CSVN – Từ phong trào thi đua nước rút, nhiều cá nhân nổi trội, sớm hoàn thành kế hoạch với sản lượng ấn tượng được ghi nhận. Nông trường Minh Hòa, Cao su Dầu Tiếng có nhiều cá nhân luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng nhiều năm liền.
Dự kiến vượt sản lượng hơn 80%
Điển hình nhất trong số những cá nhân hoàn thành kế hoạch năm 2021 là chị Trương Thị Xuân Mai, sinh năm 1985, công nhân Tổ 8. Năm 2021, chị được nông trường giao sản lượng gần 8 tấn trên vườn cây cạo tận thu. Dù thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, chịu khó, ngày 21/8 chị Mai đã chính thức hoàn thành kế hoạch sớm nhất nông trường và cả công ty.
Chị Mai xin vào làm công nhân năm 2013. Sau đó vì có con nhỏ hay đau ốm nên chị xin nghỉ, ở nhà buôn bán. Tuy nhiên việc buôn bán bấp bênh, không có thu nhập ổn định như làm cao su nên đến năm 2017, chị xin trở lại làm công nhân cạo.
Với sự nhiệt huyết, chịu khó trong công việc, năm đầu tiên sau khi trở lại, chị xuất sắc hoàn thành sản lượng sớm nhất nông trường. Từ năm 2017 đến nay, chị luôn nằm trong tốp đầu các cá nhân sớm hoàn thành sản lượng của nông trường. Năm 2020, chị xuất sắc hoàn thành kế hoạch từ ngày 16/9.
Nhận xét về chị Mai, anh Lê Quang Triệu – Tổ trưởng tổ 8 cho biết: “Việc cạo trên vườn cây tận thu, miệng cạo cao là điều khó khăn đối với công nhân nữ như chị Mai. Tuy nhiên, nhiều năm liền chị luôn sớm hoàn thành sản lượng, đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ.” “Năm 2021, sản lượng nông trường giao cho tổ gần 221 tấn, đến hết tháng 10 đã thực hiện được gần 80%. Riêng chị Mai, dự kiến đến hết năm 2021 chị sẽ vượt sản lượng hơn 80%”, anh Triệu cho biết thêm.
Áp dụng sáng kiến tận thu mủ
Chị Phạm Thị Hoàng Diệu sinh năm 1980, trong gia đình 3 thế hệ làm công nhân cao su. Năm 2015, chị xin vào làm công nhân cạo mủ. Cũng như chị Mai, chị Diệu luôn hoàn thành sớm kế hoạch sản lượng và nằm trong tốp đầu của nông trường. Năm 2020, chị hoàn thành kế hoạch ngày 14/9 và dẫn đầu công ty. Năm 2021, chị được giao kế hoạch 7,6 tấn và đến ngày 17/9 đã hoàn thành.
Chị Diệu cho biết: “Công nhân cạo trên vườn cây thanh lý đòi hỏi phải có sức khỏe và sự kiên trì, chịu khó. Thời gian cạo hết phần cây lâu hơn, thao tác khó khăn hơn do miệng cạo quá cao. Để hoàn thành vượt mức sản lượng hàng năm đòi hỏi bản thân phải siêng năng, cố gắng tận thu từng giọt mủ”.
Năm 2020, sau 5 năm gắn bó với vườn cây thanh lý, chị Diệu đã có sáng kiến “Cạo tận thu miệng cạo úp thấp ở lớp vỏ tái sinh trên vườn cây thanh lý năm cuối” nhằm tăng sản lượng và giảm vất vả cho công nhân.
Được sự hỗ trợ của lãnh đạo Nông trường Minh Hòa, phòng nông nghiệp, Tổ trưởng Tổ 8, sau ba tháng thử nghiệm, sáng kiến đã thu được kết quả tích cực, làm lợi cho đơn vị và được công ty công nhận.
Chia sẻ về sáng kiến, chị Diệu cho biết: “Giải pháp mở cạo thêm miệng cạo úp thấp trên da tái sinh trên những cây to khỏe, những cây không có vỏ cạo úp hoặc có miệng úp cạo cành nhánh quá cao giúp tăng năng suất, tận thu tối đa lượng mủ trên cây thanh lý. Nhờ phương pháp này mà tôi đỡ vất vả hơn, năng suất, sản lượng cũng tốt hơn, thu nhập cũng tăng lên. Hiện nhiều anh chị em đã áp dụng, giúp hoàn thành kế hoạch sản lượng của công nhân nói riêng và góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng của đơn vị.”
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Họ đã làm gì?
- "Tôi chiến thắng chính mình tại Hội thi bàn tay vàng"
- Bùi Quốc Hùng: Gương điển hình từ sức trẻ
- Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
- Cao su Lộc Ninh chúc Tết trực tuyến người lao động tại Campuchia
- Còn sức khỏe là còn gắn bó
- Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
- Làm công nhân cao su để thoát nghèo
- Rèn luyện qua thực tế để trưởng thành trong tương lai
- Tết Mậu Thân 1968 - Chiến công của quân dân vùng cao su Dầu Tiếng