Công tác thu mua trên địa bàn Tây Nguyên: Vẫn khởi sắc trong dịch Covid – 19

CSVN – Đến nay, hầu hết các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đều có tỷ lệ thu mua mủ tiểu điền đạt cao, bất chấp tình hình dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thu mua cao su tiểu điền ở Cao su Mang Yang. Ảnh: CTV
Khởi sắc từ việc người dân tích cực cạo trở lại

Một trong những tín hiệu khởi sắc của việc thu mua cao su tiểu điền đạt được tỷ lệ cao, theo ông Trần Trung Căn – Phó TGĐ Cao su Chư Prông là “do người dân đã trở lại khai thác tích cực sau khi thông tin về giá mủ ngày càng được cải thiện”. Chính vì thế, thời gian qua hầu hết các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đều có kết quả thu mua khá tốt. Trong đó, Cao su Chư Prông đã thực hiện được 90% kế hoạch, dự kiến hết năm sẽ thu mua vượt khoảng 50%.

Trong khi đó, Cao su Mang Yang là đơn vị thu mua đạt tỷ lệ cao nhất khi đến thời điểm 20/9 đã mua vượt kế hoạch 100%. Theo ông Trương Minh Tiến – TGĐ, công ty được giao thu mua 500 tấn, đến thời điểm này đã mua được trên 1.000 tấn, và sẽ đạt 1.500 tấn khi kết thúc năm.

Một đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai thu mua đạt tỷ lệ vượt trội là Cao su Chư Sê với kết quả đạt được 150% khi năm 2021 còn hơn 3 tháng. Bà Mai Thị Hương – Trưởng Phòng kế hoạch Cao su Chư Sê cho hay: “Công ty không đăng ký kế hoạch thu mua với VRG, tuy nhiên đến tháng 6 nhiều hộ tiểu điền đẩy mạnh công tác khai thác trở lại vì giá cao su tăng, nên công ty tận dụng việc thu mua để tăng công suất cho nhà máy, tạo thu nhập cho công nhân”.

Cao su Chư Păh cũng đang rất tích cực trong công tác thu mua để tận dụng việc tiểu điền đẩy mạnh công tác khai thác, đến nay công ty đã thu mua đạt 74,1% kế hoạch. Trong khi đó, Cao su Krông Buk là đơn vị có sản lượng thu mua cao nhất khu vực với kế hoạch giao 1.300 tấn, hiện đã đạt được 60% kế hoạch. Cao su Sa Thầy cũng đã thu mua gần đạt kế hoạch đề ra, dự kiến sẽ thu mua vượt từ 50 – 100 tấn khi hết năm.

2/9 đơn vị không tổ chức thu mua là Cao su Chư Mom Ray và Kon Tum, riêng Cao su Chư Mom Ray do chưa có nhà máy chế biến nên không tiến hành thu mua. Còn Cao su Kon Tum lại gặp khó trong việc cạnh tranh với các đơn vị tư nhân và tiểu thương khác, theo lý giải của ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ: “Công ty khó có thể thu mua như các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, bởi sẽ ảnh hưởng đến 2 mô hình liên kết và nhận khoán trong công ty. Nếu mua của các hộ tiểu điền theo giá thị trường, việc trả đơn giá cho các hộ của 2 mô hình này phải bằng với giá thu mua, điều này bị vướng với hợp đồng khoán”.

Covid -19 tác động không nhiều

Mặc dù nhân viên tổ thu mua của Cao su Mang Yang có cá nhân tiếp xúc với F0, nhưng theo ông Trương Minh Tiến – TGĐ, công ty đã thay thế nhân sự để hoạt động thu mua diễn ra bình thường, do vậy kế hoạch thu mua không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiền – TGĐ Cao su Krông Buk cho hay: “Tuy dịch Covid -19 trên địa bàn các huyện lân cận với công ty đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên công việc thu mua vẫn diễn ra bình thường do đơn vị chỉ tập trung thu mua nội vùng, một số cá nhân có nhiệm vụ đi ra khỏi địa bàn thì thực hiện việc xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ”. Hiện một số tỉnh ở Tây Nguyên không ảnh hưởng nặng do Covid -19, vài nơi bị phong tỏa nhưng cục bộ. Nhìn chung việc khai thác, vận chuyển mủ và hoạt động buôn bán, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Hơn nữa, việc thực hiện thu mua nội vùng cũng tạo một số thuận lợi cho các đơn vị chủ động phương tiện, con người nhằm đảm bảo kế hoạch thu mua.

GIA LINH