Anh Đức Trung kính mến!
Em năm nay 31 tuổi, đã bước qua tuổi “băm” rồi, tự nhiên cảm thấy nuối tiếc thanh xuân. Từ khi lấy chồng, mọi việc của gia đình hầu như một mình em lo liệu. Em đi làm, công việc của em lương khá, thu nhập của em và chồng cũng đủ lo cho cả nhà. Vợ chồng em mua được nhà, nuôi con học hành không thua kém ai, hai bên nội ngoại cũng chu toàn.
Nói thiệt tình, em cũng ham kiếm tiền, nên bươn chải mà không than mệt. Ngoài việc làm kế toán trong công ty, em còn nhận làm số sách kế toán cho 5, 6 công ty tư nhân. Chồng em thì ngược lại, anh chỉ làm việc theo “tám giờ vàng ngọc”, lương Nhà nước “ba cọc ba đồng” anh lãnh về đưa em hết, cũng không quan tâm đủ hay thiếu, vì mọi chi phí trong nhà đã có em lo. Em nghĩ, mình đã lao động gấp đôi, gấp ba người khác.
Đến nay, tuổi hơi “cứng” rồi, tự nhiên em nhận ra mình không có mấy thời gian dành cho gia đình, mặc dù toàn bộ mục tiêu cuộc sống của em là vì gia đình. Em đi làm cả tuần, tối về đôi khi cả nhà đã ăn cơm rồi, còn gì thì em ăn đó. Các con đều lo bài vở, mà em cũng quá mệt sau một ngày dài, chỉ muốn tắm rồi lăn ra ngủ.
Đôi khi, em thấy mình giống cái máy in tiền. Có phải em đã sai? Nhưng bây giờ nếu em không làm việc, nếu em kiếm tiền ít lại, những khoản chi trong gia đình cũng phải hạn chế theo, …Em bắt đầu thấy mình mệt mỏi, thấy buồn, gánh nặng này là em tự nhận lấy, nhưng giờ thấy sao nặng quá. Em phải làm sao đây thưa anh Đức Trung!
EM GÁI
Em gái thân mến!
Phải nói ngay rằng em là một người phụ nữ giỏi giang, bàn tay em, công sức của em đã tạo dựng nên một gia đình như ngày hôm nay. Những cố gắng đó không có gì đáng hối hận cả. Nhiều người muốn được như em mà đâu có làm được. Không có gì phải tiếc nuối, mà phải tự hào mới đúng.
Nhưng cũng phải nói cho ngay, cái gánh nào dù cho nhẹ tênh, nhưng gánh một thời gian dài, gánh một mình không ai sẻ chia, thì cũng có lúc trở thành gánh nặng ngàn cân. Vì vậy, dễ hiểu thôi khi tuổi bắt đầu “băm”, em bỗng thấy cái gánh trên vai mình nặng quá sức.
Đây là thời điểm cần một chút thay đổi. Thay đổi để tốt lên chứ không phải là “đập đi làm lại”. Lúc này mình chủ động thay đổi sẽ giữ trọn vẹn những thành quả lao động của mình, còn nếu để quá sức, ngã gục thì coi như toàn bộ công sức của mình đổ sông đổ biển. Em hoàn toàn có thể bớt việc đi, có thể tiền kiếm sẽ được ít hơn, nhưng chồng em cần phải cố gắng chia sẻ với em gánh nặng này, dù chỉ một phần thôi cũng tốt. Còn nếu anh ấy chưa bù đắp được cũng không sao. Khi điều chỉnh lại công việc, em sẽ có thời gian dành cho gia đình, có thể trò chuyện, giúp chồng hiểu hơn áp lực của vợ, rồi dần dần anh ấy sẽ thay đổi bản thân để chia sẻ gánh nặng cùng em.
Công việc kiếm tiền có thể cuốn đi mê mải, khiến mình quên mất rằng trong khi mình bươn chải để lo cho gia đình, thì gia đình đang dần tuột khỏi tay mình. Mua một căn nhà để có không gian riêng, nhưng mình quanh năm suốt tháng lao ra ngoài, về nhà chỉ có ngủ, thì thực chất gia đình đang tiêu biến đi trong chính ngôi nhà của mình mà mình không hay. Rất may em đã nhận ra điều ấy. Chỉ cần điều chỉnh một chút, mọi việc vẫn còn kịp. Chúc em thành công và hạnh phúc!
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Khảo sát đặt cột cờ biên giới ở Tây Ninh
- Tất bật mùa nghỉ cạo
- Đừng níu kéo người chẳng ra gì!
- Cao su Mang Yang: Trên 600 hội viên Chữ thập đỏ hiến máu
- Hãy tỉ tê với chồng về "điều vợ thích"!
- Tạo thu nhập cho người làng từ cây rau dân dã
- Số ca nhiễm Covid 19 ở Campuchia vượt mốc 10.000, Lào lần đầu có ca nhiễm 3 con số
- Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
- Hệ lụy từ "Tám" chuyện nhà trên mạng
- Tiếp tục quyết liệt các giải pháp chống dịch – Việt Nam đang đi đúng hướng