Tốt nghiệp Trường Cơ điện Quy Nhơn, chỉ vài tháng sau, vào ngày 25/4/2011, anh Nguyễn Đức Nghiệp đã tìm được việc làm tại Nhà máy chế biến mủ cao su tại Công ty CPCS Việt-Lào. Mới vào làm được vài tuần mà trái tim chàng trai Bình Định 27 tuổi ấy đã rung động mãnh liệt trước cô công nhân người Lào – Nàng Thoon, 19 tuổi, cùng làm trong nhà máy.
Thế là một trong những công việc “ưu tiên” của Nghiệp là… học tiếng Lào! Ngôn ngữ Lào, học để đàm thoại phổ thông thì cũng không mấy khó, nên chỉ sau 6 tháng là Nghiệp đã có thể “bày tỏ” với cô nàng được rồi. Một hôm, sau kỳ nghỉ phép thăm nhà lên, anh nói: “Chắt mợ bờ đầy ại bò hến noọng”. (Mấy ngày rồi anh không có gặp em). “Ại khích họt noọng”. (Anh nhớ em). Bày tỏ tấm lòng xong, Nghiệp hồi hộp chờ câu trả lời của Nàng Thoon, và anh vui sướng như muốn bay lên khi nghe nàng nói: “Noọng chắt lẹo”. (Em biết rồi). “Noọng cà khích họt ại”. (Em cũng nhớ anh).
Để rồi qua năm 2012, họ tổ chức đám cưới. Cuối năm, Nghiệp đưa vợ về quê nhà Bình Định giới thiệu với bà con dòng họ, rồi ở lại ăn Tết Việt với chồng cho biết. Vừa là vợ chồng vừa là đồng nghiệp nên Đức Nghiệp và Nàng Thoon hầu như suốt ngày quấn quít bên nhau. Nhờ Nghiệp kèm cặp thường xuyên nên tay nghề Nàng Thoon ngày một vững, giờ thì có thể nói nàng đã thuần thục cùng công việc.
Nàng nói: “Nhà em ở bản số 8, huyện Bachiang, tỉnh Champasak. Nhà có bốn anh em thì có hai người làm công nhân cao su. Thu nhập của em hiện khoảng 1,5 triệu kip (tức 3,9 triệu VNĐ)/ tháng, so với làm rẫy trước đây chỉ bảy, tám trăm kip thì hơn nhiều… Cái quý hơn nữa là làm công nhân thì công việc ổn định hơn, so với làm rẫy chỉ mang tính mùa vụ”. Còn Nghiệp cho biết anh là tổ trưởng ở nhà máy nên thu nhập có cao hơn, thường là gấp đôi bà xã.
Với mặt bằng sinh hoạt ở một huyện nông thôn như Bachiang thì thu nhập của hai vợ chồng như trên đã thuộc vào hàng khá giả. Họ đang có một cuộc sống ổn định và ngày càng tin tưởng vào dòng nhựa trắng hữu nghị Việt-Lào!
Bài, ảnh: Hoàng Nam
Related posts:
- Bốn mươi mùa rẫy ngày càng thêm vui!
- Họp mặt Cán bộ hưu trí mừng Xuân Tân Sửu 2021: Đầm ấm, nghĩa tình
- Cán bộ Công đoàn phải “thở hơi thở của người lao động”
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Ngày Tết bận rộn trên lô
- Đong yêu thương, thêm cảm xúc
- 10 năm liền đạt kỹ thuật hạng ưu
- "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"
- Tận tâm, góp sức cùng đơn vị phát triển
- 2 vợ chồng công nhân luôn vượt sản lượng hàng tháng