CSVNO – Nguồn cao su nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm gần đây đã góp phần tăng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu và phục vụ sự phát triển của ngành chế biến sản phẩm cao su.
Cao su thiên nhiên (CSTN: sản phẩm từ cây cao su) và cao su tổng hợp (CSTH: sản phẩm từ dầu thô) là 2 nguồn nguyên liệu chính của ngành chế biến sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay, phụ kiện kỹ thuật, đế giày, băng tải, nệm gối, chỉ thun… Trên thế giới, mức tiêu thụ cao su tăng dần trong giai đoạn 2015 – 2018, nhưng giảm trong năm 2019 và 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt làm suy yếu ngành chế tạo lốp xe khi giao thông, vận tải bị hạn chế.
Tuy mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới giảm, nhưng Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu trong giai đoạn 2015 – 2020 với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) khoảng 9,0%, trong đó, từ sản lượng của cây cao su trong nước tăng 3,9%/năm, đóng góp hơn 70%, và từ nguồn nhập khẩu tăng 39,2%/năm, đóng góp gần 30%. Lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu năm 2020 đạt khoảng 632 ngàn tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019. Dự kiến xu hướng nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi toàn bộ diện tích cao su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia và Lào được đưa vào thu hoạch.
Bên cạnh nhập khẩu cao su thiên nhiên, Việt Nam còn nhập khẩu cao su tổng hợp do ngành hóa dầu trong nước chưa tập trung sản xuất cao su tổng hợp. Lượng cao su tổng hợp nhập khẩu tăng khoảng 12,7% hàng năm (CAGR) từ 2015 – 2020, riêng năm 2020 đạt khoảng 403.700 tấn, tăng 8,8% so với năm 2019, cho thấy ngành chế biến sản phẩm cao su tại Việt Nam đang phát triển nhanh nên tăng nhu cầu về cao su tổng hợp.
Từ năm 2015 – 2019, lượng cao su tổng hợp nhập khẩu vào Việt Nam luôn cao hơn lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu, nhưng đến năm 2020, xu hướng này ngược lại và có thể tiếp tục tương tự trong các năm sau khi Việt Nam tăng tạm nhập tái xuất cao su thiên nhiên từ các dự án cao su được đầu tư ở Campuchia và Lào, góp phần tăng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam và thể hiện kết quả của các dự án này..
Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên tăng dần từ 2015 – 2020, trong đó, nguồn cao su nhập khẩu từ Campuchia và Lào đã tăng nhanh trong năm 2019 và 2020. Còn cao su tổng hợp nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, kế tiếp từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc – là những nước có ngành hóa dầu phát triển mạnh. Đáng lưu ý là trong 10 thị trường dẫn đầu cung cấp cao su tổng hợp cho Việt Nam, có những nước cũng là nguồn nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Việt Nam như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước này vừa trồng cao su xuất khẩu cao su thiên nhiên, vừa phát triển nhà máy hóa dầu sản xuất cao su tổng hợp từ dầu thô.
Lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam tăng đáng kể qua kết quả nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 618,7 ngàn tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt từ nguồn Campuchia, nơi phần lớn diện tích cao su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại đây được đưa vào thu hoạch. Nguồn nhập khẩu đã góp phần nâng cao lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021.
Xu hướng nhập khẩu cao su của Việt Nam có triển vọng tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong đó, cao su thiên nhiên nhập khẩu góp phần tăng lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp nhập khẩu phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp chế biến sản phẩm cao su để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su của Việt Nam.
HOA TRẦN (tổng hợp)
Related posts:
- Thực hiện nhiều giải pháp để ổn định lao động
- "Sao vàng Cao su" tài năng
- "Đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới"
- Các công ty cao su kêu gọi hành động xanh
- Quảng bá sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG trên thị trường quốc tế
- Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 được chứng nhận cấp Quốc gia: Khẳng định vai trò chủ lực của ...
- Rubico phấn đấu tổng doanh thu đạt 596 tỷ đồng năm 2016
- Nét đẹp ngành cao su qua ảnh của Võ Minh Mẫn
- Chuyện về một Tổ trưởng Tổ cơ giới: "Nghe đất thở, nghe cây lên tiếng"
- Cao su Ea H’Leo dẫn đầu tỷ lệ khai thác 8 tháng đầu năm khu vực Tây Nguyên