CSVN – Diện tích trồng các nông sản nhiệt đới chủ yếu như cọ dầu, gỗ, bột giấy, ca cao và cao su đang mở rộng nhanh chóng, tạo cơ hội cho sự phát triển đồng thời cũng gây lo ngại về tác động đến môi trường, cảnh quan và sinh kế. Cao su thiên nhiên là một ví dụ đặc biệt thú vị để xem xét dưới góc độ phát triển bền vững của các nước sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị của nó. Ngành cao su đang phải đối mặt với một loạt vấn đề về tác động và đóng góp của nó đối với sự phát triển bền vững.
Thay đổi mục đích sử dụng đất: Cao su là cây trồng có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Diện tích cao su được mở rộng, đặc biệt là trong thập niên qua, nguồn gốc đất có thể là rừng tự nhiên, sinh cảnh hỗn hợp, nông nghiệp du canh và nông lâm kết hợp. Những thay đổi mục đích sử dụng đất như vậy có tác động quan trọng đến đa dạng sinh học và hấp thụ các-bon. Chúng cũng có thể có những tác động xã hội rất trái ngược nhau tùy thuộc vào hệ thống sản xuất cao su đang thay thế và cách thức được tổ chức. Tuy nhiên, có thể giảm ảnh hưởng xấu của việc thay đổi mục đích sử dụng đất và nạn phá rừng thông qua các hệ thống thâm canh, bằng cách tăng năng suất mủ (sử dụng dòng vô tính cao su thay vì cây thực sinh) và bằng các hệ thống sản xuất đa dạng dẫn đến năng suất đất tổng hợp cao hơn.
Đa dạng sinh học: Ở nhiều khu vực, việc chuyển rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh sang độc canh cao su làm giảm sự phong phú của loài và thay đổi thành phần loài. Trong khi đó, giá trị đa dạng sinh học của nền nông nghiệp du canh và đất canh tác hỗn hợp chưa được biết rõ và tác động của việc chuyển đổi chúng sang trồng cao su đã được đánh giá ít chi tiết hơn. Ảnh hưởng của các hệ thống canh tác khác nhau cũng được đánh giá. Cao su nông lâm kết hợp hỗ trợ một tập hợp con các loài cây rừng không được tìm thấy trong các rừng độc canh. Có sự đa dạng sinh học lớn hơn ở các đồn điền có cấu trúc môi trường sống phức tạp hơn, ví dụ: hệ thống nông lâm kết hợp phức hợp nhiều tầng với rừng thứ sinh mọc lại ở giữa hàng hoặc kết hợp với cây ăn quả/cây lấy gỗ.
Giảm thiểu biến đổi khí hậu: Đóng góp tiềm năng của cao su trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu phụ thuộc vào những gì nó thay thế và cách thức tiến hành. Tác động nói chung là tiêu cực khi cao su thay thế rừng nguyên sinh hoặc rừng thứ sinh, nhưng tích cực khi trồng trên đất bạc màu. Tác động có thể là trung tính hoặc hơi tích cực khi cao su thay thế các hệ thống du canh có thời gian bỏ hoang ngắn, nhưng tiêu cực khi nó thay thế các hệ thống du canh, sau đó sẽ lấn chiếm rừng.
Nước và xói mòn: Khả năng ngăn sương mù của tán cao su kém hơn so với các tán phức hợp. Việc chuyển đổi sang cao su có thể làm tăng sự thoát hơi nước so với thảm thực vật bản địa. Cao su có nguy cơ làm cạn kiệt độ ẩm của tầng đất sâu trong mùa khô do ảnh hưởng đến nước ngầm và dòng chảy. Ở các khu vực miền núi Đông Nam Á, rừng trồng trên các sườn dốc có tác động tiêu cực đến xói mòn đất, nguy cơ sạt lở đất và chất lượng nước. Ngoài ra còn có các dấu hiệu cho thấy tác động của dòng chảy trong rừng trồng cao su đối với chất lượng nước và đa dạng sinh học thủy sinh.
Các vấn đề xã hội: Sản xuất cao su vẫn còn bị chi phối bởi tiểu điền ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất “truyền thống”. Việc trồng cao su thay thế nông nghiệp du canh đã làm tăng đáng kể thu nhập của các hộ nông dân ở Tây Nam Trung Quốc và Bắc Thái Lan.
Ở các khu vực phi truyền thống, chẳng hạn như Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước Châu Phi, việc mở rộng cao su thường dưới hình thức các đại điền – điều này có thể gây bất lợi cho các cộng đồng nông thôn, với một số báo cáo về việc di dời và điều kiện lao động kém ở các đại điền.
Khả năng chống chịu với biến động giá cả: Giá cao su có thể biến động, đây là mối lo ngại cho đầu tư dài hạn và có hậu quả đối với tính bền vững của các mô hình kinh tế và sản xuất. Các hộ nông dân thuần túy làm cao su rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu họ không được các chính sách công hỗ trợ. Các hộ sản xuất nhỏ với các hệ thống đa dạng là những người có khả năng phục hồi cao nhất. Nghịch lý là các đại điền có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do độc canh và phải trả công cho lực lượng lao động.
Thích ứng với biến đổi khí hậu: Cho đến gần đây, rất khó để dự đoán mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến mưa và gió cực đoan, 2 yếu tố gây hại rừng cao su. Cũng cần nghiên cứu thêm về tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phân bố của sâu bệnh. Các hệ thống đa dạng có khả năng chống chịu tốt hơn với bất kỳ hình thức nào, kể cả do biến đổi khí hậu, và có thể góp phần thích ứng ở cấp độ cảnh quan. Với những thách thức nêu trên, tác động và đóng góp của việc phát triển cao su cho các mục tiêu phát triển bền vững phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất, cách sử dụng đất, lớp phủ đất tại nơi cao su sẽ thay thế. Thứ hai, liên quan đến hệ thống sản xuất, năng suất và hiệu quả tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng gỗ cao su, cũng như các tác động đến nước và đa dạng sinh học. Thứ ba, lợi ích cho các hộ tiểu điền và người dân địa phương, góp phần vào khả năng phục hồi kinh tế và xã hội.
Một loạt các nguyên tắc hoặc mục tiêu phải đạt để hướng tới phát triển bền vững. Chúng sẽ được thực hiện bởi các nhóm tác nhân liên quan theo bối cảnh quốc gia, thể chế, kinh tế và xã hội, các ưu tiên của địa phương và theo chuỗi giá trị (từ địa phương đến toàn cầu). Trên thực tế, một số biện pháp đã được thực hiện bởi một số chính phủ và các tác nhân khác đối với cao su hoặc đối với các loại rừng trồng khác.
Hạn chế tác động tiêu cực của chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Các tác động tiêu cực tiềm tàng chính của việc phát triển cao su, cả về môi trường (tác động đến đa dạng sinh học và trữ lượng các-bon) và xã hội (việc di dời của các hộ nhỏ sang trồng quy mô lớn) có liên quan đến thay đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, hạn chế tác động tiêu cực của chuyển đổi mục đích sử dụng đất là ưu tiên hàng đầu để nâng cao tính bền vững của phát triển cao su. Có hai cách tiếp cận bổ sung chính: Hạn chế thay đổi sử dụng đất bằng cách giảm nhu cầu sử dụng đất mới; hạn chế tác động tiêu cực của việc thay đổi mục đích sử dụng đất.
Cải thiện tính bền vững của các đại điền: Ba điểm chính cần được xem xét để cải thiện tính bền vững của đại điền: chúng được thiết lập ở đâu và như thế nào; quan hệ của họ với những người làm thuê; và thực hành để cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học và chất lượng nước.
Hỗ trợ tiểu điền và các nhóm nông dân: Tiểu điền có những hạn chế cụ thể cần được khắc phục để họ được hưởng lợi từ sản xuất cao su. Họ cần được hỗ trợ để tiếp cận vật liệu trồng chất lượng cao và các công nghệ liên quan. Họ cũng cần được hỗ trợ tài chính để đầu tư vào sản xuất mới hoặc tái canh thay thế vườn cây cũ và chăm sóc chúng cho đến khi có thể thu hoạch mủ. Họ trải qua những thách thức trong việc tiếp cận thị trường, để làm cho sản phẩm của họ có đủ chất lượng sau lần chuyển đổi đầu tiên và liên quan đến người mua. Tổ chức tập thể có thể là một cách để khắc phục sự mất cân bằng quyền lực giữa người sản xuất nhỏ và người mua lớn hơn. Nó có thể được hỗ trợ bởi thông tin minh bạch về giá cả và quy tắc để đảm bảo hợp đồng là công bằng và trách nhiệm của công ty được đề cao. Cuối cùng, các hộ tiểu điền cũng cần được hỗ trợ để đa dạng hóa hệ thống của họ nhằm phân tán rủi ro và ổn định sinh kế.
Thúc đẩy và cải thiện các hệ thống sản xuất đa dạng: Bao gồm trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả, cây thân gỗ trong khu vực trồng cao su, hệ thống nông lâm kết hợp. Những hệ thống phức hợp này được thiết lập bởi những người nông dân có truyền thống lâu đời. Chúng được đặc trưng bởi sự đổi mới liên tục, cả về kỹ thuật và xã hội. Cần có các hình thức hỗ trợ đa dạng hơn, bao gồm nghiên cứu có sự tham gia, trao đổi thực hành giữa nông dân, như ở Thái Lan, nơi gần đây đã tạo ra một nền tảng trao đổi thực hành để thúc đẩy các hệ thống đa dạng, dịch vụ khuyến nông và nhà cung cấp đầu vào cho cả cao su và các loài khác đối với việc tổ chức các chuỗi giá trị đa dạng. Một cách khác để cải thiện lợi nhuận của các hệ thống sản xuất cao su là sử dụng tốt hơn gỗ cao su như ở Malaysia.
Phối hợp các biện pháp và các tác nhân: Phát triển bền vững cao su đòi hỏi sự kết hợp của các biện pháp cần được triển khai bởi nhiều bên (công, tư, đối tác công tư), tùy theo tình hình cụ thể của từng quốc gia và địa phương. Các vấn đề ưu tiên và các biện pháp thích hợp để giải quyết chúng cần phải được xác định ở cả cấp quốc gia và địa phương, nhận ra những hạn chế và cơ hội cụ thể, cũng như các nguồn lực sẵn có. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của tất cả các bên liên quan.
Sự phát triển của ngành cao su mang lại những thách thức về tính bền vững và hàng loạt cơ hội để phát triển bền vững. Có rất nhiều kiến thức và bằng chứng để thực hiện quá trình chuyển đổi này theo cách tích cực. Trước hết, các bên tham gia phải đồng ý về các vấn đề ưu tiên cần giải quyết, dựa trên bằng chứng xác thực. Tiếp theo là xác định các biện pháp được thực hiện và do ai thực hiện. Vấn đề quan trọng là thu thập kiến thức và chuyển giao nó cho các tác nhân một cách thiết thực. Một cách cụ thể, quá trình như vậy có thể được thông báo ở nhiều cấp, địa phương, quốc gia, toàn cầu bằng Hướng dẫn thực hành về phát triển bền vững cao su thiên nhiên.
Hướng dẫn có thể được xây dựng thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan và liên ngành dựa trên bề dày kiến thức tích lũy được từ các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, cũng như từ các ví dụ thành công từ ngành khác. Nó có thể hỗ trợ các bên trong việc xây dựng các dự án phát triển/ mở rộng cao su, hoặc cải thiện các đồn điền hiện có và cải tạo chúng, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nó sẽ đưa ra các phương tiện cụ thể để: mô tả và hiểu các bối cảnh, xác định các vấn đề quan trọng và xây dựng các phương án để giải quyết những vấn đề này trong một tình huống/bối cảnh cụ thể (các lựa chọn theo ngữ cảnh, cách tiếp cận bối cảnh, …).
Hướng dẫn này cần tích hợp đầy đủ việc xem xét các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm các tác động tiềm tàng, các phương án thích ứng sẵn có và đóng góp vào giảm thiểu. Nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép cao su thiên nhiên một cách thích hợp vào các Kế hoạch thích ứng quốc gia (National Adaptation Plan, NAP) cũng như trong các cơ chế thực hiện các Cam kết do quốc gia xác định (Nationally Determined Contributions, NDC) và cung cấp thông tin về chính sách và các công cụ tài chính có thể được huy động ở các quốc gia và cấp độ quốc tế.(Lược dịch từ: Gitz V, Meybeck A, Pinizzotto S, Nair L, Penot E, Baral H and Jianchu X. 2020. Sustainable development of rubber plantations in a context of climate change. FTA Brief 4. Bogor, Indonesia: CIFOR. https://doi.org/10.17528/ cifor/007860)
NGUYỄN ANH NGHĨA
(VIỆN NGHIÊN CỨU CAO SU VIỆT NAM)
Related posts:
- VRG ký kết hợp tác với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
- Ý nghĩa "Bữa cơm Công đoàn"
- Bản tin -Chuyên đề số 1
- "Các đơn vị miền núi phía Bắc cần bám sát kế hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm"
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Yokohama tạo ra cao su chống nứt bằng công nghệ hạt nano
- VRG gặp mặt khách hàng đầu năm
- Vận động viên tranh tài sôi nổi trong ngày đầu Hội thao khu vực III
- Đắk Nông khuyến cáo người dân ổn định diện tích cao su
- Cao su Bình Long trao 86 phần quà cho người lao động và gia thuộc bị bệnh hiểm nghèo