CSVN – Năm 2020, đại dịch Covid -19 ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, Công ty CP gỗ Dầu Tiếng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, công ty đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là những khách hàng mới có đơn hàng dài hạn. Nhờ vậy hoạt động sản xuất của công ty không bị ngưng trệ, công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.
Kín đơn hàng đến hết tháng 6/2021
Công ty CP gỗ Dầu Tiếng có nhà máy chế biến gỗ Long Hòa với 3 xưởng sản xuất: xưởng sơ chế với công suất 15.000 – 20.000m3/năm, xưởng ván ghép công suất 3.000 – 4.000m3/năm và xưởng tinh chế công suất 1.000 – 1.500m3/năm.
Năm 2020 công ty sản xuất được hơn 27.000m3 gỗ phôi cao su (75% kế hoạch năm), ván ghép tấm là hơn 2.800m3 (96% KH), gỗ tinh chế gần 1.800m3 (138% KH). Sản lượng tiêu thụ gỗ phôi cao su là 23.000m3 (76% KH), ván ghép tấm là 3.033m3 (121% KH), sản phẩm gỗ tinh chế là 1.920m3 (148% KH). Mặc dù doanh thu chỉ đạt 90% nhưng lợi nhuận của công ty vẫn vượt 22% kế hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Được – Giám đốc công ty cho biết: “Sản phẩm phôi cao su sơ chế và ván ghép tấm cao su của công ty chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa (Khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh). Còn sản phẩm tinh chế tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Mỹ, chiếm khoảng 50%, còn lại thị trường Úc, Anh, New Zealand. Hiện tại, nhà máy của công ty luôn chạy hết công suất, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, công ty đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2021”.
Đẩy mạnh sản xuất gỗ tinh chế
Theo ông Nguyễn Thanh Được, năm 2020, sản lượng sản xuất gỗ phôi cao su và ván ghép tấm của công ty đều giảm. Đặc biệt, khối lượng gỗ phôi cao su tiêu thụ giảm đến 16% so với năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm gỗ tinh chế lại tăng 26%. Quý I năm 2021, sản lượng tiêu thụ gỗ phôi cao su chỉ đạt 7% kế hoạch năm, với ván ghép tấm là 27% và gỗ tinh chế là 43% kế hoạch năm.
Trước việc các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam (EU, Mỹ) đang thực hiện chặt chẽ đạo luật truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm đồ gỗ, thì gỗ cao su là một lựa chọn tốt nhất để sản xuất hàng xuất khẩu vì có nguồn gốc pháp lý rõ ràng.
Chưa kể, lợi nhuận từ xuất khẩu gỗ tinh chế là không nhỏ. Vì vậy, thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế, sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, Úc, Anh….
Hiện tại, nguồn gỗ cao su của công ty chủ yếu từ nguồn cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Hiện Cao su Dầu Tiếng đang quản lý hơn 24.000 ha cao su nhưng đến năm 2030, diện tích này sẽ được thu hẹp còn khoảng 15.000 ha hoặc ít hơn để dành đất cho phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, giảm sản lượng gỗ phôi và tăng sản lượng gỗ tinh chế là điều cần thiết để đảm bảo nguồn nguyên liệu, lợi nhuận.
Cũng theo ông Được, hiện nay, xưởng sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế, nội thất của công ty đã tận dụng hết 100% công suất. Trong thời gian tới, để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và ổn định việc làm cho người lao động, công ty sẽ đầu tư mở rộng Nhà máy chế biến gỗ tinh chế trên diện tích 10 ha tại Nông trường Đoàn Văn Tiến. Bên cạnh đó, công ty sẽ chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm tinh chế, nội thất, tích cực đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để công ty ngày càng phát triển.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- VRG đẩy mạnh sản xuất mủ Mixture
- Vượt Covid, ngành gỗ thắng lợi
- Phát triển bền vững ngành gỗ sau đại dịch Covid-19
- VRG có nhiều lợi thế sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp
- Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái
- Nệm Đồng Phú ưu đãi nhân dịp Đại hội Công đoàn Cao su Việt Nam
- Nỗ lực phục hồi sau đại dịch
- 450 doanh nghiệp tham gia hội chợ ngành Gỗ VIFA – EXPO 2018
- Khu Công nghiệp Nam Pleiku phấn đấu khởi công hết hạng mục trong năm nay
- Sôi nổi Ngày hội việc làm Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su