biết có diện tích nhiều nhất hướng đi với hơn 12 ha của bà Lê Thị Tâm và 5 hộ khác, diện tích chừng 35 ha. Những miếng mủ hình thù cái chén được chất đầy trong nhiều thùng nhựa lớn, con mắt “nhà nghề” của anh Nguyên dễ dàng nhận ra đợt thu gom này sản lượng của bà Tâm khá nhiều.
Chiếc xe tải to, dài cố gắng luồn lách, lui tới liên tục mới qua được ngã tư đường lô. Bác tài xế quả là cừ khôi khi liên tục đánh vô lăng, tay trái không ngừng chỉnh gương chiếu hậu để tránh những cành cây cao su, cây dại bên đường đập vào. Vườn rộng, thuê nhiều người cạo nên bà Tâm có nhiều điểm tập kết mủ, xe tổ thu mua phải đến tận nơi để bốc hàng. Trao đổi với chúng tôi, bà Tâm cho biết: “Tôi có hơn 12 ha, nhưng ở 2 nơi. Tôi thuê người cạo mỗi cây 500 đồng/lần cạo. Thời điểm giá mủ cao, mỗi tuần tôi cũng thu được hơn 30 triệu đồng”.
Cứ như thế, chúng tôi di chuyển từ vườn này qua vườn khác mà chẳng để ý gì về thời gian, những câu chuyện thường gặp trong công tác thu mua làm chúng tôi quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả, quên thời gian và cũng chẳng để ý đến cái đói, nhưng khi nhìn đồng hồ đã gần 13 giờ.
Đoàn chúng tôi về đến Xí nghiệp chế biến K’dang lúc gần 14 giờ. Tổ trưởng Đinh Xuân Tín, chị Hà kế toán vẫn đang chờ để đi ăn cơm do hôm nay hướng đi huyện K’bang không khởi hành vì vườn ông Lan không cạo. Công việc giao nhận mủ được thực hiện nhanh chóng, nhân viên xác định DRC cũng khẩn trương test độ.
Xong việc, cả đoàn ra quán cơm gần xí nghiệp để ăn bữa trưa nhưng tiếc thay quán lại chẳng còn gì. Anh Tín bộc bạch: “Đây là chuyện thường ngày của anh em trong tổ, nhiều khi còn phải mua mì tôm rồi vào nhà dân xin nước sôi những lúc xe bị lầy. Có khi thủ sẵn ổ bánh mì, hộp xôi”.
Chúng tôi quyết định lên Thị trấn Đăk Đoa để tìm “chỗ nạp” năng lượng sau gần 1 ngày vất vả, loay hoay mãi rồi cùng tìm được một quán lẩu bình dân. Cũng dễ hiểu, Covid -19 đã làm nhiều hàng quán đóng cửa hoặc hạn chế bán tại chỗ.
Hiệu quả vượt trội
Với kế hoạch giao thu mua năm 2021 là 1.000 tấn, bằng nỗ lực và sự lăn xả “tiếp cận” những vườn cây cao su tiểu điền, đến ngày 13/9 tổ thu mua đã hoàn thành chỉ tiêu. Khi nói về điều này, anh Nguyên cho biết: “Năm nay, dịch Covid -19 làm giao thông đi lại khó khăn nên những doanh nghiệp tư nhân, những nhà buôn lớn không thể vào thu mua được ở địa bàn này, còn bình thường mình không thể cạnh tranh được với họ. Thêm vào đó, tất cả các thành viên trong tổ thu mua đều nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao”.
Trước đó, ông Trương Minh Tiến – TGĐ công ty đã nói, năm 2021 công ty đăng ký chỉ tiêu thu mua với VRG 500 tấn. Dự kiến, hết tháng 12 công tác thu mua sẽ đạt khoảng trên 1.500 tấn và lợi nhuận mang lại có thể đạt 600 – 700 triệu đồng.
Hiện tại, tổng công suất của Xí nghiệp chế biến K’dang 10.500 tấn, sản lượng của công ty năm nay chỉ trên 4.000 tấn nên việc tăng cường thu mua đáp ứng công suất cho nhà máy, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ và khấu hao cho nhà máy là hết sức quan trọng. Đặc biệt, thời gian tới một số đơn vị sẽ có nhà máy đi vào hoạt động như Cao su Chư Mom Ray, hay gia đình ông Lan ở K’bang…sẽ làm giảm nhiều sản lượng mủ gia công của công ty.
Trước những khó khăn được dự báo trước, anh Nguyên cho hay: “Hiện nay, các thành viên trong tổ thu mua đang tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường ở các huyện có diện tích cao su tiểu điền lớn như Ia Grai, Chư Păh. Thời gian nhàn rỗi, các thành viên đều chia nhau đi vào tận nhà dân ở các huyện này để thương lượng về giá, thời điểm thu gom. Biết sẽ có nhiều sự cạnh tranh nên chúng tôi tích cực chăm sóc khách hàng, hậu mãi tốt…để xây dựng lòng tin với các hộ”.
Với nhiều cách làm hay cùng với chính sách ưu đãi các hộ bán mủ cao su tiểu điền thì công tác thu mua của công ty trong năm tới dự kiến sẽ tiếp tục vượt chỉ tiêu lãnh đạo công ty giao.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ
- Huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu
- Thành lập Câu lạc bộ Khu công nghiệp trực thuộc VRG
- Nhìn lại 2020 hướng tới 2021 - 2025
- Cao su Dầu Tiếng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- Cao su Kon Tum: tiến tới tinh gọn, hiệu quả
- Đảng bộ Cao su Lộc Ninh quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Cao su Lai Châu II mừng công về đích trước 12 ngày
- Trồng xen canh dưa hấu: Được mùa, được giá