CSVNO – Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong nửa đầu năm 2021 ngành gỗ tăng tốc, trong khi nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng gần 62% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch bệnh diễn ra, người dân có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn tạo thuận lợi cho ngành gỗ tăng trưởng.
Trên sàn niêm yết kết thúc nửa đầu năm 2021 các doanh nghiệp ngành gỗ đã lần lượt công bố các mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Dẫn đầu về doanh thu là Phú Tài (PTB) với doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 3.063 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu doanh thu, ngành gỗ mang lại 1.817 tỷ đồng, đóng góp 59,3% tổng doanh thu và tăng 40% so với cùng kỳ – đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất tăng trưởng về doanh thu so với nửa đầu năm ngoái.
Nếu Phú Tài có đa dạng mảng kinh doanh thì Gỗ An Cường (ACG) đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến gỗ. Công ty này đang nắm hơn 55% thị phần nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu trang trí phân khúc trung – cao cấp tại Việt Nam. Kết thúc nửa đầu năm 2021, ACG đạt 1.709 tỷ đồng doanh thu thuần tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ.
Tiếp đó Lâm nghiệp Việt Nam (VIF) lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất đạt gần 1.133 tỷ đồng, tăng hơn 27% cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý nhất là mức tăng trưởng doanh thu của Gỗ MDF VRG Quảng Trị (MDF)với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 đạt 605 tỷ đồng cao gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ doanh thu tăng cao mà các doanh nghiệp gỗ cũng đã có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Trong đó Gỗ An Cường (ACG) dẫn đầu về lợi nhuận với gần 238 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ. Tiếp đó Vinafor (VIF) lãi sau thuế đạt gần 201 tỷ đồng, tăng 40% so với nửa đầu năm 2020.
Phú Tài (PTB) ghi nhận lợi nhuận 180 tỷ đồng tăng 45% so với cùng kỳ trong đó ngành gỗ mang về hơn 162 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và đóng góp chủ yếu vào tổng lợi nhuận cả kỳ của PTB.
Hiện PTB đang có kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ Bình Định với hai giai đoạn, dự án được đầu tư từ quý IV/2020 đến năm 2022 sẽ hoàn thiện; trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 236,8 tỷ đồng đưa vào hoạt động từ quý II/2021, với khoảng 50% công suất thiết kế.
Gỗ MDF VRG Quảng Trị (MDF) sau khi ghi nhận mức lãi cao kỷ lục trong quý 2 đã giúp 6 tháng lãi 47,6 tỷ đồng và là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm chỉ sau nửa năm đã vượt tới 71% mục tiêu về lợi nhuận.
Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) mặc dù lãi thấp nhất trong nhóm các doanh nghiệp gỗ với lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng sau nửa đầu năm tuy nhiên riêng quý 2, TTF có lãi 42 tỷ đồng – đánh dấu việc công ty trở lại có lãi sau hai quý liên tiếp công ty kinh doanh lỗ. Đáng chú ý năm 2021 TTF đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 67% lên 2.025 tỷ đồng; lãi trước thuế 59 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm trước.
Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết kế hoạch 10 năm tới đây được Công ty xác định là thập kỷ nhảy vọt, đưa TTF trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu Asean cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.
Hai doanh nghiệp gỗ khác là Gỗ Đức Thành (GDT) và Gỗ Thuận An (GTA) mặc dù chỉ có doanh thu khiêm tốn nhưng hiệu quả kinh doanh lại rất khả quan trong đó GDT kết thúc 6 tháng với doanh thu 215 tỷ đồng tăng 26%, LNST đạt 37 tỷ đồng tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái.
Đáng chú ý, không chỉ tự thiết kế và sản xuất sản phẩm, Gỗ Đức Thành (GDT) còn thực hiện gia công cho các đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài. Hiện tại, phần lớn doanh thu của GDT hiện đến từ hoạt động xuất khẩu với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu. Đối với các thị trường Châu Á, GDT đã xây dựng cơ sở khách hàng trung thành với hầu hết là đối tác của GDT hơn 10 năm như Lotte Mart, Nitori, H1 Global, Fair Friend, Dong Yang International.
Tiếp đó kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, Gỗ Thuận An (GTA) cũng đạt mức doanh thu tăng trưởng 2 con số và lãi 10,3 tỷ đồng tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Là công ty chuyên xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ tới thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, đặc biệt là 2 thị trường truyền thống Mỹ và EU, trong một chia sẻ với báo chí lãnh đạo của Gỗ Thuận An cho biết, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu kín cả năm 2021, đang sản xuất với 130% công suất và sắp mở thêm nhà máy mới ở Bình Phước.
Có thể thấy khi dịch bệnh diễn ra, các quốc gia thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn. Chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.
Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam rất hấp dẫn người tiêu dùng và được các doanh nghiệp tuân thủ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu minh bạch nên được khách hàng lựa chọn.
Bên cạnh đó kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của nhiều nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, Trung Quốc, EU… Đây cũng là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.
Do đó, trong nửa cuối năm 2021, các chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 vượt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD.
theo cafef.vn
Related posts:
- Nỗ lực phục hồi sau đại dịch
- “Các công ty cao su tại Lào có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”
- "Xuân gắn kết - Tết sum vầy" ấm áp, nghĩa tình tại TCT Cao su Đồng Nai
- Cao su Đồng Nai chú trọng đào tạo cán bộ nông nghiệp
- Các công ty khu vực Tây Nguyên: Tạo đà cho cuộc đua năng suất vườn cây
- Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng dữ liệu thông tin về thị trường nông sản
- Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn làm ăn phát đạt trong năm COVID-19
- Cao su Bà Rịa – Kampong Thom vượt 10% kế hoạch sản lượng
- Giá cao su 12/5: Nhật Bản khởi sắc trở lại, Trung Quốc giữ đà giảm, tăng cường dự trữ cao su
- Chuyển đổi số: Công cụ thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp