CSVNO – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vắc-xin, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tiếp cận bình đẳng những nguồn vắc-xin. Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc-xin.
Tại nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất những giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.
Trước đó, một số hiệp hội, bộ, ngành đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: xem xét giảm thuế GTGT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm tiền thuê đất và giãn nộp thuế… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị, đề xuất nói trên, tiến hành tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi xem xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các bộ, cơ quan: Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài chính, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
theo nld.com.vn
Related posts:
- Ông Lưu Bình Nhưỡng: 'Nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, bác sĩ'
- Khi gặp rắc rối, hãy tìm hiểu và giải quyết!
- Yêu chồng, thương cả con riêng của chồng
- Ra mắt Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM
- Trần Tử Bình: Người đặt nền móng trong phong trào đấu tranh của công nhân Cao su Việt Nam
- Hãy bắt đầu bằng sự đồng cảm, đừng chỉ trích!
- Thấp dễ kê cao, hơn là cao mà ta phải ngước nhìn!
- Hội viên phụ nữ thoát nghèo nhờ trồng cao su tiểu điền
- Chiến lược vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
- Các nguồn lây đều được kiểm soát, dồn tổng lực để dập dịch