CSVN – Đại dịch Covid -19 đã làm đảo lộn mọi thứ, cũng chính nó đã tạo nên những cảm xúc mà xưa nay chưa hề có cho những người đang làm việc xa quê. Chúng tôi chứng kiến những cuộc gặp của người lao động đang công tác tại Campuchia khi về với gia đình, đồng nghiệp tại Việt Nam mà không khỏi tuôn trào cảm xúc, như minh chứng về sự khắc nghiệt do Covid -19 gây ra.
Tuôn trào cảm xúc
Dù đã trở về công ty mẹ công tác sau nhiều năm làm việc tại Campuchia, anh Nguyễn Văn Lộc –Trưởng phòng Tổ chức – Lao động – Tiền lương của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang vẫn không thể ngủ suốt một đêm sau khi nghe lãnh đạo công ty thông báo ngày mai gặp mặt anh chị em của Cao su Mang Yang K về phép.
Anh Lộc từng là Giám đốc Công ty Mang Yang K, được điều động về Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang vào đầu năm 2020, lúc dịch bệnh Covid -19 chưa trở thành đại dịch. Hơn 9 tháng sau gặp lại những người từng là nhân viên, đồng nghiệp, các anh ôm nhau, bắt tay, cười cười, nói nói…Những câu nói không tròn, dường như có chút nghẹn ngào, đôi mắt dù không đỏ hoe nhưng cũng rướm chút lệ. Câu chào hỏi đầu tiên của anh là: “Tụi bây bên đó giờ sao rồi?” và cứ thế, cứ thế bao nhiêu cảm xúc cứ tuôn trào, chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống nơi xứ xa, chuyện công việc trong điều kiện cách ly, phải giao tiếp qua mạng xã hội….
Cảm xúc thật sự vỡ òa, khi người thân của bé Nguyễn Võ Linh Chi 2 tuổi được ông bà nội đưa đến bên bố Nguyễn Văn Hiếu – Nhân viên kế toán nhà máy chế biến Oya Dav và mẹ Võ Thị Mỹ Nga – Thủ quỹ Nông trường Otang. Tiếng “Mẹ ơi” cất lên đã làm chị Nga không thể cầm được nước mắt sau hơn một tháng mới được gặp con. Những cái hôn hối hả, tới tấp của người mẹ với cô con gái bé bỏng làm cho không ít người cũng sụt sịt theo. Trong chốc lát tiếng cười lại vang lên, nụ cười lại rạng rỡ và cả nhà cứ thế quấn quýt bên nhau vui đùa và cùng thưởng thức trái cây, bánh kẹo với những câu chuyện tràn đầy yêu thương.
Chị Trần Thị Hạ Đoan, vợ anh Trần Đình Quyền – Phụ trách nhà máy chế biến Oya Dav thuộc Công ty Mang Yang K cho hay: “Vợ chồng chúng tôi phải gặp nhau hàng ngày qua Zalo, Facebook. Không ai muốn thế, nhất là một người vợ, nhưng vì điều kiện phải công tác ở nước ngoài, lại trong điều kiện phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch Covid -19 nên phải hy sinh chút tình cảm riêng tư”.
Chia sẻ, hy sinh vì công việc
Chủ trương của lãnh đạo Cao su Mang Yang là hỗ trợ tối đa, tốt nhất để người lao động có thể về thăm gia đình. Chính vì vậy, thời gian qua công ty đã tổ chức nhiều đợt cho người lao động về thăm gia đình. Trước là ưu tiên cho những người có việc thật sự cần thiết, nay thì đã trở thành thường xuyên với mỗi đợt 8 người và đều thực hiện nghiêm túc việc cách ly 14 ngày theo quy định tại Trường quân sự địa phương ở Pleiku.
Để san sẻ bớt phần khó khăn cho người lao động về thăm gia đình và thực hiện cách ly, Công ty Mang Yang K hỗ trợ 50% chi phí cách ly và Cao su Mang Yang hỗ trợ từ 150 – 200 USD/người để giúp người lao động trang trải chi phí trong quá trình cách ly và đi lại.
Đối với vấn đề về đón Tết của người lao động trong thời gian tới, ông Phạm Nguyên Nghị – Giám đốc Công ty Mang Yang K cho biết: “Hiện công ty đang thực hiện chia đợt để anh chị em về thăm nhà, chắc chắn sẽ có người được đón Tết với gia đình và cũng sẽ có người phải đón Tết xa quê, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để trong những ngày đó người lao động sẽ được gặp nhau, trao nhau những món quà Tết truyền thống của dân tộc bằng nhiều cách khác nhau”.
Mong mỏi được về thăm nhà, nhưng chị Nguyễn Thị Lý – Thủ quỹ Công ty Mang Yang K vẫn chưa thể thực hiện bởi còn rất nhiều anh chị em khác cần về Việt Nam giải quyết chuyện gia đình. Chị Lý chia sẻ: “Do mình cũng còn độc thân, tuy có việc nhưng cũng không thể thiết yếu hơn một số anh chị khác trong chuyện gia đình, nên dù công ty đã tổ chức nhiều đợt nhưng mình chưa đăng ký mà để dành cho anh chị em khác…”.
Trong khi đó, anh Trần Đức Dẫn – Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Mang Yang K thì bày tỏ: “Ai cũng muốn về sum họp bên gia đình vào những ngày Tết, nhưng công việc còn bộn bề lắm, cuối năm lại vào lúc tăng tốc sản lượng, quản lý công nhân cạo mủ vì với người Campuchia thời điểm đó không phải là Tết truyền thống của họ…Mình không thể về khi mọi việc đang rất cần mình, để anh em về trước, sau Tết mình sẽ về, rồi vợ con cũng sẽ hiểu, thông cảm và chia sẻ thôi”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Sáng kiến lấy mủ sớm, tạo tính chủ động trong công việc
- Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su
- Khai mạc Đại hội Đoàn Thanh niên VRG lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027
- Tạp chí Cao su Việt Nam cần chú trọng đổi mới phương thức truyền tải nội dung
- Chuyện nghề bảo vệ cao su
- Ông Huỳnh Kim Nhựt tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam
- Quyết tâm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành
- Công nhân người H’mông trên Nông trường Thái Hiệp Thành
- "Làm cán bộ Công đoàn phải có kỹ năng và nhiệt huyết"
- Công nhân người Campuchia đạt sản lượng gần 17,3 tấn mủ/năm