Ngẫm sự đời
Năm nay tớ đã bảy lăm rồi
Ngẫm lại việc đời …chán ngán thôi!
Thiên hạ khoe khoang: Tiền nhiều lắm
Riêng tớ mải vui: Thơ với thời!
Ô hay, gian dối sao mà sướng?
Lắm kẻ chân thành …lại khổ thôi
Thôi thì, năm mới bao tâm sự
Để ngẫm sự đời: Bảo ban nhau…
VĨNH TÂN
Ngẫm xưa nói nay
Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có nhiều truyện hay, riêng đề tài về con trâu cũng rất phong phú, đa dạng. Nhưng tôi tâm đắc nhất là truyện sự tích con trâu.
Chuyện kể về chàng trai tên Trà Lớ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong cảnh nghèo khó. Một lần anh giải cứu một con chó hoang đem về nuôi, hàng ngày chia sẻ bát cháo, củ khoai, chăm sóc, bầu bạn với nó.
Thực ra con chó là một tiên nữ do mắc lỗi ở thiên đình nên bị Ngọc Hoàng làm phép biến thành con chó đày xuống trần. Nhờ lòng tốt của Trà Lớ mà nàng hiện nguyên hình thành cô gái nết na, xinh đẹp và họ thành vợ chồng sống hạnh phúc.
Cuộc sống đang yên lành thì lão phú hộ rắp tâm hại chàng, ngày này qua ngày khác, kế độc của lão như thứ thuốc độc thấm vào máu khiến chàng buồn bã và dần dần lạnh nhạt với nàng.
Một hôm, lão phú hộ sang nhà, nói dối bị ong cắn và nhờ vợ chàng đắp thuốc lên lưng. Đi làm về, chàng thấy hình ảnh đó, vì hiểu lầm vợ, chàng một mực đuổi nàng đi, dù nàng than khóc thảm thiết.
Khi nàng vừa biến mất thì toàn bộ trang trại nhà cửa cũng biến mất, chàng vội ôm con trâu, dùng mảnh vải trắng quấn vào cổ trâu kéo lại. Từ đó về sau, con trâu nào dưới cổ cũng có vệt trắng như chiếc khăn, còn Trà Lớ vừa tiếc của, ân hận việc mình làm mà chết biến thành con thạch sùng thường chép miệng tặc lưỡi tiếc của, than thân trách phận.
Qua câu chuyện, ông bà ta ngày xưa muốn giải thích “vết tích” dưới cổ của con trâu, chuyển tải thông điệp: sống phải có trước có sau, có tình có nghĩa, đã mang ơn thì phải trả ơn, nếu không sẽ gặp kết cục cay đắng.
Bài học sâu sắc nhất ở đây là mưu mô xảo quyệt của lão phú hộ, với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, khiến Trà Lớ từ bỏ vợ phủ phàng. Trong cuộc sống hiện tại không ít cặp vợ chồng “tan đàn sẻ nghé” vì chưa biết rõ bản chất của sự việc mà quyết định vội vàng, thậm chí có người chỉ nghe lời xầm xì thì đã vội quy chụp, ghen tuông, nghi kỵ bóng gió…
Trong thời đại thông tin hiện nay, những thông tin tốt đẹp sẽ làm phát triển xã hội, ngược lại những thông tin xấu độc cũng dễ lây lan, tác động mạnh đến mọi tầng lớp xã hội. Vì vậy ngoài việc các cơ quan quản lý truyền thông phải quản lý thông tin một cách khoa học hiệu quả, mà điều quan trọng là từng cá nhân phải chủ động “đề kháng” trước những thông tin xấu độc, có “bộ lọc” để phân biệt thông tin chính thống, thông tin ngoài luồng, thông tin kích động, bình tĩnh đối phó trước mọi tình huống.
Hiện nay chúng ta sống trong môi trường tốt đẹp, có sự quan tâm, chia sẻ cộng đồng từ gia đình đến ngoài xã hội. Không còn cô độc chống chọi sự nham hiểm của lão phú hộ như Trà Lớ, phải gánh hậu quả vô cùng bi thảm. Và, chắc chắn rằng, dù cho “âm mưu diễn biến hòa bình” mà những “phú hộ” thâm độc nguy hiểm đến mấy cũng không thể làm tổn hại được mỗi cá nhân, lại càng không thể làm ảnh hưởng xấu đến đất nước.
MINH ANH
Cái mương
Cận Tết năm đó, tôi đi công tác ở một công ty cao su thuộc vùng sâu vùng xa,
rồi ghé vào thăm bác Tám phu công – tra.
Đường vô nhà bác phải qua khu vườn cao su được trồng từ thời Pháp còn sót
lại, băng qua một con mương có cái cầu khỉ chừng 3m, mương nước trong vắt, thấy
đàn cá lòng tong đang bơi kiếm thức ăn, thiệt đúng chất miệt quê dân dã, yên bình.
Bác Tám nay đã ngoài 80 tuổi râu tóc bạc phơ, đang loay hoay băm mấy con cá
rô đồng để liệng ra sân cho cò ma ăn. Mấy con cò ma đó được bác lượm ngoài ruộng
về nuôi từ lúc còn nhỏ – có lần bác khoe với tôi như thế.
Thấy tôi, bác đi ra ngõ, tôi chào bác, rồi hỏi:
– Bác nhớ cháu không?
– Tao còn lạ gì bây, mặc dù lâu rồi bây mới ghé thăm, chứ cái dáng vóc còm
nhom đeo cái kính cận dày cộp của bây, tao nhầm lẫn vào đâu được.
Chẳng đợi tôi lên tiếng, bác nói tiếp:
– Ê, tao có món này, mần xị nghen bây?
– Dạ!
Trong khi tôi đi rửa tay, rửa mặt thì bác đã dọn sẵn mớ cá lòng tong um mỡ
hành, bánh tráng, với rổ rau rừng mọc hoang ở dưới mương mà bác vừa hái.
Tôi đói bụng, gặp món ăn đồng quê, làm thêm vài ly cuốc lủi nữa, vừa sướng,
vừa ép phê…
Cuộc “đưa cay” thêm phầm rôm rả với câu chuyện của bác về cái mương nước:
– Cái mương trước nhà, có lợi, mà cũng có hại đó bây. Cái lợi là có nước thiên
nhiên, rồi có cá rừng, rau rừng để làm thức ăn, làm mồi nhậu nữa. Cái hại thì lâu lâu,
cái cầu khỉ cũng quăng tao xuống mương cái ầm ướt hết trơn trụi. Chẳng bì được với
cái mương trong vườn cao su, tao thấy cái mương đó toàn đem lại lợi ích cho người
công nhân, cho ngành cao su không hà!
Tôi thắc mắc:
– Bác sao không đổ tấm bê tông bắc qua cái mương?
Bác cười khì khì:
– Ở vùng thôn quê mà đổ tấm bê tông, bỏ đi cái cầu khỉ sao hợp bây!
Tôi lại thắc mắc tiếp:
– Thế cái mương gì trong vườn cao su đem lại lợi ích hả bác?
Bác chậm rãi:
– Tao hỏi bây chứ, trong vườn cao su, cái mương gì để dẫn mủ chảy xuống
máng vô chén cho bây thu hoạch mủ đem giao nộp để được lãnh lương vậy?
– Dạ, cái mương tiền!
– Thì đó… cái mương đem lại lợi ích cho người công nhân lao động mưu sinh,
lợi ích kinh tế cho sự nghiệp phát triển của ngành, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Tao nói vậy, bây thấy có đúng hơm thì cho tao một like coi? – Rồi bác cười sảng
khoái…
Tôi cũng bật cười, và thật cảm phục tài “chơi chữ” vừa hóm hỉnh, tinh tế… mà cũng thật chính xác của bác, phải không quý vị.
NGUYỄN CỦ CẢI
(Bà Rịa – Vũng Tàu)