CSVN – Diễn ra vào khoảng tháng 3 – 4 âm lịch hàng năm, Lễ cúng cầu mưa là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của người Tây Nguyên, nhằm tôn vinh những vị thần cai quản nông nghiệp; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Giữa không gian ngôi nhà sàn truyền thống, những nghi thức trong Lễ cúng cầu mưa của đồng bào dân tộc Jrai đã được phục dựng một cách nguyên bản, đúng theo nghi lễ truyền thống của người Tây Nguyên. Thông qua nghi thức cúng cầu mưa, đồng bào dân tộc Jrai tại các buôn làng Tây Nguyên đã mang đến các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc.
Từ đây, nhiều giá trị truyền thống được bảo tồn và hướng đến mục tiêu phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Jrai, Lễ cúng cầu mưa là nghi lễ rất linh thiêng, nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng một mùa nương rẫy bội thu; cầu mong mưa thuận gió hòa, buôn làng yên vui, con cháu thành đạt. Thông qua các vật lễ, nghi thức cúng Yàng được tái hiện qua Lễ cúng cầu mưa, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai có từ ngàn đời như được khôi phục nguyên vẹn.
Già làng Ksor Chuel ở Buôn Rưng Ama Nin, xã Ia Bol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai, cho biết Lễ cúng cầu mưa là lễ hội truyền thống rất quan trọng của người Jrai. Vừa là tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ sau, vừa là già làng, trưởng bản gặp nhau gửi gắm tình cảm giữa các thôn xóm; gửi gắm tình cảm đến con cháu đồng bào phải biết đoàn kết, biết giữ gìn văn hóa của mình. Cùng nhau phát triển buôn làng được tốt hơn, giàu đẹp hơn.
Khi ánh mặt trời dần đứng bóng, cũng là lúc đồ cúng chuẩn bị xong, rượu ghè đã đủ. Thầy cúng bắt đầu lời khấn, mời các vị thần linh về chung vui với thành quả lao động của dân làng; cầu mong Yàng bảo trợ, ban mưa thuận, gió hòa; mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống đủ đầy, an vui.
Gặp gỡ, giao lưu gắn kết cộng đồng
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, trước xu thế hội nhập, giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ cộng đồng người Jrai cùng với chính quyền các cấp và các ngành liên quan tỉnh Gia Lai đã nỗ lực bảo tồn, phát triển văn hóa, thông qua các hoạt động như: Liên hoan văn hóa thể thao; phục dựng lễ hội truyền thống. Qua đó, mở rộng giao lưu học hỏi làm giàu vốn văn hóa của mình.
Ông Lại Văn Minh – GĐ Trung tâm VH -TT&TT thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết, về mặt tinh thần là các hoạt động văn hóa văn nghệ như những nghi thức lễ cúng; diễn xướng cồng chiêng, múa xoang; thứ hai là trang phục thổ cẩm, ẩm thực; thứ 3 là nét sinh hoạt tiếp tục được chúng ta duy trì và địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc gắn bảo tồn với phát triển.
Không sân khấu hóa, đến với lễ phục dựng nghi thức cúng cầu mưa người Jrai, mọi người sẽ được trải nghiệm một cách sống động những nét văn hóa đầy hơi thở núi rừng; thưởng thức hương say nồng của ché rượu cần được làm từ hạt lúa, hạt ngô do chính tay bà con vun trồng, bên cạnh đó là dịp để bà con ở các buôn làng được gặp gỡ, giao lưu gắn kết cộng đồng và tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống, độc đáo của người Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sẽ góp phần quảng bá, thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Tạp chí Cao su mở cuộc vận động sưu tầm ảnh tư liệu truyền thống của ngành
- Triển khai sớm, đồng bộ và chặt chẽ chuỗi sự kiện 85 năm
- Long thần tướng - Lôi cuốn một câu chuyện dã sử
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Nguồn vốn người Pháp trồng cao su
- Bình minh trên biển Mỹ Khê
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Đừng trì hoãn vaccine phòng dịch
- LỜI CẢM TẠ
- Tác nghiệp báo chí online thời Covid-19
- Ai sẽ là giọng ca vàng của núi rừng Tây Nguyên?