CSVNO – Nhiều nông dân, trang trại chăn nuôi không dám tái đàn vì từ thức ăn chăn nuôi, phân bón và nhiều nguyên liệu đầu vào đều liên tục tăng.
Không chỉ nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng, giá thép và nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng mà ngành chăn nuôi gắn liền với người nông dân cũng đối mặt với làn sóng tăng giá. Thức ăn chăn nuôi, bao bì, túi nylon, phân bón, nguyên liệu sản xuất đều tăng, gây áp lực không nhỏ cho nông dân, trang trại, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.
Gồng mình chịu đựng tăng giá
Các DN ngành nông nghiệp đang phải tận dụng mọi giải pháp để bù đắp cho phần chi phí tăng thêm, giảm bớt áp lực tăng giá, duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trước các đối thủ.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết giá nguyên liệu tăng đột biến cộng với giá lúa gạo không theo thông lệ hằng năm khi vụ đông xuân chưa giảm bao nhiêu đã quay đầu tăng.
Gần đây, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày và đồng loạt từ các loại khoáng, vi lượng đến nguyên liệu chính. Trong khi đó giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi chỉ tăng 20% nên chưa bù lại được với đà tăng của giá nguyên liệu đầu vào.
“Từ đầu năm, công ty đã bốn lần tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tôi sợ giá tăng đến ngưỡng quá sức chịu đựng của nhà chăn nuôi và DN càng thua lỗ. Khi nguyên liệu tăng phi mã, chưa kể chi phí lưu kho, lưu công, lưu bãi, lãi vay… sẽ nằm trong giá thành sản phẩm, người dân không mua sản phẩm nữa là đầu ra bị đứt gãy” – ông Thiện lo ngại.
Theo ông Thiện, gần như DN nào cũng hoạt động bằng vốn vay, có thời hạn thanh toán. Dịch COVID-19 ập đến làm mọi thứ đình trệ, sức mua thị trường giảm 30%-40%, DN lỗ triền miên, thị trường xuất khẩu còn bị ảnh hưởng hơn.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho hay hiện nguồn gỗ nguyên liệu cho sản xuất tăng mạnh. Theo đó, nguồn gỗ nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước đang tăng 25%-30% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Năm 2020, nguồn gỗ xẻ cao su trong nước chỉ khoảng 5 triệu đồng/m3 thì nay đã lên 6,8-7,2 triệu đồng/m3; gỗ keo trước đây là 3,6-4 triệu đồng/m3 thì nay cũng tăng lên hơn 5 triệu đồng/m3… Quảng Cáo
Lý giải về đợt tăng giá này, ông Lập cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự thay đổi chính sách của nhiều quốc gia nên việc khai thác, bốc xếp, vận chuyển bị chậm lại, đẩy chi phí lưu kho, lưu bãi tăng. Ngoài ra tình trạng thiếu vỏ container khiến cước vận tải tăng lên… Những yếu tố này đã đẩy giá gỗ nguyên liệu thế giới tăng với mức cao nhưng nguồn cung không phải lúc nào cũng đủ.
“Khi nguồn gỗ nhập khẩu bị đứt gãy, đắt đỏ, các DN sẽ chuyển sang gỗ rừng trồng trong nước. Thế nhưng, không riêng gì các DN trong nước mà nhu cầu của thế giới với lượng gỗ rừng trồng của Việt Nam cũng rất lớn. Đơn cử như Trung Quốc, họ đang thu mua lượng lớn gỗ rừng trồng của chúng ta khiến loại gỗ này giá cũng tăng lên” – ông Lập nói.
Ngành chăn nuôi lao đao
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đã nhận được phản ánh của các DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong nước về tình trạng giá vật tư trong ngành đang tăng mạnh, như giá cước tàu, giá bao bì, nylon…
Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón cũng liên tục tăng khiến người nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên.
Bà Đinh Thị Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Gà giống Châu Thành (Nam Định), cho biết từ đầu năm đến nay, giá mỗi bao cám thức ăn cho gà đã tăng 60.000-70.000 đồng. Giá cám tăng cao khiến người chăn nuôi không dám tái đàn vì sợ thua lỗ. DN này sau đó đã phải hạ giá con giống xuống dưới giá thành nhưng vẫn không có người mua.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng bình quân 20%-30%, cá biệt có những loại nguyên liệu như bắp tăng tới 40%, đậu tương tăng 41%.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm khu vực Đông Nam bộ, giá nguyên liệu chiếm tới 80%-85% giá thành sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Vì thế, giá nguyên liệu tăng nên giá thức ăn chăn nuôi bán lẻ tới tay người chăn nuôi tăng mạnh. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20%-25%.
Ông Ngọc cho biết dịch COVID-19 đã tác động đến giá nông sản nhập khẩu, việc vận chuyển khó khăn, thiếu container đẩy giá các mặt hàng tăng lên. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi lại phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành thức ăn chăn nuôi nằm trong tay DN ngoại.
Ông Ngọc lo ngại: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi gà công nghiệp rớt giá dưới giá thành, người chăn nuôi thua lỗ. Với tình hình này thì nhiều trang trại nuôi gà sẽ đóng cửa vì chi phí đầu vào cao, giá bán đầu ra lại quá thấp”.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai), cũng cho biết giá phân bón đang tăng. “Mức tăng tùy theo vùng, mặt hàng phân bón và giải pháp canh tác. Tuy nhiên, nhìn chung là bà con đang gặp khó khăn. HTX Nam Yang đang có khoảng 200 ha tiêu và cà phê trồng theo quy trình hữu cơ, ít sử dụng phân bón, ít phải làm cỏ… nhưng tính chung cả quy trình, gồm tiền công thuê lao động làm vườn cũng đang tăng, xăng dầu tăng… thì chi phí sản xuất đã bị tăng lên khoảng 10%” – ông Công cho biết.
Vướng quy định ứng trước thuế xuất nhập khẩu
Trong lĩnh vực da giày, túi, ví, ông Trương Huy Hiệp, Công ty TNHH Cộng Đồng 18-4, cho biết giá các nguyên liệu sản xuất đầu vào của lĩnh vực da giày, túi xách… cũng bị tăng khoảng 10%. Giá nguyên liệu tăng cao đẩy giá thành sản xuất tăng lên, trong khi đầu ra giảm sút vì dịch COVID-19 khiến DN này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam, việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đang gặp khó khăn vì thiếu container rỗng, không có chuyến tàu vì dịch COVID-19. Lúc này các DN quay lại tìm nguyên liệu ở trong nước thì quy định mới của Chính phủ yêu cầu phải ứng trước thuế xuất nhập khẩu và chỉ được hoàn sau khi xuất khẩu.
“Quy định mới này là một trong các nguyên nhân làm cho chi phí giá nguyên vật liệu tăng lên. Khó khăn đang chồng chất khó khăn, chúng tôi đang làm công văn kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ” – bà Xuân cho biết.
Có đơn hàng nhưng không dám ký
Ngoài áp lực giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao thì các DN còn đang đối mặt với nỗi lo khác như thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Nhiều đơn hàng giá trị lớn nhưng DN dệt may đang lo lắng, nhất là không đủ công nhân để sản xuất đúng theo hợp đồng. Do dịch bệnh, công nhân về quê nhiều rồi xin nghỉ luôn chứ không lên công ty tiếp tục làm việc. Ngoài ra hoạt động tuyển dụng của công ty cũng khó khăn hơn. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, các DN đang tìm mọi giải pháp đưa công nghệ, máy móc vào dây chuyền sản xuất để tăng năng suất.
Các đơn đặt hàng nhựa gia dụng, sản phẩm cao su kỹ thuật vẫn tăng trong những tháng đầu năm nhưng giá nguyên liệu cũng tăng cao khiến DN ngành cao su – nhựa thấp thỏm. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, cho biết từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu của ngành cao su tăng 30%-50% tùy chủng loại gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Dù có những nhà sản xuất đã trữ được nguyên liệu từ năm ngoái nhưng đến năm nay thì chắc cũng đã cạn hàng. “Vì thế buộc DN sản xuất các sản phẩm cao su phải tăng giá bán trong thời gian ngắn nhất chứ không thể chịu nổi sức ép giá nguyên liệu tăng cao như vậy” – ông Anh nói.
theo plo.vn
Related posts:
- Các khu công nghiệp VRG: Góp phần quan trọng tăng doanh thu. lợi nhuận
- Gỗ Thuận An tham gia hội chợ VIFA-EXPO 2019
- Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su hỗn hợp năm 2021
- Vốn hóa GVR vượt 100.000 tỷ đồng, lọt top 10 sàn HoSE
- Các khu công nghiệp VRG: Không ngừng mở rộng quy mô
- Giá cao su châu Á tăng đồng loạt
- "Nâng cao khả năng thích nghi với các biến động của thị trường"
- Chậm hoàn thuế giá trị giá tăng cao su thiên nhiên xuất khẩu và những vấn đề liên quan
- Thị trường cao su Thái Lan phụ thuộc nhiều vào yếu tố toàn cầu
- Gỗ Thuận An quảng bá thương hiệu tại Hội chợ VIFA – EXPO năm 2017