CSVN – Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đang được VRG chú trọng và tích cực triển khai. Từ năm 2016, Tập đoàn đã khuyến khích và tạo hành lang cho một số công ty triển khai thí điểm. Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng với dự án trồng 117 ha chuối cấy mô tại Nông trường Thanh An, đến nay đã cho kết quả tích cực.
Nâng cao giá trị sử dụng đất, lợi nhuận
Dự án Chuối Thanh An là mô hình liên doanh liên kết giữa Cao su Dầu Tiếng và Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) với thương hiệu Chuối Dole – một thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới của Mỹ hiện nay với quy mô dự kiến lên tới 1.331 ha. Dự án được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất chuối như: hệ thống cáp chống đổ, cáp tải thu hoạch chuối, băng tải vận chuyển, kho đông lạnh… Nhờ vậy, chuối được nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch tới khâu xuất khẩu.
Chuối sau khi thu hoạch được cáp tải chuyển về nơi tập kết, sau đó cắt các nhánh cho vào bồn rửa, đến phân loại kiểm tra, cân trọng lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng rồi chuyển qua khâu hong khô, đóng gói và đẩy lên băng chuyền chuyển vào nhà kho.
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó ban Quản lý dự án chuối Thanh An, cho biết sau 3 năm triển khai, dự án đã thành công bước đầu, chuối thành phẩm thu hoạch sau khi được sơ chế, phân loại và đóng gói, hàng đủ tiêu chuẩn được đem xuất khẩu vào các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… những hàng không đạt chuẩn xuất khẩu thì đối tác họ bao tiêu tiêu thụ trong nước. “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục triển khai trồng chuối ở Nông trường Minh Tân (nay là Minh Hòa – PV) với 1.063ha, trong năm 2021 triển khai trước 194ha. Sản phẩm ở Minh Tân chủ yếu tập trung cho xuất khẩu”, ông Cường cho hay
Tiếp tục mở rộng diện tích
Năm 2020, doanh thu từ chuối ước đạt hơn 63 tỷ đồng, lợi nhuận thu được khoảng 6,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Quốc Việt – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết: “Trong bối cảnh giá mủ cao su giảm, lợi nhuận thu được từ cao su thấp, có thời điểm 1 ha cao su chỉ có lợi nhuận 1 – 2 triệu/ năm thì làm nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao lợi nhuận. Mục tiêu lợi nhuận ở dự án chuối Thanh An đã đạt được từ 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, nhưng công ty kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới”.
“Hiện công ty đang quản lý khoảng 24.000 ha cao su nhưng đến năm 2030, diện tích này sẽ được thu hẹp còn khoảng 15.000ha hoặc ít hơn để dành đất cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư và đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc chuyển đổi từ trồng cao su sang nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho công ty mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân địa phương”, ông Việt thông tin thêm.
Hiện tại, công ty đang tiếp tục kêu gọi các đối tác đủ mạnh về công nghệ và lớn về thị trường đến hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ có chuối mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác phù hợp với quỹ đất công ty đang quản lý.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mạnh, nhưng đừng... yểu!
- Tạp chí Cao su Việt Nam cần chú trọng đổi mới phương thức truyền tải nội dung
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG
- Huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu
- Hệ thống thu gom mủ tự động: Hữu ích nhưng cần khắc phục các khuyết điểm
- "Viện Nghiên cứu Cao su tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật gắn với hiệu quả kinh tế"
- VRG đẩy mạnh thực hiện đồng bộ chuyển đổi số
- Sức trẻ tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19
- Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên: Xanh - sạch - thân thiện với môi trường
- Cao su Điện Biên: Tổ chức thành công Hội thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su"