CSVN – Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công việc và phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, chị Tạ Thị Yến – Nông trường An Viễng (TCT Cao su Đồng Nai) đã về trước kế hoạch được nông trường giao 90 ngày. Hết năm 2020, sản lượng khai thác của chị vượt hơn 123% so với kế hoạch được giao.
Năm 2020, chị được nông trường giao kế hoạch sản lượng khai thác hơn 10,6 tấn mủ. Là một thành viên rất tích cực trong phong trào thi đua hoàn thành vượt mức sản lượng tháng và phong trào thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, chị luôn đứng trong top đầu thực hiện sản lượng của nông trường.
Từ tháng 6 đến tháng 12/2020, chị có 3 lần dẫn đầu sản lượng và 3 lần về nhì sản lượng của nông trường, được TCT khen thưởng hơn 20 triệu đồng vì đã có thành tích vượt bậc trong việc thực hiện sản lượng. Hết năm 2020, chị khai thác được hơn 23,7 tấn mủ, đạt tỷ lệ hơn 223% so với kế hoạch nông trường giao.
Không chỉ năm nay mà hầu như các năm trước chị đều về trước kế hoạch sản lượng được giao. Tính đến nay, chị đã có 21 năm gắn bó với nghề cạo mủ. Chị vào nghề là do “theo chồng về dinh”, ông xã chị cũng làm công nhân tại Nông trường An Viễng. Chị kể: “Hồi mới xin vào làm thấy công việc vất vả quá, cứ tưởng là không trụ nổi nhưng dần dà ông xã động viên nên làm từ từ cũng quen việc, đến khi yêu cái nghề này lúc nào không hay”.
Có lẽ vì vậy mà những năm giá mủ thấp, tiền lương của cả hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng nhưng hai vợ chồng vẫn gắn bó và động viên nhau cùng cố gắng. “Đã quen với việc là công nhân cao su rồi thì không thể nghỉ mà làm việc khác được, sự gắn kết, tình cảm của các anh chị em đồng nghiệp trong đơn vị là sợi dây níu giữ mỗi người ở lại và gắn bó với nghề này. Để tăng thêm thu nhập ngoài lương công nhân cao su thì vợ chồng tôi nhận đi cạo thêm ở bên ngoài cho tư nhân, mỗi tháng cũng có thêm tiền lo cho cuộc sống ổn định”.
Đầu năm 2020, hai vợ chồng anh chị nghỉ hưu, nông trường có chính sách ưu tiên hợp đồng lại với những công nhân đã từng gắn bó với đơn vị, do đó chị tiếp tục xin vào làm hợp đồng.
Và dù là hợp đồng hay biên chế thì chị vẫn cần mẫn, chăm chỉ trên vườn cây, cạo hết cây, tận thu hết mủ, thậm chí chị còn nhận cạo choàng giúp cho những anh chị em trong tổ bận công việc gia đình.
Nhờ sản lượng cao nên những tháng cuối năm thu nhập của chị đều trên 25 triệu đồng/tháng, ngoài ra chị còn là cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua nên tháng nào cũng được thưởng thêm 3 – 4 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí về đích của chị.
Chị nói: “Tôi tiếp tục vào làm hợp đồng với nông trường bởi có rất nhiều lý do, mà lý do lớn nhất đó là cả cuộc đời tôi phần lớn đã gắn bó với công việc của người công nhân cao su. Tôi quen với không khí trên lô, quen với các anh chị em trong tổ, thêm đó, dù là công nhân hợp đồng nhưng tôi vẫn được hưởng các chế độ đầy đủ, và các chính sách khen thưởng trong phong trào thi đua vẫn được tính như NLĐ chính thức. Đó chính là động lực để tôi phấn đấu, thi đua vượt sản lượng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nông trường”.
HUỆ LINH
Related posts:
- Lớp thợ giỏi đầu tiên
- Lần đầu tiên đi thi thợ giỏi đã "ẵm" giải cao
- Chuyến xe tôi đi, rừng cây tôi đến
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường
- Người công nhân luôn hết mình vì công việc
- Huỳnh Thị Lệ Hằng - Nữ công nhân ưu tú
- Khó mấy cũng không rời cao su
- “Phải luôn nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn”
- Lê Thị Thương - nữ công nhân xuất sắc
- Truyền thống ngành trên vùng đất mới