CSVN – Điều tôi tâm đắc nhất ở nghề báo đó là được chứng kiến, trải nghiệm và chiêm nghiệm. Đằng sau hành trình tác nghiệp, sau mỗi tác phẩm luôn ăm ắp những kỷ niệm nghề của mỗi phóng viên. Mỗi kỷ niệm chính là một sự trải nghiệm, giúp cho những người làm báo thấy yêu hơn, gắn bó hơn với nghề.
Những chuyến đi
Ngành cao su là một xã hội thu nhỏ, chính vì vậy, không như những tờ báo khác, phóng viên viết một mảng nhất định, chúng tôi viết về tất cả các mảng chính trị, đoàn thể, kỹ thuật, công nghiệp, kinh tế, xã hội, văn hóa… của ngành cao su. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là chuyến tác nghiệp ở Trường Sa của Tập đoàn vào tháng 5/2011, khi VRG ủng hộ xây dựng Nhà văn hóa ở xã đảo Sinh Tồn. Trong hải trình 13 ngày trời lênh đênh trên biển, đặt chân lên các hòn đảo, được “tai nghe mắt thấy” đã cho tôi những trải nghiệm thú vị về đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Đến nay, dù đã 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc khi vẫy tay chào tạm biệt các chiến sĩ trên các đảo, khoảnh khắc xúc động rơi nước mắt trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, khoảnh khắc ngồi trên nhà giàn nghe các anh chiến sĩ kể về những khó khăn khi mưa bão, khoảnh khắc đàn cá heo nô đùa trước mũi tàu khi chúng tôi rời Trường Sa trở về đất liền…
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, để sẻ chia và biết sống yêu thương hơn… Đó là điều lắng đọng nhất trong tôi, sau những chuyến “đi và viết” của mình. Vì lý do công việc, nhiều khi chúng tôi trở về nhà lúc đêm đã khuya, đã mệt mỏi rã rời, ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào bài viết, mải mê với tài liệu, với trăn trở suy tư… bởi công việc ngày mai vẫn còn bề bộn. Áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt.
Nghề báo đã cho tôi những bài học quý giá
Gắn bó với nghề 12 năm, những kỷ niệm buồn vui trong nghề khó mà kể hết. Những chuyến đi, những lần tác nghiệp càng giúp tôi trưởng thành hơn. Bản thân luôn tự dặn mình cố gắng tích cực bám nắm cơ sở, tìm hiểu thực tiễn cuộc sống… Chuyến công tác đầu tiên của tôi sang Campuchia vào tháng 2/2013, 10 ngày rong ruổi khắp các dự án cao su ở xứ sở chùa Tháp.
Thời gian đó, các công ty đang trong giai đoạn khai hoang, trồng mới với bao khó khăn vất vả bộn bề, với những gương mặt sạm đen vì nắng gió… Chính nơi những vùng dự án ấy, 5 năm sau, trong chuyến công tác của ĐTN VRG trong chương trình tình nguyện quốc tế, tôi trở lại với những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn căng tràn nhựa sống, những cung đường nhựa trải dài tít tắp, những mái trường đầy ắp tiếng cười của con em công nhân cao su, những làng công nhân đông vui rộn rã…
Những gương mặt đen sạm thân quen ngày nào chào đón tôi với nụ cười rạng rỡ, những câu chuyện từ lúc chồi non cây cao su bé xíu đến những giọt mủ đầu tiên. Thành quả ấy là cả quá trình phấn đấu, nỗ lực đồng lòng vượt khó! Tôi thật sự cảm phục và cảm thấy mình hạnh phúc khi được chứng kiến, đúc rút nhiều bài học bổ ích cho bản thân.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ nữa sẽ tiếp tục đi theo tôi trong suốt hành trình làm báo. Giống như những lời trong bài thơ Khát vọng của nhà báo nữ Ngọc Yến mà tôi rất thích:
Dẫu mưa nắng, dẫu nhọc nhằn, gian khó
Vẫn bền lòng, vững chí để vượt qua
Nghe tiếng gọi thân thương “Người làm báo”
Chỉ muốn sẻ chia đến tận muôn nhà.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Sức lan tỏa và hiệu ứng Cuộc thi “Cao su Đất và Người”
- Nét đẹp Nhà văn hoá CN Cao su Quảng Trị
- Chiếc thùng và con dao cạo
- 17 đơn vị tham gia Hội thi Tiếng hát CN Cao su khu vực IV
- Ảnh dự thi "ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Chị Phạm Thị Thái làm Trưởng Ban liên lạc hưu trí Cao su Chư Păh
- Nhà truyền thống công nhân Cao su Dầu Tiếng: gìn giữ những hiện vật quý trong quá trình xây dựng và ...
- Thời gian đếm ngược
- Tiếng loa "cô vy"
- Triển khai sớm, đồng bộ và chặt chẽ chuỗi sự kiện 85 năm