CSVN – Chia sẻ với Tạp chí CSVN về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2020 và định hướng mở rộng thị trường tiêu thụ trong năm 2021, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG cho rằng, các đơn vị không chỉ ứng phó khi thị trường khó khăn mà phải biết ứng phó với cả khi thị trường thuận lợi.
– Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2020?
Ông Trần Thanh Phụng: Thị trường cao su kể từ năm 2012 đến nay đã ghi nhận xu hướng giá cả sụt giảm liên tục do nguồn cung cao su dư thừa trên toàn cầu, nhưng có thể nói năm 2020 là năm biến động khó lường nhất, nhiều cảm xúc nhất trong công tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cao su. Thứ nhất, ngoài ảnh hưởng của tình trạng dư cung, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu cao su giảm, giá cả giảm xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc giao hàng đối với các hợp đồng đã ký cũng bị ngưng trệ. Tồn kho trong toàn Tập đoàn (TĐ) tăng cao, ngay cả tại thời điểm sản xuất cao su chưa cao (tháng 3&4/2020) nhưng tồn kho toàn TĐ vẫn ở mức trên 90.000 tấn (hơn 30% sản lượng cả năm của TĐ). Điều quan trọng là giá giảm sâu, việc tiêu thụ hoàn toàn ngưng trệ, tình hình tài chính ở nhiều công ty thành viên rất khó khăn.
Trước tình hình đó, các công ty thành viên đã có nhiều giải pháp và nỗ lực để khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, lãnh đạo TĐ cũng đã áp dụng hàng loạt chính sách đặc thù để khắc phục tình trạng nói trên, như: Ban hành giá sàn linh hoạt; Giải quyết cơ chế giá đặc thù cho những đơn vị có đơn mua hàng;
Điều chỉnh chính sách giá giảm trừ vận chuyển và thương hiệu đối với các đơn vị có khó khăn; Giới thiệu hoặc hỗ trợ tiêu thụ cho các đơn vị chưa mạnh về công tác tiêu thụ; Ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị khó khăn về tài chính để tạm ứng… Nhờ đó, đến thời điểm tháng 5 – tháng 7/2020, tồn kho thường xuyên trong toàn TĐ đã về mức trung bình (dưới 60.000 tấn). Tình trạng khó khăn về tài chính của các đơn vị cơ bản được giải quyết.
Kể từ tháng 8/2020, thị trường cao su đã có chút ít chuyển biến nhờ tình hình dịch bệnh lắng xuống và nhu cầu sản xuất trở lại ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ… Song song với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để ban hành giá sàn kịp thời và linh hoạt, TĐ tiếp tục tích cực hỗ trợ tiêu thụ đối với các đơn vị còn khó khăn, TĐ xây dựng bản tin thị trường, cung cấp thông tin thị trường cũng như phân tích và dự báo thị trường trong ngắn hạn và trung hạn để các đơn vị tiếp cận thông tin cũng như chủ động hơn trong công tác tiêu thụ. Nhiều đơn vị trong TĐ đã chủ động hơn và thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo TĐ: Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.
Tháng 9 và tháng 10, tình hình thời tiết cực đoan đã gây ra nhiều đợt bão lũ đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc khai thác cao su trên diện rộng và thiệt hại cho nhiều diện tích vườn cây. Tuy nhiên, tình hình này đã tạo ra sự thiếu hụt tạm thời nguyên liệu cao su làm cho giá cả tăng nhanh. Các diễn biến này đã được TĐ phân tích và dự báo sớm nên các đơn vị thành viên đã tận dụng tốt cơ hội này, đẩy mạnh công tác tiêu thụ và nhờ đó, cải thiện được tình hình tồn kho cũng như các khó khăn về tài chính.
Tháng 11 và 12/2020, tình hình tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai cũng như việc khai thác cao su đã bình ổn, giá cả thị trường đã giảm lại. Tuy nhiên, nhờ tận dụng tốt cơ hội và chủ động hơn trong công tác tiêu thụ, tồn kho thường xuyên toàn TĐ vẫn luôn duy trì mức ổn định.
Tóm lại, trong điều kiện diễn biến thị trường phức tạp và khó khăn, nhưng công tác tiêu thụ năm 2020 trong toàn TĐ đã có nhiều nỗ lực khắc phục cũng như đã ứng phó linh hoạt để thích ứng với diễn biến của thị trường. Đặc biệt là việc nắm bắt thông tin thị trường thông qua việc phân tích và dự báo để chủ động các giải pháp ứng phó phù hợp, cũng có nghĩa là chủ động hơn trong công tác tiêu thụ.
– Các đơn vị thành viên VRG phải chuẩn bị gì để ứng phó linh hoạt với thị trường tiêu thụ cao su năm 2021, thưa ông?
Ông Trần Thanh Phụng: Thị trường cao su đã trải qua thời kỳ suy giảm trong nhiều năm qua, đặc biệt là diễn biến phức tạp trong năm 2020 đã cung cấp cho các đơn vị thành viên nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm trong việc ứng phó với thị trường. Chắc chắn các đơn vị đã sẵn sàng tâm thế và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, cũng nên hiểu đầy đủ ý nghĩa của hai từ “ứng phó”. Ở đây không chỉ là sự ứng phó khi thị trường khó khăn mà phải hiểu ứng phó với cả khi thị trường thuận lợi. Cho nên phải nói đầy đủ là sự “ứng phó linh hoạt”. Sự chuẩn bị này phải trở lại các vấn đề căn bản sau đây:
Thứ nhất: Sản xuất phải có khách hàng và thị trường tiêu thụ. Điều này nghe có vẻ đương nhiên nhưng để được như vậy không phải đơn giản. Bởi lẽ, không phải cứ có khách mua hàng là đã có khách hàng. Khách hàng cần được xây dựng bền vững lâu dài dựa trên văn hóa kinh doanh, chính sách chăm sóc, thu hút và giữ chân khách hàng, giữ chữ TÍN trong kinh doanh. Xác định rõ thị trường mục tiêu dựa trên năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ hai: SXKD phải có hiệu quả. SXKD có hiệu quả dựa trên hai nền tảng: Sản xuất sản phẩm tốt nhất với chi phí thấp nhất và có đủ thông tin thị trường và biết phân tích, xử lý và dự báo tốt để có quyết định phù hợp. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, những đơn vị nào có được các yếu tố căn bản này sẽ không rơi vào tình trạng khủng hoảng, khó khăn khi thị trường không thuận lợi, đồng thời sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội khi thị trường thuận lợi để có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên để có được những yếu tố căn bản này không phải muốn là có. Nó phải được xây dựng dựa trên chiến lược rất rõ ràng và kiên trì sau nhiều năm.
– Xin ông cho biết trong năm 2021, VRG có định hướng gì để mở rộng thị trường tiêu thụ cao su và hỗ trợ các thành viên tìm kiếm khách hàng?
Ông Trần Thanh Phụng: VRG vẫn sẽ tiếp tục các chính sách đã và đang thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Tuy nhiên, định hướng quan trọng và bền vững nhất là hướng tới giảm thiểu sự hỗ trợ của VRG. Các đơn vị thành viên cần được hỗ trợ để tiến tới sự chủ động hoàn toàn trong công tác tiêu thụ chứ không phải hỗ trợ trực tiếp.
Để được như vậy, VRG chủ trương triển khai các định hướng dài hạn và bền vững sau đây: Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm song song với việc cải thiện, nâng cao và duy trì chất lượng sản phẩm. Các ban chuyên môn của VRG sẽ tư vấn, hỗ trợ cũng như khuyến khích các đơn vị thành viên chia sẻ kinh nghiệm với nhau để thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu VRG đã ban hành, trong đó hướng tới chất lượng sản phẩm ở tất cả các đơn vị thành viên đạt được tiêu chuẩn TCCS 112 mà VRG đã công bố.
Xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách tiêu thụ có năng lực chuyên môn và năng động thông qua đào tạo, tuyển dụng để tham mưu tốt nhất cho lãnh đạo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thu thập thông tin thị trường, phân tích và dự báo thị trường để có tâm thế ứng phó phù hợp, không bất ngờ khi thị trường có sự biến động cả theo chiều thuận hay chiều nghịch.
Quán triệt các đơn vị thành viên nghiêm túc trong việc giữ gìn chữ TÍN trong kinh doanh, ngay cả khi thị trường thuận lợi hoặc khó khăn.
Duy trì và phát triển hệ thống khách hàng. Lĩnh vực mua bán cao su trong môi trường thông tin hiện nay, người bán và người mua gần như sẽ kết nối dễ dàng không mất nhiều công sức để tìm kiếm như ngày xưa. Do đó, quan trọng nhất là xây dựng và duy trì các khách hàng truyền thống trên nguyên tắc WIN-WIN.
– Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
- Triển lãm Rubber & Tyre lần thứ 3 sẽ diễn ra vào tháng 6/2015
- Nệm Đồng Phú mở rộng thị trường tiêu thụ bằng uy tín, chất lượng
- Ký ghi nhớ thành lập sàn giao dịch cao su
- Chứng khoán lại lao dốc mạnh
- Chứng khoán đang trên "đỉnh"
- Công ty CP XK Cao su VRG - Nhật Bản: Giao dịch thành công 170 tấn hàng đầu tiên
- Các hộ tiểu điền Malaysia kêu gọi EU xem xét lại luật chống phá rừng EUDR
- 300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Vietnam Print Pack 2017
- Sản xuất sản phẩm cao su: cơ hội và thách thức tại các nước ASEAN