TCT Cao su Đồng Nai đảm bảo tái canh đúng tiến độ, chất lượng vườn cây sinh trưởng tốt

CSVN – Với sự chuẩn bị chu đáo về đất trồng, chủ động cây giống và ứng dụng cơ giới hóa trong công tác trồng tái canh, đến hết tháng 7, TCT Cao su Đồng Nai đã hoàn thành kế hoạch tái canh (TC) năm 2021 với diện tích 1.085 ha.

TCT Cao su Đồng Nai triệt để ứng dụng cơ giới hóa trong trồng tái canh
Chủ động trong công tác chuẩn bị đất, giống trồng

Năm 2021, TCT đã chủ động phương án trồng TC từ sớm, các khâu được hoạch định thời gian cụ thể, ước khối lượng công việc và giao ngay từ đầu năm. Với kế hoạch là 1.085 ha, để chuẩn bị chu đáo trong quá trình thực hiện, TCT đã làm việc với các nhà thầu thanh lý vườn cây giao trả mặt bằng 100% diện tích chậm nhất đến 31/5/2021. Có quy định cụ thể đối với các nhà thầu về thời gian bàn giao mặt bằng để TCT tiến hành TC.

Trên thực tế khi nhà thầu cưa cắt đến đâu thì chủ động dọn đất, chuẩn bị đất đến đó theo hình thức cuốn chiếu. TCT chuẩn bị cây giống có chất lượng cao với loại hình bầu tầng lá theo đúng cơ cấu giống đã được VRG phê duyệt, đầu thầu mua sắm và trang cấp vật tư phục vụ TC đúng tiến độ, đầu tư thiết bị cơ giới tốt phục vụ công tác chuẩn bị đất.

Ngoài ra chủ động về nguồn giống với quy mô vườn giống tập trung rộng 34 ha. Trong đó có 27 ha vườn ươm, 7 ha vườn nhân. Vườn giống TCT sản xuất 632.000 cây giống bầu tầng lá gồm: PB 255, RRIV 1, RRIV 103, RRIV 106, RRIV 114, RRIV 209 và giống VM 515. Vườn giống còn sản xuất 118.000 cây giống cao su lấy gỗ phục vụ công tác luân canh.

Chất lượng cây giống đồng đều, đạt tiêu chuẩn cao hơn quy trình sản xuất giống do VRG quy định. Nhờ vậy, tính đến 20/7, TCT đã trồng tái canh xong 958 ha (đạt 88%), đến 31/7 hoàn thành công tác TC đúng mùa vụ quy định của VRG. Các công đoạn chăm sóc tiếp theo được chú trọng cả về lịch nông vụ và chất lượng công việc để đạt được độ đồng đều vườn cây ngay năm đầu.

Các công đoạn được chuẩn bị kỹ càng.
Ứng dụng tối đa cơ giới hóa trên vườn cây

Ông Nguyễn Quốc Cường – Trưởng phòng Kỹ thuật cao su TCT cho biết: “Năm nay việc đẩy mạnh tối đa cơ giới hóa trong các khâu làm đất, bón phân được ứng dụng triệt để, giảm tối đa nhu cầu lao động phổ thông vốn ngày càng thiếu. Chuẩn bị đất bằng cơ giới hóa đến 30/6 hoàn thành 100% diện tích TC gồm các hạng mục: dọn đất, san ủi đê mương, khoan hố, bón lót, phá thành hố kết hợp trộn phân – lấp hố, trồng thảm phủ kudzu.

Việc ứng dụng cơ giới hóa đã thay thế gần như 100% sức lao động phổ thông, tăng độ đồng đều khâu chuẩn bị đất và quan trọng nhất là đáp ứng nhanh tiến độ, không phụ thuộc thời tiết”.

Vận chuyển bầu giống ra lô.

TCT được Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đánh giá là một trong những đơn vị bắt đầu mùa vụ TC sớm, đồng thời có những bước tiến tích cực trong việc chủ động các yếu tố chuẩn bị tốt cho công tác TC.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì TCT cũng gặp không ít khó khăn về thời tiết cực đoan trong giai đoạn trồng từ 1/6 – 20/7, có thời gian nắng hạn kéo dài 12 ngày phải tạm dừng. Thêm vào đó là chi phí vật tư, nhân công tăng trong khi suất đầu tư cố định, nên TCT phải tính toán rất kỹ để tăng hiệu quả đầu tư.

“Thời gian TC được quy định từ 1/6 đến 31/7, tuy nhiên trong thời điểm tháng 7, dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trở lại. Tại TCT, một số huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán phải thực hiện cách ly, NLĐ không ra ngoài làm việc được, do đó một số nông trường cũng bị ảnh hưởng đến công tác SXKD nói chung và TC nói riêng. Trước tình hình này, TCT đã kịp thời giải quyết đời sống, thu nhập phù hợp theo quy định của pháp luật, của VRG và có những chủ động trong bố trí, sắp xếp lao động phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ TC và ổn định SXKD”, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm.

QUỲNH MAI