CSVN – Diện tích đất góp của hộ gia đình, cá nhân với Công ty CPCS Điện Biên để trồng cây cao su là 4.534,5ha, trong đó 4.296ha đã ký hợp đồng góp đất trồng. Số diện tích còn lại chưa ký hợp đồng góp đất trồng với hộ gia đình, cá nhân, không chỉ dẫn đến một số khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng đất góp mà còn thiệt thòi cho người dân góp đất do chưa có cơ sở để chia lợi nhuận từ việc khai thác mủ ở các vườn cây cao su đến kỳ thu hoạch.
Ông Phan Văn Lợi – TGĐ Công ty CPCS Điện Biên cho biết, hiện còn 238,5ha diện tích đất trồng cao su chưa ký hợp đồng góp đất với hộ gia đình, cá nhân là bởi một phần diện tích góp hộ gia đình, cá nhân đã trồng cao su nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do đó chưa ký kết được hợp đồng góp đất (159,72ha của 192 hộ thuộc các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ).
Một phần diện tích góp của các hộ gia đình, cá nhân đã trồng cao su được cấp GCNQSDĐ, tuy nhiên vẫn chưa ký kết được hợp đồng góp đất do một số hộ vắng mặt, một số hộ đang thi hành án; một số thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không đúng vị trí thực tế, không đúng diện tích, sai tên hộ góp đất hoặc không xác định được vị trí trên thực địa, cấp nhiều giấy chứng nhận trên cùng một thửa đất. Đến nay UBND cấp huyện chưa thu hồi điều chỉnh giấy chứng nhận; một số thửa đất xảy tình trạng tranh chấp giữa các hộ chưa được giải quyết…
Thực hiện dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Mường Chà, tổng diện tích đất quy hoạch trồng cao su hơn 2.499ha. Trong đó, diện tích đất do hộ gia đình, cá nhân quản lý trên 2.009ha (hơn 1.751ha đã đưa vào trồng cao su; trên 257,4ha không trồng cao su). Hiện nay, huyện còn gần 68,2ha đất trồng cao su của người dân chưa được cấp GCNQSDĐ (nhiều nhất xã Na Sang còn gần 42,4ha với 23 giấy chứng nhận; xã Sa Lông hơn 18,2ha với 25 giấy chứng nhận…).
Tương tự, huyện Điện Biên hiện còn 65,6ha đất trồng cao su của người dân góp đất với công ty chưa được cấp GCNQSDĐ; huyện Tuần Giáo cũng còn gần 17ha đất trồng cao su với tổng số 54 GCNQSDĐ do người dân góp đất với doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh đã phối hợp với công ty, cấp ủy, chính quyền vùng dự án tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có đất trong vùng quy hoạch trồng cao su; tập trung nhân lực kiểm tra, rà soát cụ thể từng trường hợp vướng mắc để xử lý.
Trên cơ sở đó thực hiện đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận để người dân ký hợp đồng góp đất trồng cao su theo quy định. Đối với diện tích đất của cộng đồng dân cư đang sử dụng, Sở cũng đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư rà soát, kiểm tra từng đối tượng sử dụng đất, vị trí, ranh giới, diện tích đất để hoàn thiện hồ sơ thu hồi theo đúng quy định – ông Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cho biết.
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã ra văn bản đề nghị Sở TN & MT phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các cơ chế chính sách đối với việc thu hồi đất, góp đất, cấp GCNQSDĐ của UBND cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý.
MINH THÙY
Related posts:
- Về Mang Yang hôm nay
- Cao su Phú Riềng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
- Binh đoàn 15 lợi nhuận đạt trên 195% kế hoạch
- 15 năm Cao su Đồng Nai – Kratie: hành trình vượt khó
- Đội khai thác về trước kế hoạch sớm nhất ở cao su Phước Hòa
- Cao su Phú Riềng: Tô thắm truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng
- Trung tâm cao su Tây Nguyên tập huấn cho cán bộ kỹ thuật Cao su Chư Mom Ray
- Giá cao su thấp, trộm mủ giảm hẳn
- Cao su Bà Rịa: nhiều giải pháp thu hút, giữ chân người lao động
- Thu nhập bình quân người lao động Cơ khí Cao su trên 16 triệu đồng/người/tháng