CSVNO – Ngày 20/8, VRG đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Sơn La về kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa tỉnh Sơn La – VRG và tình hình hoạt động của Công ty CP Cao su Sơn La trên địa bàn tỉnh.
Chương trình phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai tại 133 bản, tiểu khu thuộc 19 xã, thị trấn của 6 huyện: Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai.
Đến nay, Công ty CP Cao su Sơn La đang quản lý 6.039 ha cao su. Trong đó diện tích khai thác là 4.357 ha, kiến thiết cơ bản 1.522 ha, diện tích chờ thanh lý gần 160 ha. Tính đến hết tháng 7 năm 2021, công ty khai thác được 1.727 tấn mủ (36,75% KH), chế biến được 2.311,23 tấn (49,17% KH). Sản lượng tiêu thụ 2.285,14 tấn (48,62% KH), giá bán bình quân 36,3 triệu đồng, doanh thu gần 83 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 4,3 tỷ đồng.
Về công tác ký kết hợp đồng góp đất, tổng diện tích đất công ty đang quản lý là 8.197,87 ha. Trong đó đất công là 2.081,76 ha, đất dân góp là 6.197,87 ha. Tổng diện tích đã ký hợp đồng góp đất là 7.684,49 ha. Trong đó đất công là 1.861,42 ha, đất dân góp là 5.823,07 ha với 6.590 hợp đồng. Diện tích còn lại chưa ký hợp đồng là 513,38 ha. Trong đó đất công là 220,34 ha, đất dân góp là 293,04 ha ( chủ yếu ở đội Nà An 223,22 ha, NT Châu Sơn 66,2 ha và NT Châu Thuận 3,62 ha).
Trong năm 2020, công ty Cao su Sơn La đã chia sản phẩm 10% cho các hộ dân góp đất với số tiền tạm ứng là 4,98 tỷ đồng. Còn lại 0,92 tỷ đồng chưa chi trả do hồ sơ đất đai, thông tin chủ hộ chưa được xác định chính xác. Năm 2021, dự kiến công ty sẽ chi trả 10% giá trị góp đất cho người dân với số tiền khoảng 11,19 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, tỉnh Sơn La đề nghị VRG xây dựng , hoàn thiện hợp đồng mẫu phân chia sản phẩm đối với nhóm hộ, cộng đồng; đề nghị VRG cho phép Công ty CP Cao su Sơn La phân chia sản phẩm từ năm 2021 cho người dân góp đất theo hướng tăng cao hơn 10% như trước đây. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng góp đất, xây dựng phương án trả lại đất đối với diện tích đất trồng cao su kém hiệu quả để người dân canh tác, sản xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh Sơn La từ khi dự án bắt đầu đến nay và đã cho kết quả tích cực. Ông Bảo cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Cao su Sơn La, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý người dân chặt phá, gây cản trở hoạt động cạo mủ để đảm bảo sản lượng khai thác của công ty cũng như thu nhập của người dân từ tiền góp đất.
Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao dự án cao su tại Sơn La, góp phần thay đổi thói quen, tập quán canh tác của người dân. Cao su giúp bao phủ đất trống đồi trọc. Đến nay, Cao su Sơn La chỉ mới có lợi nhuận khiêm tốn nhưng điều đó khẳng định hiệu quả của dự án, khẳng định giá trị của cao su đối với đời sống người dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
“Riêng đề nghị của tỉnh về việc tăng tỉ lệ % phân chia sản phẩm cho người dân góp đất, Tập đoàn xây dựng phương án chung cho cả khu vực miền núi phía Bắc nên không thể thay đổi riêng cho tỉnh Sơn La. Cao su Sơn La vẫn tiếp tục mức chia sản phẩm là 10%. Tuy nhiên công ty sẽ cắt giảm các chi phí trung gian để đưa giá thành sản phẩm xuống thấp nhằm tăng tỉ lệ chia sản phẩm cho người dân góp đất”.
Ông Thuận mong muốn thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thu nhập và đời sống người dân góp đất trồng cây cao su.
Tại cuộc họp, lãnh đạo VRG cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh Sơn La 200 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch Covid -19.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Đông – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La mong muốn Tỉnh ủy và Đảng ủy VRG tiếp tục hợp tác, kịp thời giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương của tỉnh phối hợp chặt chẽ cùng VRG và Công ty cổ phần Cao su Sơn La tích cực tuyên truyền người dân không chặt phá cây cao su. Chỉ đạo Công an các huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ cao su, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp chặt phá cao su để đảm bảo sản xuất kinh doanh cho công ty và thu nhập cho NLĐ.
Riêng những diện tích đất cao su mà tỉnh đã thu hồi để giao cho doanh nghiệp khác, ông Đông đề nghị các cơ quan chuyên môn nhanh chóng giải quyết, chi trả tiền lại cho Tập đoàn trong năm 2021.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Công đoàn tổ 5 – Nông trường Bờ Ngoong (Cao su Mang Yang): Chú trọng bữa ăn ca cho Đoàn viên
- Cao su Đồng Nai: Ra quân sớm, hứa hẹn sản lượng vượt
- Cao su Kon Tum: Bàn giao 2 nhà Đại đoàn kết
- 3 nông trường Cao su Chư Păh kết nghĩa với 38 thôn, làng
- "Quốc hữu hóa ngành cao su sau khi đất nước thống nhất là tất yếu"
- "VRG thực hiện tốt cổ phần hóa doanh nghiệp"
- Khuyến khích người dân Lào gắn bó lâu dài với ngành cao su
- Cao su Đồng Phú: Thu nhập người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng
- Khảo sát trồng cây dược liệu
- Cao su Bình Long phấn đấu khai thác vượt 1.200 tấn mủ