CSVN – Mẹ ngồi lại với hoang tàn đổ nát, nước mắt dường như đã không còn cho những xót xa mùa bão.
Lũ chồng lũ, mẹ thẫn thờ mình dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ. Thấp thoáng những nóc nhà trơ trọi, lâu lâu lại có người nhú lên như chờ đợi một niềm hy vọng mong manh. Ba giấu tiếng thở dài vào trong, ánh mắt bơ phờ sau nhiều đêm thức trắng nhìn xa xăm, vô định.
Ở giữa đỉnh lũ, tôi không thể nào nhìn thấy được con đường làng mỗi sáng lũ trẻ con khấp khởi đến trường. Khoảng sân mênh mông có vài chậu hoa nở vàng ươm trong nắng đã trôi đi cùng dòng nước lũ.
Những thân lúa mỏng manh vốn dĩ nương tựa vào nhau để đứng lên cũng chìm sâu trong nước, nhà cửa chẳng còn lại chút gì, chỉ có nỗi buồn vẫn hằn sâu trong mắt người vùng rốn lũ. Anh tôi trọ học xa nhà, cứ gọi về suốt từ lúc hay tin có bão lũ, đến khi bão tan lũ rút.
Những người con xa quê, khi nghe tin quê nhà có bão, ai cũng lo lắng đứng ngồi không yên. Tan học, anh chẳng thể bước về phòng, cả đám bạn cùng quê ngồi lại với nhau thấp thỏm mong ngóng tin quê nhà…
Bản tin hàng ngày vẫn phát ra những con số, những diện tích, những thiệt hại… Cả gia đình tôi ngồi co ro trong một góc mà nép vào đâu cũng thấy lạnh. Những chiếc bè chuối đã mục rữa, bị nước cuốn trôi đi mà lũ vẫn chưa rút, ba nhìn trời thở dài.
Nghĩ, sao dân miền Trung mình khổ đến vậy. Những ngày bão lũ, người dân quê tôi dường như chỉ ăn để cầm cự qua ngày, chẳng có một buổi cơm nào mà không có nước mắt.
Trời ít gió, ba chạy đò qua nhà hàng xóm bên cạnh chia cho vài gói mì, ít nước ngọt. Mọi người sẵn sàng chia sẻ với nhau và ai cũng trao cho nhau một miền tin “nay mai lũ rút, bão tan”.
Đêm chập chờn, chẳng thể nào chợp mắt được. Tin lũ chồng lũ làm người dân trong thôn tôi thao thức. Không biết đến khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường, thương sao những tiếng thở dài, thương cả ánh mắt chẳng biết nhìn về đâu…
Hừng sáng, người dân miền Trung quê tôi lại nhìn xuống mực nước dưới chân, xem nước đã rút đi chút nào chưa? Và tay chân lóng ngóng, nghẹn ứ trong họng và tim quặn thắt khi thấy mây đen lại kéo về. Tôi đứng trong nhà nhìn theo những chiếc thuyền cứu trợ đi qua, những chiếc thuyền ấm áp nghĩa đồng bào vượt qua mưa lũ đem vật dụng thiết thực phát cho người dân quê tôi.
Nhận quà cứu trợ mà nước mắt rưng rưng, tự dưng lúc đó, tôi thấy ấm lòng đến lạ. Ít ra, chúng tôi không bị lãng quê, cái nghĩa đồng bào đã giúp chúng tôi vững tin vượt qua những ngày mưa lũ. Hình ảnh những cụ già thất thần nhìn dòng lũ cuốn phăng đồ đạc, hình ảnh của cô con gái nhỏ thó quặn mình trong mưa lũ, hình ảnh những người chiến sĩ hết lòng vì dân…
Hôm hay tin đoàn cứu hộ 13 người bị lũ ống lấp vùi và 22 cán bộ chiến sĩ hy sinh…Lòng quặn đau, mọi người im lặng nhìn nhau, mắt rưng rưng ngấn lệ. Sự mất mát quá lớn, lúc đó, tôi thấy thương người dân miền Trung mình quá đỗi…
Nước rút, ba mẹ gầy dựng từ đổ nát. Tôi và mẹ tìm lại những thứ còn dùng được rửa sạch. Ba cào bùn ra khỏi nhà, đứa em tôi ngồi trên ghế ngơ ngác nhìn mọi thứ xung quanh. Lâu lâu mẹ lại thút thít, ba ngơi tay nhìn mẹ cười mà như khóc “còn da lông mọc”.
Mọi người trong thôn lại động viên nhau, đứng dậy và vượt qua những ngày gian khó. Ba mẹ ăn vội chén cơm rồi lại tất bật với công việc dọn dẹp, đồng áng. Tôi đứng giữa ngổn ngang đất cát, chợt nhớ khoảng sân hoa vàng rực rỡ của mình. Sớm mai, nắng sẽ lại lên trên từng nếp nhà khói tỏa…
HUỲNH THỊ KIM CƯƠNG
Related posts:
- Đừng quá hoang mang!
- COVID-19 khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu trầm trọng hơn
- Áp lực ...về đích
- Em xứng đáng có được hạnh phúc!
- Bình Dương đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người
- Hạnh phúc gia đình xuất hiện "bóng đen"
- Những chuyến xe từ thiện
- Mẹ chồng thích kiểm soát, hay soi mói
- Công ty Bình Dương tặng 875 suất quà cho bà con khó khăn
- Cuộc đời em là do em chọn