CSVN – Ký ức viết lách lại ùa về trong tôi, những kỷ niệm vụn vặt, cảm xúc… cả sự vỡ òa hạnh phúc như quanh quẩn còn đâu đó chưa nguôi.
Tôi yêu lắm, cái công việc thợ cạo ngày đó, nơi những ý tưởng được ấp ủ, hun đúc pha trộn từng giọt mồ hôi trên vườn cây và đến tờ bản thảo viết tay trên giấy A4 mỗi đêm mà rưng rưng nỗi lòng.
Tập bản thảo tôi vẫn còn lưu giữ một ít, những tờ giấy A4 không còn phẳng phiu, nét mực xanh có phần mờ đi. Vậy mà thỉnh thoảng tôi lại lần giở ra xem, tôi vừa đọc, vừa cười tủm tỉm, lòng tự nhủ: “Sao mà mình kỳ công nắn nót bút tích đến thế”. Những bài được chọn in báo rồi, giờ đọc lại cảm giác vẫn còn sung sướng, và cả sự ngô nghê ý tưởng của những bản thảo chưa được sử dụng. Để rồi, lòng hân hoan những nỗi niềm vui tươi của ngày đầu tập tành viết một cách hồn nhiên vô tư lự.
Để lưu giữ bài, lúc nào rảnh thì tôi viết thành 2 bản, còn không thì photocopy lại, một bản gửi đi, một bản lưu để đọc, để sửa nếu bài đợi lâu không thấy đăng báo. Chính những lần tự sửa bài tôi mới tích lũy thêm kinh nghiệm, văn phong cũng chỉn chu hơn, trau chuốt hơn, như được trau dồi thêm về kỹ năng và sáng tạo trong cách hành văn vậy. Đến bây giờ, có những bài báo được đăng, đôi khi lại được tôi viết ra từ bản thảo cũ, ý tưởng cũ, chưa được báo sử dụng, hoặc chưa được ai đó nghĩ ra viết đăng báo lần nào.
Nhiêu khê nhất vẫn là khâu đi gửi thư về tòa soạn. Bưu điện cách nhà 5km thôi, nhưng giờ giấc làm việc vô chừng, giờ hành chính mà nhiều khi cửa đóng then cài im ỉm, cuốc xe đạp đến tận nơi, thấy bưu điện đóng cửa lại quay về. Sau này, bưu điện cải tiến bỏ cái hòm thư ở ngoài cổng rào thì việc gửi thư coi như thuận lợi hơn nhiều.
Từ công việc cạo mủ, tôi dành dụm mua được xe máy. Bởi thế, để không vướng bận công việc, tôi chọn đi gửi thư vào buổi tối.
Có một kỷ niệm khó quên là lần gặp sự cố trên đường đi gởi bài cho tòa soạn lúc 19g. Xe đang chạy bon bon trên Quốc lộ 56, bỗng trước mặt có một xe máy do một thanh niên điều khiển, lạng lách, có lẽ đã say rượu. Tôi tăng ga qua mặt để không gặp nguy hiểm, nhưng khi vượt một đoạn chừng 20m thì nghe phía sau bắt đầu có tiếng rú ga vọt lên. Vậy là người thanh niên đụng vào sau xe máy tôi, rồi té… Tôi dừng xe, đỡ người thanh niên đó lên, nghe nồng nặc mùi rượu. Lúc này, một đoàn xe máy hơn chục chiếc cũng vừa chạy tới, chắc là cùng trong nhóm. Người thanh niên mà tôi đỡ dậy, bắt đầu lớn tiếng bảo tôi ép xe nên hắn mới té. Bỗng có một người nhận ra tôi, và biết tôi cộng tác cho báo này báo nọ, hô lên: “Anh nhà báo Củ Cải hả?”. Tôi nhận ra, nó tên Đ. Nó bảo: “Bạn em say rồi, anh đi đâu tối vậy? Bạn em để tụi em lo…”. Tôi đi mà còn nghe nó nói với mọi người: “Anh nhà báo châm biếm – Củ Cải đó bây!”. Thật là vui vì có người nhận ra mình, có đọc bài mình trên báo, đã cứu nguy kịp thời.
Có trải qua viết báo cùng với thời công nghệ zê rô, mới thấy mình thật kiên trì và chịu khó. Một thời nghèo khó, công việc vất vả, làm thợ cạo mủ gia đình đủ ăn là mừng lắm rồi. Vậy mà tôi vẫn đeo đuổi được đam mê với nghề viết lách. Trở thành cộng tác viên với báo, có thể nói, là một chất xúc tác để tôi sống cho lý tưởng của riêng mình.
Năm nay kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, năm thứ 2 chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Những người cầm bút chuyên nghiệp, hay nghiệp dư đều đang phải đối mặt với cuộc chiến mới, vừa chống dịch, vừa góp nhặt giá trị tinh hoa nhằm giúp ích cuộc sống và cho đời.
Tháng 6 về với những bâng khuâng.