CSVN – Thực hiện chủ trương của VRG về việc trồng xen các loại cây trong vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB) , những năm qua Cao su Chư Sê liên kết với các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trồng một số loại cây, tiêu biểu là cây khoai lang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người trồng và đơn vị cho thuê đất đều được lợi
Lặn lội từ tỉnh Lâm Đồng đến Tổ 6 – Nông trường Ia Glai để liên kết với Cao su Chư Sê trồng 44 ha khoai lang, anh Ngô Văn Thế cho biết: “Với việc liên kết cùng công ty, mỗi năm chúng tôi trả cho phía công ty 8 triệu đồng/ha tiền thuê đất. Đồng thời, thực hiện một số cam kết đối với công ty trong quá trình trồng xen như đảm bảo khoảng cách với cây cao su, làm cỏ, thực hiện việc chống cháy…” Tổ 6 của Nông trường Ia Glai có hơn 188 ha cao su, tất cả vừa mới tái canh nên rất được các hộ gia đình, doanh nghiệp trong vùng và NLĐ trong đơn vị mong muốn được liên kết, bởi đây là vùng đất phù hợp với cây khoai lang, hiện toàn bộ diện tích của tổ đã được liên kết trồng xen.
Anh Đào Xuân Giang thường trú trên địa bàn công ty đứng chân, người đã có nhiều năm liền hợp tác với đơn vị để trồng xen khoai lang trên vườn cây KTCB, chia sẻ: “Mỗi ha trồng khoai lang đầu tư rất lớn, từ 150 – 180 triệu/ha, được mùa thì tốt nhưng nếu thời tiết, thị trường giá cả không thuận lợi thì hiệu quả thu được sẽ không như mong đợi. Do vậy, trước khi đầu tư trồng xen khoai lang, tôi đều cân nhắc kỹ lưỡng về giống trồng, nhân công…”.
Theo dự tính của anh thì với giá bán khoảng 9 ngàn đồng/ký hiện tại là người trồng khoai có lãi. Nhiều năm trồng xen khoai lang, anh Giang cho biết: “Năm được mùa mỗi ha khoai lang thu hoạch được chừng 30 tấn, với giá bán cho thương lái hơn 10 ngàn/ ký thì tôi cũng lãi 100 triệu/ha, còn năm nào năng suất thấp mà giá tốt thì cũng đỡ, bù qua sớt lại thì người trồng khoai vẫn có lãi, còn công ty cũng không phải bỏ thêm tiền chăm sóc cho vườn cao su và có thêm nguồn thu từ tiền cho thuê đất trồng xen”.
Nguồn thu từ trồng xen năm sau luôn cao hơn năm trước
Hiện nay, Cao su Chư Sê có tổng diện tích trồng xen trên 2.555 ha, chiếm 47,6% tổng diện tích, các cây trồng chính là cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, dược liệu và một số cây trồng ngắn ngày khác.
Theo tính toán của công ty, việc trồng xen từ năm 2016 đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào việc tiết giảm suất đầu tư. Cụ thể, trồng xen trong năm 2016 thu được trên 883 triệu đồng, năm 2017 thu hơn 2,3 tỷ, năm 2018 thu 4,9 tỷ, năm 2019 thu được trên 7,67 tỷ đồng và năm 2020 thu được trên 8,6 tỷ đồng, tổng thu từ việc liên kết trồng xen trong 5 năm qua là trên 24,4 tỷ đồng. Nguồn thu từ việc hợp tác, liên kết từ chủ trương trồng xen trên vườn cây KTCB năm sau luôn cao hơn năm trước.
Số tiền thu được từ việc liên kết trồng xen, theo lãnh đạo Cao su Chư Sê là dùng vào việc chăm sóc cho vườn cây KTCB trong suốt thời gian chăm sóc như làm cỏ, bón phân, chống cháy… Điều này càng phát huy hiệu quả khi trong những năm qua giá mủ thấp, suất đầu tư cho cho vườn cây chăm sóc không cao, mức tối đa cho loại đất hạng 3 là 62,6 triệu đồng/ha/7 năm.
Với việc hiện thực thành công lợi ích kép là tiết giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho NLĐ khi xen canh, năm 2021 công ty tiếp tục luân canh 144,6 ha tại Nông trường Ia Tiêm, toàn bộ diện tích này đã được UBND tỉnh Gia Lai đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho mục đích chuyển đổi cây trồng ngắn hạn. Mỗi ha luân canh, công ty thu về 30 triệu đồng/2 năm, đây là điều kiện tốt để khi tái canh, vườn cây cao su sẽ được chăm sóc tốt nhất.
GIA LINH
Related posts:
- Tuyên truyền vận động tốt góp phần giúp tổ đạt nhiều kết quả tích cực
- Cao su Đồng Nai: Thách thức và cơ hội trên hành trình phát triển
- Tinh thần Phú Riềng Đỏ sáng mãi
- Mãi mãi xứng đáng: Huân chương Sao Vàng
- Sáng kiến "phun thuốc cỏ tự chế bằng xe máy" hiệu quả và an toàn
- Nâng cao chất lượng vườn cây cao su phía Bắc
- Áp khí Ethylene kết hợp khoan lấy mủ: Hiệu quả kinh tế cao?
- "Nỗ lực đảm bảo sức khỏe người lao động cùng gia thuộc ngành cao su"
- Mùa xuân trên nông trường cà phê
- Lãnh đạo VRG chúc Tết tỉnh Bình Phước