CSVN – Nhắc đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là nói đến một tập đoàn chủ lực của kinh tế nước nhà trong việc trồng, khai thác, chế biến cao su, gắn liền với hình ảnh cây cao su trải khắp chiều dài đất nước, sang nước bạn Lào và Campuchia. Ngày nay, đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới của đất nước, VRG đã và đang có những bước đột phá trong những ngành nghề – lĩnh vực và mang lại hiệu quả đáng kể. Màu áo xanh cao su của VRG đã được điểm xuyết những gam màu sáng khác, với vị thế mới, tầm vóc mới, hình hài của sự tăng trưởng vững bền. Nhằm mang đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực ngành nghề mang lại hiệu quả của VRG trong những năm gần đây, xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Vị thế mới, tầm vóc mới”.
Kỳ 1: KHẲNG ĐỊNH 2 CHỮ “CÔNG NGHIỆP”
Mang trên mình trọng trách của 2 chữ “công nghiệp” (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – PV), trong khi xuất thân là một ngành nông nghiệp thuần túy – trồng cây cao su, lãnh đạo VRG các thế hệ gần đây đã rất băn khoăn về việc làm sao áp dụng và đẩy mạnh “công nghiệp hóa” vào ngành cao su, đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, qua các thời kỳ. Đến ngày nay, với 2 lĩnh vực chính “sản phẩm công nghiệp cao su” và “khu công nghiệp” đang phát huy hiệu quả, có thể nói VRG đã dấn thân và khẳng định mình với những lợi thế tiềm năng.
Bề dày truyền thống – nền tảng vững chắc
Giữa tháng 3, chúng tôi đến viếng tượng đài Phú Riềng đỏ – một di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành cao su. Ngược dòng thời gian 92 năm về trước, vào đêm 28/10, tại con suối sau lưng Làng 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư được thành lập. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam bộ và cũng là Chi bộ đầu tiên của ngành cao su.
Từ đây, Chi bộ đã đào tạo những “hạt giống đỏ” trong phong trào công nhân cao su tại các đồn điền, đặt nền móng cho sự phát triển của đấu tranh giai cấp công nhân cao su chuyển từ tự phát sang tự giác. Từ đó, phong trào đấu tranh tại đồn điền Cao su Phú Riềng tạo tiếng vang khắp cả nước, thúc giục công nhân cao su tại các đồn điền đang chịu cảnh cơ cực, lầm than, áp bức bóc lột vùng dậy đấu tranh.
Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn, đóng góp to lớn của công nhân cao su trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Với bề dày lịch sử, có thể khẳng định, thành quả thế hệ ngành cao su hôm nay có được là công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ đi trước đổ xuống, dày công góp sức. Đứng trước di tích lịch sử của ngành cao su, chúng tôi không giấu được xúc động và tự hào thay cho những con người cao su đã có thế hệ cha anh đi trước đổ máu xương để cho ngành cao su hôm nay ngày càng phát triển vững bền với vị thế mới, tầm vóc mới trên thị trường trong nước và quốc tế.
Có thể khẳng định, bề dày truyền thống của ngành là nền móng vững chắc để VRG vững vàng bước tiếp vào giai đoạn phát triển tiếp theo, giai đoạn phát triển bền vững.
Minh chứng cho điều này là cách di tích Phú Riềng Đỏ không xa, cũng trên mảnh đất mang tên Đồng Phú, những công nhân của Nhà máy Kỹ thuật Cao su Đồng Phú (Dorufoam) đang hối hả đưa dòng mủ sau sơ chế từ vườn cây gần đó vào khuôn hấp, chuẩn bị cho ra đời sản phẩm Nệm Đồng Phú 100% từ cao su thiên nhiên, đến với từng gia đình trong nước, sang cả nước ngoài.
Thật tự hào! Trên mảnh đất này, ông cha đã đổ máu xương, đấu tranh, gầy dựng, phục hồi. Và nhiệm vụ của lớp trẻ PHÁT TRIỂN cũng đã thành hiện thực.
Sản phẩm công nghiệp cao su: Bước chuyển mình
Ngành cao su Việt Nam mà cụ thể là VRG đóng vai trò chủ đạo ngày hôm nay cũng đang có những bước phát triển đột phá, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Rời tượng đài Phú Riềng đỏ, chúng tôi đến tham quan nhà máy sản xuất nệm gối của Công ty CP Kỹ thuật Cao su Đồng Phú để thấy rõ hiệu quả của 2 chữ “công nghiệp”. Ông Đàm Duy Thảo – TGĐ công ty cho biết, nệm, gối từ cao su thiên nhiên của công ty hiện bán tại 2 showroom, 6 chi nhánh, trên 350 đại lý cấp 1 phân bố rộng khắp trên 50 tỉnh thành trong cả nước và còn được bán trên cả tivi, trong chương trình mua sắm trực tuyến.
Vậy là như kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước đây khi đến thăm và làm việc tại VRG, các đồng chí bày tỏ hi vọng VRG sẽ phát huy những tiềm năng, thuận lợi sẵn có để xây dựng ngành ngày càng phát triển, xứng tầm là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của cả nước.
Kỳ vọng đó là VRG không chỉ là một tập đoàn chuyên về một lĩnh vực nông nghiệp trồng cao su, không còn là hình ảnh của một nước có sản lượng đứng trong top đầu trên thế giới nhưng 80% là xuất thô. Mà thay vào đó, VRG sẽ có sản phẩm công nghiệp chế biến từ nguyên liệu cao su thiên nhiên, đúng như tên gọi của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Trước đây, các thế hệ lãnh đạo của VRG rất mong muốn VRG có những sản phẩm công nghiệp chế biến từ nguyên liệu cao su thiên nhiên mang thương hiệu VRG. Tuy nhiên từ ý tưởng đến việc bắt tay vào thực hiện vẫn có không ít trở ngại về việc lựa chọn sản phẩm sản xuất, các yếu tố như công nghệ, dây chuyền thiết bị còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đế tiến độ thực hiện. Dù vậy sản phẩm công nghiệp chế biến sâu mang thương hiệu VRG vẫn “tấp nập” hơn trong một thập kỷ trở lại đây. Thực tế có thể thấy, bước “chuyển mình” của VRG qua công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su thiên nhiên có thể chậm hơn một số doanh nghiệp khác trong nước nhưng nhìn chung kết quả bước đầu trong lĩnh vực này có nhiều dấu hiệu khả quan.
Năm 2020, các công ty công nghiệp cao su đóng góp doanh thu cho toàn Tập đoàn khoảng 2.756 tỷ đồng. Vậy hiện nay, sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu VRG có những gì? VRG có 6 công ty đã phát triển một số sản phẩm công nghiệp cao su, bao gồm: Bóng thể thao thương hiệu Geru Star với sản lượng sản xuất 1,2 triệu quả/năm; Nệm, gối từ cao su thiên nhiên của Công ty CP Kỹ thuật Cao su Đồng Phú (DORUFOAM) với trên 350 đại lý cấp 1 tại trên 50 tỉnh thành.
Băng tải, dây curroie, cao su kỹ thuật của Công ty CP Cao su Bến Thành có sản lượng 113.000m²/năm; Găng tay y tế của Công ty CP VRG Khải Hoàn sản xuất 2,5 tỷ chiếc/năm và hiện đang là thương hiệu đi đầu trong sản phẩm găng tay y tế trên cả nước với quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ lớn nhất; Chỉ sợi cao su VRG SADO sản xuất trung bình 3.000 tấn/ năm; Sản phẩm “đồ chơi cho thú cưng” của Công ty Cổ phần CN & XNK Cao su với sản lượng trung bình 1,5 triệu sản phẩm/năm, chiếm khoảng 10 – 15% sản lượng tiêu thụ của khách hàng trên cả nước.
Năm 2017, VRG tiếp tục liên doanh, liên kết với đối tác bên ngoài để sản xuất lốp xe ô tô mang thương hiệu ★★★ VRG. Sau đó 1 năm, VRG ra mắt trên thị trường lốp xe máy VRG. Đây cũng là quà tặng lãnh đạo VRG gởi đến NLĐ với phương châm “người trong ngành phải được thụ hưởng những sản phẩm có những công sức đóng góp của chính họ”. Và đó cũng là niềm vui của NLĐ, khi những dòng nhựa trắng ngày ngày họ khơi dòng đã làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống, phục vụ cho công việc hàng ngày. Đến nay, VRG đã phân phối 3.279 bộ lốp xe tải 8.25- 16 18PR và 31.300 chiếc lốp xe gắn máy thương hiệu ★★★ VRG đến các đơn vị thành viên.
Anh Đỗ Văn Thủy – Công nhân Tổ 7, Nông trường 6, Cao su Phú Riềng chia sẻ: “Thật đáng tự hào khi được cầm trên tay và được sử dụng sản phẩm mang thương hiệu của VRG. Sản phẩm này có sự đóng góp của tất cả NLĐ trong toàn ngành, do đó chúng tôi sẽ dùng và góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến bạn bè, người thân sử dụng sản phẩm có ý nghĩa này”.
Sản phẩm công nghiệp các năm qua của các công ty tuy phát triển còn hạn chế về quy mô, sản lượng nhưng đã khẳng định về mặt chất lượng được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài nước. Sẽ rất khập khiễng khi so sánh nệm gối của DORUFOAM với các sản phẩm cùng chủng loại có hàng chục năm kinh nghiệm như KIMDAN, LIÊN Á. Và cũng không công bằng khi đặt sản phẩm lốp xe chỉ mới ra mắt vài năm với những thương hiệu đình đám trên thế giới. Nhưng từ những hiệu quả bước đầu có thể thấy rằng các sản phẩm công nghiệp cao su của VRG tuy là “lính mới” trong lĩnh vực này đang dần rút ngắn khoảng cách với các thương hiệu lớn, góp phần vào thị trường lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận khẳng định: “VRG sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này theo hình thức liên doanh liên kết với các đối tác có kinh nghiệm để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu VRG. Tất cả hướng đến mục tiêu 1 triệu tấn cao su thiên nhiên từ Việt Nam xuất khẩu ra thị trường đều là sản phẩm”.
Khu công nghiệp trên đất cao su khẳng định lợi thế tiềm năng
Hàng ngày, chị N.T.H.Y chạy bon bon 5 cây số đường quốc lộ trên chiếc xe tay ga, đến một công ty trong khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, làm công nhân. Trước đây, chị làm công nhân cao su. Có thể thấy, chị là hình ảnh điển hình của việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Chị cho biết: “Gia đình tôi có ba đời gắn bó với cây cao su, thế nên tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ xa rời cội rễ của gia đình. Khi ở đây có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cao su sang phát triển KCN thì các chị em trong tổ đều được bố trí vườn cây cạo khác. Riêng tôi vì nhà ở gần đây nên tôi quyết định chuyển sang làm việc cho một xí nghiệp trong chính KCN mà Cao su Phước Hòa đầu tư”.
“Với tôi, việc này không đồng nghĩa với việc tôi đoạn duyên với cao su mà tôi vẫn còn trong đại gia đình cao su vì KCN này do công ty tôi đầu tư, góp vốn phát triển. Tôi cho rằng để phát triển cần phải hài hòa giữa các lĩnh vực, ngành nghề đúng xu hướng chung của đất nước. Và tôi dù làm việc trong lĩnh vực nào cũng được miễn là được đóng góp phần công sức vào sự phát triển của VRG”, chị Y chia sẻ thêm.
Ngày 19/3/2021, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản khu công nghiệp năm 2021. Nằm trong Top này, VRG có 3 đơn vị thành viên, là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty CP KCN Tân Bình và Nam Tân Uyên. Đây là kết quả khẳng định nỗ lực của các công ty lĩnh vực KCN của trong năm qua và cũng cho thấy dấu ấn của KCN VRG trong khoảng 300 KCN trên cả nước.
Hạ tầng KCN trên đất cao su là lĩnh vực trong những năm gần đây được xem là “ngôi sao đỏ” khi liên tục đóng góp tỷ lệ lợi nhuận rất lớn trong tổng lợi nhuận của VRG. Hòa vào xu thế phát triển tất yếu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa ở các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự phát triển đó kéo theo những dịch chuyển trong cơ cấu ngành nghề, giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. VRG cũng không đứng ngoài dòng chảy này. Và đầu tư vào hạ tầng KCN trên đất cao su cũng là một trong năm ngành nghề chính VRG được Chính phủ phê duyệt. VRG có lợi thế là tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển, do đó trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu của VRG, vấn đề đặt ra đó là bảo đảm và phát triển nguồn vốn Nhà nước, nâng cao giá trị sử dụng đất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Việc chuyển đổi đất cao su sang đầu tư hạ tầng KCN là xu thế tất yếu và phù hợp với quy hoạch của địa phương. Hiện nay, VRG đã và đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN, đang đầu tư và khai thác 16 KCN với tổng diện tích 6.566 ha.
Theo thống kê của Ban Xây dựng cơ bản – KCN VRG, các KCN VRG đầu tư nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… có nhiều điều kiện thuận lợi như kết cấu hạ tầng giao thông, giao thương thuận lợi, khu vực dồi dào nguyên liệu sản xuất. 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực KCN đã cho thuê 2.288,5 ha đạt gần 89,5% diện tích công nghiệp, thu hút hơn 700 doanh nghiệp với vốn đầu tư 9.119 triệu USD và 24.714 tỷ đồng tại các KCN trên đất cao su.
Việc đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương tại nơi các KCN đứng chân, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 260.000 người lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận, góp phần giải quyết vấn đề về an sinh xã hội. Năm 2020, nguồn thu từ các công ty KCN mang lại lợi nhuận sau thuế 844 tỷ đồng, đây là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu cao nhất, đạt tỷ lệ lên đến gần 60%.
Nếu làm phép so sánh có thể thấy được tốc độ phát triển vượt bậc và những đóng góp trong lĩnh vực hiện được xem là thế mạnh của VRG thì có thể thấy đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su đang “thừa thắng xông lên”. Doanh thu lĩnh vực này năm 2016 chỉ đạt 166 tỷ đồng nhưng đến năm 2020 đã mang lại hơn 1.072 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VRG xác định không đầu tư KCN tràn lan mà phải đáp ứng các điều kiện thu hút đầu tư, vị trí và nhất là nằm trong quy hoạch phát triển chung của địa phương. Đồng thời xác định xây dựng thương hiệu VRG trong lĩnh vực KCN thông qua các hình thức cung cấp các dịch vụ tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư, môi trường KCN xanh, sạch và đẹp… sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư.
Hình ảnh của những KCN như Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Tân Bình (Bình Dương), Long Khánh, Dầu Giây (Đồng Nai) hay Minh Hưng, Bắc Đồng Phú (Bình Phước) mọc lên đã góp phần thay màu áo mới vùng nông thôn. Một bên là những cánh rừng cao su xanh ngát bạt ngàn, một bên là những KCN mọc lên trên diện tích chuyển đổi từ đất cao su do các đơn vị thành viên VRG góp vốn đầu tư. Những NLĐ trước đây làm công nhân khai thác trên diện tích cao su nay chuyển đổi sang đầu tư hạ tầng KCN được các đơn vị sắp xếp, bố trí phần cây cạo mới. Bên cạnh đó cũng có nhiều NLĐ xin vào làm tại KCN VRG đầu tư để thuận tiện đi lại.
Đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su là lĩnh vực mang lại lợi nhuận đứng thứ hai trong các ngành nghề năm 2020. Sự đóng góp của lĩnh vực này góp phần hỗ trợ cho các lĩnh vực khác và giúp VRG đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận những năm gần đây. Với dự đoán làn sóng đầu tư của nước ngoài sẽ tập trung đổ về Việt Nam trong những năm tới, đây cũng chính là cơ hội vàng để VRG và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Văn Phước – Phó TGĐ Công ty Cổ phần KCN Long Khánh cho biết: “Với vị trí giao thương thuận lợi và cơ sở hạ tầng tốt, KCN Long Khánh dễ dàng thu hút các nhà đầu tư. Do đó, năm 2020, công ty thực hiện đề án mở rộng KCN Long Khánh giai đoạn II với diện tích 500 ha. Vị trí KCN Long Khánh giai đoạn II tiếp giáp với KCN Long Khánh hiện hữu. Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản chấp thuận chủ trương đưa diện tích 500 ha này vào quy hoạch sử dụng đất của huyện. Hiện nay, công ty đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện”.
Năm 2021, VRG triển khai đầu tư mở rộng KCN Nam Tân Uyên giai đoạn 2, KCN Rạch Bắp. Đồng thời làm việc với các địa phương để đưa quy hoạch các KCN/Cụm công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 -2030 của địa phương và đăng ký làm chủ đầu tư các KCN trên đất cao su chuyển đổi sang đất KCN.
NGUYỄN CƯỜNG – HUỆ LINH
(Xem tiếp kỳ 2: Tận dụng thế mạnh chủ lực)
Related posts:
- Chiếc vỏ xe mang nhiều giá trị
- Để thảo luận tại đại hội đi vào thực chất
- Gửi trọn niềm tin
- Tin tưởng một vụ mùa bội thu
- Vận động hơn 5,6 tỷ đồng cho quỹ xây dựng làng công nhân cao su
- "Cuộc đua" sản lượng chính thức bắt đầu
- Tinh thần đoàn kết hóa giải khó khăn và thách thức
- Nông nghiệp tăng trưởng âm: Nhiều nỗi lo
- Hóa giải bài toán thiếu hụt lao động khai thác cao su
- Đồng lòng, vững tin đẩy lùi dịch bệnh