CSVNO – Đó là thông tin tại Hội nghị Đại biểu Người lao động và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang – Quảng Nam, tổ chức chiều ngày 15/1.
Sau 12 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang – Quảng Nam đã trồng mới hơn 4.570 ha cao su ở 4 huyện: Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My. Toàn công ty có 3.399 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, Cor, Giẻ Triêng chiếm hơn 98%.
Trong năm 2020 công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, thời tiết khí hậu biến đổi khó lường, diễn ra mưa lũ dài ngày tại khu vực Duyên hải miền Trung, đặc biệt ảnh hưởng nặng nhất là cơn bão số 5 và số 9 gây thiệt hại nặng đối với vườn cây cao su, các tuyến đường lô bị hư hỏng, công tác thu hoạch mủ bị ảnh hưởng làm giảm sản lượng của công ty.
Thiệt hại do gió bão, lũ quét gây ra tại công ty rất nặng nề, tổng diện tích cao su bị ảnh hưởng trên 1.857 ha, trong đó diện tích có số cây gãy, bật gốc hoàn toàn đề nghị thanh lý hơn 279 ha, diện tích bị ảnh hưởng do gãy đổ rãi rác trong lô xin giảm mật độ trên 1.577 ha.
Ngoài ra, vườn cây cao su bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều khu vực sản xuất bị cô lập, chia cắt, các tuyến đường lô bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều vật tư trang bị trên vườn cây khai thác trôi mất. Trong tháng 10 và 11/2020, công ty bị mất khoảng 200 tấn sản lượng do không thể khai thác vì mưa bão, ngoài ra một số lượng lớn mủ còn trên lô cao su và trong kho bị lũ cuốn trôi.
Tổng thiệt hại do các cơn bão (số 5, 6, 7, 9) gây ra tại Công ty trên 32 tỷ đồng (bao gồm thiệt hại về vườn cây, sản phẩm mủ, đường lô, cầu cống, vật kiến trúc và tài sản khác). Chưa kể thiệt hại của các cá nhân, hộ gia đình là NLĐ của công ty trên 1 tỷ đồng.
Toàn thể CB.CNV LĐ công ty đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, giữ vững nhịp độ tăng tưởng năng suất, ổn định môi trường SXKD. Công ty về trước kế hoạch sản lượng 20 ngày, trong đó NT Trà My về trước kế hoạch 30 ngày.
Năm 2020, công ty khai thác 1.140,15 tấn (vượt 3,7% KH); tiêu thụ 1.260 tấn (đạt 100% KH); giá thành bình quân 31,58 triệu đồng/tấn; giá bán bình quân 32,08 triệu đồng/tấn. Tổng doanh thu hơn 40,5 tỷ đồng (vượt 8,8% KH); lợi nhuận trước thuế 626 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế 111,5 triệu (vượt 5,51% KH); nộp ngân sách Nhà nước 271 triệu (vượt 256,4% KH). Qua đó đảm bảo tiền lương bình quân của NLĐ trên 5,3 triệu đồng/tháng/người (tăng 15% so với năm 2019).
Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn. Tuy nhiên, công ty quyết tâm tập trung để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch, bằng các giải pháp quản lý tốt giá thành sản xuất, đổi mới công tác quản lý điều hành phù hợp với loại hình doanh nghiệp mới là doanh nghiệp cổ phần, xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận và thống nhất trong toàn công ty; sắp xếp lại bộ máy gián tiếp phục vụ công ty, nông trường, tổ sản xuất, đưa công ty ngày càng ổn định về sản xuất, hiệu quả về kinh doanh.
Với 1.461 ha cao su khai thác, năm 2021, công ty phấn đấu sản lượng mủ khai thác 1.440 tấn; năng suất bình quân 0,99 tấn/ha; thu mua 100 tấn; tiêu thụ 1.500 tấn. Tổng doanh thu 46,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 160 triệu; nộp ngân sách Nhà nước 300 triệu đồng. Điều chỉnh tăng 10% lương cho bộ phận lao động quản lý, gián tiếp phục vụ. Để đảm bảo tiền lương bình quân của CB.CNV LĐ trên 5,8 đồng/người/tháng.
TRẦN HUỲNH – ẢNH: CTV
Related posts:
- Tăng cường rà soát, cắt giảm tối đa các chi phí
- Bình Phước phải là hình mẫu của chương trình hợp tác với VRG
- Cao su Đồng Nai - Kratie: Quyết đạt và vượt sản lượng 5.200 tấn
- Tạo điều kiện tốt nhất để làng công nhân cao su sớm được triển khai
- Gỗ MDF VRG Kiên Giang lợi nhuận hơn 14 tỷ
- Cụ thể hóa phong trào thi đua thành sáng kiến sản xuất
- Tổng Cục thuế Campuchia thăm, làm việc với VRG
- “Đảng bộ VRG tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị"
- Cần có chiến lược phát triển sản phẩm trong 5 năm tới
- Để ngành gỗ đạt 20 tỷ USD năm 2025