CSVNO – Với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần so với chủng gốc, biến thể Delta, Delta-plus của virus SARS-CoV-2 đã trở thành biến thể cực độc tàn phá nhiều nước trên thế giới và cũng đang hoành hành tại Việt Nam. Nước ta cũng đã ghi nhận hơn 80.000 ca mắc COVID-19. Việt Nam đang gồng mình chống dịch và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất quán, quyết liệt trong cuộc chiến chống dịch. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang đi đúng hướng và cần phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Biến thể mới nguy hiểm hơn nhiều
GS.TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích, khi virus phát triển và nhân lên từ người này sang người khác, đó được gọi là các bản sao chép. Các bản sao này có sự biến đổi với nhiều cách thức khác nhau, có thể làm tăng mức độ lây lan hoặc tăng mức độ nặng của bệnh, thậm chí có thể làm thay đổi một số tính kháng nguyên, để né tránh tính miễn dịch.
Có nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức Y tế thế giới đưa ra các chủng cần quan tâm và các chủng đáng quan ngại. Chúng ta đặc biệt chú ý tới các chủng đáng quan ngại, gồm biến chủng Alpha có nguồn gốc từ Anh, Beta có nguồn gốc từ Mỹ và Nam Phi, Gamma có nguồn gốc từ Brazil và biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong đó, biến chủng Delta đã và đang làm gia tăng nhanh chóng mức độ lây lan trên thế giới và ở nước ta.
Theo GS.TS Nguyễn Hồng Hà, các chuyên gia có tính tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 để nói về quy mô phát triển của dịch, cụ thể bằng chỉ số R0.
Đối với chủng gốc ban đầu ở Trung Quốc, chỉ số R0 chỉ khoảng 2,3-2,5, tức là một người có thể lây bệnh cho 2,3-2,5 người khác, còn chủng Alpha phát hiện ở Anh (tại Việt Nam phát hiện nhiều ca trong vụ dịch ở Hải Dương) có chỉ số R0 trong khoảng 3,4-4,5. Tuy nhiên, với chủng Delta, Deltaplus lần này, mức độ lây lan nhanh hơn rất nhiều, với chỉ số R0 khoảng 6,7-7,6, thậm chí 9-10.
“Chính mức độ lây lan nhanh hơn rất nhiều các biến chủng trước đó, nên biến chủng lần này đã trở thành chủng phổ biến trên thế giới, lấn át các chủng khác”, GS.TS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho biết, thời gian lây lan của biến chủng này cũng ngắn hơn rất nhiều so với các biến chủng trước đây. Nếu như các chủng trước đây có thời gian lây lan sau 4-5 ngày mắc bệnh, thì với chủng này, chỉ 1-2 ngày sau khi mắc bệnh, virus đã lây lan rất nhanh cho người khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng chia sẻ, biến chủng này vẫn lây theo các giọt bắn, các giọt bắn này rất nhỏ có chứa virus, đặc biệt, trong môi trường phòng kín, giọt bắn này lơ lửng trong không khí, chậm rơi xuống mặt đất, khi người bệnh thở ra thì virus sẽ quẩn quanh và rất dễ lây lan dịch bệnh. Nếu không gian thông khí, ngoài trời thì virus sẽ phát tán đi nhanh.
Theo nhiều nghiên cứu ban đầu, các chuyên gia cho thấy, nếu nồng độ virus nhân lên trong người cũng như trong đường hô hấp càng cao, thì khả năng lây lan bệnh càng cao. Do mức độ lây lan bệnh phụ thuộc vào nồng độ virus trong một đơn vị nước bọt bắn ra, phụ thuộc mức độ khả năng virus xâm nhập vào tế bào và thời gian nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm. Với chủng Delta và Deltaplus, những yếu tố này rất cao, nên tốc độ lây lan bệnh tăng nhanh kinh khủng.
“Chính vì vậy, làn sóng thứ 4 này ở Việt Nam nó khốc liệt hơn rất nhiều. Thực tế đã chứng minh, các đợt dịch trước, chúng ta đã thành công, nhưng với chủng này, tốc độ lây lan kinh khủng. Do đó, chúng ta phải tăng nhanh số lượng người mang kháng thể bằng cách tiêm chủng đủ liều cho người dân”, GS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
Tiếp tục quyết liệt chống dịch và Nghị quyết đột phá
Cũng theo GS.TS Nguyễn Hồng Hà, trong giai đoạn dịch lần này, chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như ở giai đoạn đầu và làm quyết liệt hơn nữa, dù “trận chiến” này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Ở những tỉnh chưa ghi nhận nhiều ca bệnh, các địa phương phải hành động mạnh mẽ hơn nữa so với các đợt dịch trước, như kiểm soát thật chặt chẽ những người từ vùng dịch trở về, nhằm phát hiện sớm nhất các ca bệnh cũng như các ca nghi ngờ, để ngăn chặn sự lây lan.
Đối với vùng đang lây lan dịch bệnh, thì phải đẩy nhanh xét nghiệm, để cách ly kịp thời. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với 19 địa phương khu vực miền Nam. Đây là một quyết định đúng đắn. Chúng ta có thể không chỉ giãn cách 15 ngày, thậm chí dài hơn, nhưng chúng ta phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, để sớm khống chế được dịch, GS.TS Nguyễn Hồng Hà phân tích.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng chia sẻ, các đợt dịch trước, chúng ta chú trọng chiến lược truy vết, cách ly, điều trị, còn bây giờ đã thay đổi chiến lược. Do chủng lây lan nhanh, số lượng bệnh nhân nhiều trong cùng một thời điểm, nên không thể cách ly tập trung được hết F1. Chính vì vậy, chúng ta đã thay đổi chiến lược thông qua việc thí điểm cách ly F1 tại nhà một cách chặt chẽ, hay sàng lọc F0 không còn nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng, có thể về nhà điều trị tiếp khi đáp ứng điều kiện hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này vừa đảm bảo dịch không lây lan cộng đồng, vừa đảm bảo hệ thống y tế không quá tải.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu,với biến chủng này, chúng ta vẫn phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong). Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thậm chí đã có nước “vỡ trận” hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong cũng rất cao.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, vị chuyên gia này cho rằng, phải duy trì chiến lược ngăn chặn – phát hiện (gồm truy vết và xét nghiệm) – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, trong từng cách làm có thể khác nhau, phù hợp với từng địa bàn. Mức độ lây nhiễm có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí khác nhau giữa các huyện trong một tỉnh, các xã trong một huyện, dựa trên đánh giá nguy cơ.
Vấn đề truy vết, chúng ta cũng phải thực hiện nhanh hơn, nếu chậm thì không thể đuổi kịp tốc độ lây lan của biến chủng lần này. Giải pháp truy vết và xét nghiệm cũng cần linh hoạt. Nơi nào có số mắc thấp thì vẫn thực hiện truy vết, nơi nào có số mắc cao như TPHCM thì cần tập trung phát hiện các trường hợp dương tính có triệu chứng, nhất là triệu chứng nặng, để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng.
Tiếp đó là thay đổi thực hiện cách ly. Trường hợp ghi nhận nhiều ca F0 như TPHCM thì cũng cần có phương án cách ly tại nhà theo hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, phải phân tầng điều trị một cách khoa học.
“Tôi cho rằng, cách chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương hiện nay rất đúng hướng, quyết liệt, phù hợp và linh hoạt. Tuy nhiên, trong triển khai, vẫn còn có nơi có cách làm chưa khoa học như chậm trả kết quả xét nghiệm, không đáp ứng kịp thời trong chống dịch, đặc biệt là truy vết. Vấn đề giãn cách, phong tỏa, có nơi thực hiện chưa nghiêm, có nơi lại làm chặt quá, chưa linh hoạt khi thực hiện, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kép”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Cũng trong thời gian vừa rồi, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả là giải quyết 3 “tại chỗ” trong khu công nghiệp, để ổn định sản xuất…
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống COVID-19. Đây là một Nghị quyết mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề kịp thời mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
“Nghị quyết này sẽ giúp các địa phương và tất cả bộ, ngành đều có thể chủ động được việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19”, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất linh hoạt trong việc chỉ đạo, ưu tiên từng nhiệm vụ, để thực hiện mục tiêu kép. Nơi nào có nguy cơ cao thì tập trung chống dịch, vì chúng ta phải đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Còn nơi nào không có nguy cơ hoặc ít nguy cơ thì tập trung phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 – Việt Nam đang đi đúng hướng
Các chuyên gia đều cho rằng, để đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, chúng ta phải đẩy mạnh tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân nhanh hơn. Đây cũng là giải pháp căn cơ, vì hiện nay, chỉ có vaccine mới là biện pháp bền vững phòng chống dịch.
“Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang cố gắng hết sức vì sức khỏe của người dân, nhưng với tốc độ lây lan của biến chủng Delta như hiện nay, chúng ta phải đạt được miễn dịch cộng đồng. Các chỉ đạo của Chính phủ gần đây rất kịp thời, và chúng ta phải tiếp tục quyết liệt hơn, đặc biệt đẩy nhanh hơn chiến lược tiêm vaccine”,PGS.TSTrịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết.
GS.TS Nguyễn Hồng Hà cũng nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quyết liệt, tích cực để đàm phán có vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục cố gắng để vận động đưa vaccine về Việt Nam càng sớm càng tốt. Khi vaccine về thì cần tổ chức tiêm chủng ngay một cách rộng rãi, quyết liệt, tiêm trong thời gian nhanh nhất, để tăng miễn dịch cộng đồng. Nếu cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, chúng ta đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thì rất tốt. Khi đó, dịch sẽ lắng xuống.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động hơn nữa, phải dựa vào tình hình thực tiễn của địa phương, để đưa ra quyết sách phù hợp nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Quỹ vaccine phòng COVID-19 cũng chính là giải pháp quan trọng, huy động được tất cả người dân, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp. Chỉ có Việt Nam chúng ta mới làm được việc này. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19. Khi đã được tiêm đủ liều vaccine, chúng ta cũng không thể tránh được 100% người đã tiêm không mắc bệnh, nhưng nếu mắc, bệnh sẽ không nặng, không tử vong.
“Tôi đánh giá cao các hoạt động và quyết định của Chính phủ, cùng các bộ, ngành trong thời gian vừa rồi, rất quyết liệt. Đó chính là y tế công cộng. Không phải quốc gia nào cũng làm được như vậy. Toàn dân, mọi tổ chức chính quyền, xã hội đều quyết tâm cùng hệ thống chính trị chống dịch”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Các chuyên gia đều cho rằng, dịch có thể tiếp tục diễn biến phức tạp vì biến chủng lần này lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi đúng hướng. Với chính sách quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, chúng ta đều có thể hy vọng, dịch sẽ sớm được khống chế, để người dân được trở lại cuộc sống bình thường.
theo baochinhphu.vn
Related posts:
- Hãy để con tự quyết định
- Nghỉ việc lo cho gia đình
- Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vaccine C...
- Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine COVID-19
- Phải dứt khoát gác lại mối tình xưa
- Lợi ích thực sự của tiêm vaccine phòng COVID-19 là gì?
- Quỹ vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận 7.807 tỷ đồng
- Chữa lành xung đột vợ chồng
- Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ phòng dịch nơi làm việc
- Sốc khi biết con thường xem "phim đen" trên mạng