CSVN – Tốt nghiệp cử nhân ngành Lý luận Chính trị tại Trường Đại học Tây Nguyên, trong khi nhiều bạn bè chọn các thành phố, trung tâm huyện để lập nghiệp thì Rơ Mah Tiến lại về làng và chọn cây cao su, bắt đầu là công nhân cao su để khởi nghiệp. Một quyết định “rất tuổi trẻ” thể hiện ý chí, khát khao được cống hiến, xây dựng làng quê giàu đẹp.
Đi học “con chữ” để nuôi ước mơ
Về làng Nẻ, xã Ia Din huyện Đức Cơ – Gia Lai, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm được nhà của Rơ Mah Tiến, một cử nhân trở về làng và chọn cây cao su làm khởi điểm để phát triển kinh tế, giúp dân làng thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà thoáng rộng và sạch sẽ, Tiến không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày tháng vất vả theo học trường làng cho tới 4 năm đại học mà anh đã trải qua.
Cũng như bao đứa trẻ Jarai sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới này, từ nhỏ Tiến đã được mẹ cho tắm nước giọt, trần truồng trong nắng gió, tóc cháy xoăn, da đen, chỉ có đôi mắt là trong sáng và nhanh nhẹn. Chưa tới 5 tuổi, anh đã theo chân mẹ đi rẫy trồng lúa, trồng bắp, vào rừng hái măng và cứ thế Tiến lớn lên trùng trục như củ khoai, củ mì giữa cái nắng, cái gió.
Và “con chữ” đến với anh cũng rất tình cờ. Một chiều muộn, sau khi cùng đám bạn đi đá bóng về, người ướt đẫm mồ hôi và bùn đất, thấy trong nhà có khách. Chưa kịp tắm rửa thì anh được mẹ gọi, rồi bảo ngồi bên một người xa lạ (sau này mới hay đó là cô giáo). Uống chén nước rồi cô thân mật hỏi: “Em có muốn đến trường, muốn học cái chữ, con số không? Trường làng mình mới làm rất đẹp. Sáng thứ 2 tuần sau, cô đến đón em đi học nhé”. Đã hơn 20 năm trôi qua, hình ảnh cô giáo và buổi đầu đến trường cứ in đậm trong tâm trí Tiến, “con chữ” đã đến với anh từ đó.
Dừng câu chuyện, đôi mắt Tiến đỏ vì xúc động. Rót ly trà nóng Tiến mời chúng tôi rồi anh chậm rãi: Đến nay bà con làng mình còn nghèo lắm, trẻ em đủ tuổi đến trường thì nhiều, nhưng cũng đến lớp 4 – 5 là bỏ học vì khó khăn, nhiều em bỏ học ở nhà đi chơi rồi lấy chồng, lấy vợ…cái khổ cứ đeo bám. Trong làng ngoài mình còn có Rơ Mah Yến, nay là vợ của mình cùng học phổ thông với nhau, cùng nuôi ước mơ vào đại học.
Ước mơ rồi cũng toại nguyện, mình vào Trường Đại học Tây Nguyên, còn Yến vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh). Khỏi phải nói, niềm vui của hai đứa khi nhận được giấy báo trúng tuyển và ngày chính thức lên giảng đường đại học. Nhưng cuộc sống ít khi chiều theo ý muốn con người, hết năm 2 đại học, ba mẹ già yếu lại bệnh tật liên tục, kinh tế gia đình quá khó khăn, Yến đã quyết định bỏ học để về quê làm kinh tế “nuôi chồng ăn học”.
Tự hào vì lần đầu tiên có hai đứa con của làng vào đại học, một đứa tốt nghiệp đại học, ông Rơ Mah Peng – Già làng làng Nẻ tâm đắc: Lâu lắm rồi, không biết từ bao đời, bà con dân làng cứ ước mơ “con chữ đại học” đến với con em mình.
Chuyện thằng Tiến học và tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên như là một chuyện cổ tích vậy, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, để tụi nhỏ đi theo cũng như để các cha mẹ nhìn thấy gương “vượt khó học giỏi” là chuyện làm được, có thật chứ không phải của Giàng (thần linh), do Giàng…như xưa nay quan niệm của dân làng. Cái nghèo đói đã không ngăn nổi bước chân đam mê đi tìm con chữ, tìm ánh sáng tri thức của Tiến.
Chọn cây cao su để khởi nghiệp
Chuyện Rơ Mah Tiến, một cử nhân ra trường về lại làng quê biên giới nơi mình sinh ra và lớn lên để chọn cây cao su làm điểm khởi nghiệp đã là đề tài bàn tán xôn xao của bà con dân làng. Người đồng ý thì cho đó là việc làm tốt, vì đem cái chữ về giúp bà con trong lao động sản xuất, nhất là những hiểu biết về cây cao su để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống rồi vươn lên làm giàu. Người không đồng tình thì bảo mất công bao nhiêu năm ăn học, giờ lại về với cây cao su…. Riêng Tiến thì vẫn vui bởi theo anh “Chọn cây cao su làm điểm nhấn để khởi nghiệp” là một quyết định đúng đắn.
Với ý chí, khao khát lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, tháng 4/2019 sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, Rơ Mah Tiến về quê và bắt đầu khởi nghiệp từ cây cao su bằng việc nộp đơn xin làm công nhân cao su của Công ty 75 (Binh đoàn 15).
Trao đổi với chúng tôi, Tiến cho biết: “Em không nghĩ cứ học xong đại học là phải ở lại thành phố, thị xã để làm việc và kiếm sống. Bằng kiến thức đã học, tích lũy từ thực tế cuộc sống, nếu biết vận dụng cùng niềm đam mê chắc chắn sẽ thành công. Cây cao su dễ trồng, ít chăm bón, sống được trên đồi cao…Đây là điều kiện tốt để bà con tận dụng phát triển kinh tế.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để có thu nhập một tháng từ 5-7 triệu đồng từ cây cao su với bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới là khá cao. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm học được, mình sẽ chỉ và hướng dẫn bà con về cây cao su từ lúc trồng đến chăm bón, khai thác. Khi nếp nghĩ của bà con đã biết thì cái tay sẽ làm đúng, có thu nhập ổn định, cuộc sống ấm no hơn, bà con sẽ gắn bó với vườn cây” .
Cũng như người dân trong làng, khi nghe cạo mủ từ 2-3 giờ sáng thì Tiến rất lo lắng. Vì xưa nay người Jarai đi làm khi mặt trời gần ngang bằng với ngọn cây, chiều về khi mặt trời chưa tắt nắng. Tuy nhiên, được anh em ở Đội 5 động viên nên Tiến nhanh chóng làm quen với công việc.
Để thể hiện sự quyết tâm, anh đã ngày đêm bám vườn cây, ra sức học lý thuyết, học thêm từ công nhân khác, học từ cán bộ kỹ thuật để nắm vững các công đoạn từ trồng, chăm sóc đến khai thác. Sự cố gắng đó đã được đền đáp khi anh đạt được vị trí quán quân tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2020. Danh hiệu Bàn tay vàng đã đưa tên tuổi Rơ Mah Tiến sang một trang khác nhân cao su chỉ sau hơn một năm, là điều kiện thuận lợi để anh thực hiện mong muốn hướng dẫn, chỉ bảo, tuyên truyền cho bà con trong làng về cây cao su, về cách làm cao su.
Đại tá Hoàng Đức Tỏa – Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Công ty 75 cho hay: “Chỉ hơn 1 năm về đầu quân cho đơn vị, từ một cử nhân mới ra trường, thế mà Tiến đã lớn lên quá nhanh. Lần đầu tiên ở đơn vị và cả ở vùng biên giới này có một “công nhân là cử nhân”.
Hình ảnh Rơ Mah Tiến, một thanh niên trẻ, một tân cử nhân ngày đêm học tập, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào khai thác mủ cao su đem lại hiệu quả kinh tế cao đang trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lập thân lập nghiệp, xây dựng đơn vị ở Công ty 75. Rơ Mah Tiến đã làm được điều mà nhiều người khác chưa làm được, đó là biết vượt qua cái yếu của bản thân, có sự kết hợp giữa sức trẻ dám nghĩ dám làm, kiến thức khoa học và khả năng cập nhật thông tin.
Câu chuyện của Rơ Mah Tiến, tốt nghiệp đại học trở về vùng biên giới và chọn cây cao su làm điểm nhấn khởi nghiệp; Chuyện về một nữ sinh viên đại học tự nguyện trở về làng sản xuất nuôi người yêu ăn học…còn đẹp hơn cả giấc mơ, chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
GIA LINH
Related posts:
- Hết lòng vì lao động đồng bào dân tộc thiểu số
- Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác an toàn lao động
- Nông trường Xa Mát đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Tân Biên
- "Một ngày còn làm công nhân vẫn hết lòng với nghề"
- Người truyền lửa cho thế hệ trẻ
- Cao su Đồng Phú: Áp dụng nhiều chế độ chính sách cho công nhân dân tộc thiểu số
- Hiến kế giữ chân người lao động
- Cao su Đồng Nai đẩy mạnh thi đua về trước kế hoạch
- Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Nai
- Đảng bộ Công ty CP Cao su Sơn La: Hiệu quả thiết thực học và làm theo Bác