CSVN – Tôi sinh ra và lớn lên đã thấy cây cao su có từ bao giờ trên mảnh đất Cao nguyên đầy nắng gió. Và thật ngẫu nhiên khi cha mẹ, anh chị cũng nối tiếp làm công nhân thuộc Công ty Cao su Mang Yang. Đến hôm nay, tôi đã trải qua 17 năm thăng trầm gắn bó với cây cao su, với nghề cạo mủ và dòng nhựa trắng thân yêu.
Nhớ cái thời khai hoang mở đất, trồng mới với bao vất vả và công nhân cạo mủ chúng tôi ngày ấy cũng lắm gian truân. Điều kiện khó khăn, mọi thứ còn thiếu thốn, ấy vậy mà công nhân ai cũng đều hào hứng, nhất là đám thanh niên tụi tôi lúc nào cũng căng tràn đầy nhiệt huyết với công việc.
Cái nghề cạo mủ cao su, có lẽ là một cái duyên, mà đã bén thì khó lòng gỡ ra được. Càng làm lâu, nó lại càng ăn sâu vào tâm khảm người thợ, dòng nhựa trắng se mùi hơi khó chịu, lấm lem của những bộ trang phục công nhân ấy đã đi hết với một số người đến cuối chặng đường…
Tây Nguyên những cơn mưa bất chợt rét run, những con đường mòn trong lô cao su trơn trượt… Những lúc như thế, tổ chúng tôi lại hỗ trợ nhau, trút tăng cường, mọi người giúp đỡ nhau lúc khó khăn, động viên nhanh khỏe để tiếp tục công việc khai thác mủ.
Công nhân khai thác chúng tôi cứ hối hả trên vườn cây vì mưu sinh, và những kỉ niệm đẹp của nghề cạo mủ in sâu trong kí ức. Nhất là vào dịp những hội thi, văn nghệ, thi nấu ăn …Lúc ấy mới biết nữ công nhân cao su không chỉ giỏi trên vườn cây mà còn đảm đang nữ công gia chánh; nhiều chị có giọng hát ngọt lịm, trong trẻo; nhiều chị còn là những tay bóng chuyền cừ khôi…
Thời gian cứ thế trôi đi, con người cũng như cây, đến tuổi về hưu, lớp trẻ nối tiếp bước vào nghề mang bao khát khao làm giàu cho quê hương, giữ nghề bền vững. Những vườn cây cao su già được thanh lý nhường lại khoảng trống cho những cây non và những đồi cây xanh ngút mắt trong tầm nhìn lại sinh sôi.
Người ta vẫn thường nói: cao su đi dễ khó về, mà đã trót vướng vào rồi có dứt cũng chẳng thể ra. Vì lẽ đó mà một số người sau khi nghỉ việc ra làm ngoài nay lại nộp đơn xin vào làm công nhân, bởi cái duyên với nghề cạo mủ không thể dứt bỏ được.
Với tôi, ngoài cái duyên với cây còn là sự quan tâm, chia sẻ của các đoàn thể công ty, luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm nồng ấm đó. Bởi ẩn chứa trong đó là sự chăm lo đời sống của người lao động, hỗ trợ những gia đình công nhân khó khăn để họ gắn bó hơn với công ty, tất cả đã thắp lên những ánh sáng niềm tin trong mỗi con người.
Tôi đã từng không giấu nổi niềm vui và tự hào vì mình là con của người công nhân cạo mủ. Và nhiều con em của người thợ cạo muốn khoác lên mình bộ trang phục công nhân để cảm nhận được mùi mồ hôi của cha mẹ, mùi mủ cao su oi oi khó chịu, vậy mà cái mùi ấy đã gắn chặt với cuộc đời của cha mẹ, đã nuôi con từ khi cất tiếng khóc chào đời.
Có ai dừng chân để nghe rừng cao su thì thầm đón gió, đã có ai từng thử nhúng tay mình vào giọt mủ, chạm vào thân cây để nghe trái tim mình rung lên những cảm xúc tự hào. Hôm nay, biết bao thế hệ những người công nhân ngày đêm vất vả giữ cho màu áo xanh truyền thống của ngành thêm tươi thắm, và tôi hôm nay, mai sau sẽ vẫn mãi tự hào mình là người công nhân cao su, người thợ khơi dòng nhựa mãi dạt dào tuôn chảy.
ĐỖ THỊ NGUYÊN
Related posts:
- Chung tay thực hiện mô hình cà phê sách nông thôn
- Cao su quê hương tôi
- Một ngày với Phú Riềng Đỏ
- Chuyện chàng trai đưa lan về rừng
- Trung thu ấm áp
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Kết quả Cuộc thi ảnh báo chí nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần VI năm 2024
- Chuyện về cây đa làng Ghè - Cây di sản Việt Nam
- "Ca sĩ" cao su sao chưa tham gia "Tiếng hát mãi xanh"?
- Tôi yêu cây cao su