Chú Đức Trung kính mến!
Nhà có hai chị em gái, má sinh cách nhau tới 10 năm. Là vì bố của cháu mất, mẹ đi bước nữa mới có thêm em. Rồi vì nhiều lý do khó nói, ba của em cũng không sống với mấy má con nữa. Dù là cùng má khác ba nhưng chị em chúng cháu thương nhau như chung một cội. Má con nương tựa quấn quýt bên nhau.
Cháu lập gia đình năm ba mươi tuổi, chồng cũng gia cảnh chật vật như cháu nên vợ chồng vẫn ở cùng với má, với em gái.
Em gái cháu học hành tới nơi tới chốn hơn cháu. Có bằng đại học. Thương má, thương anh chị, học xong trở về quê xin việc. Có việc làm ổn định và có người yêu khá giả, cùng quê cháu. Năm 27 tuổi thì em về nhà chồng, má và cháu mừng hết biết, nó đã đổi đời. Chồng nó kỹ sư cầu đường, anh cả của gia đình ba anh em trai. Có lẽ cái nghề của chồng nó là di động, xê dịch nên mới có cơ sự hôm nay chăng?
Bố mẹ chồng của em cháu thuộc loại khó tính một cách kỳ quặc. Còn hơn thời phong kiến. Hai con trai vẫn ở cùng, bố mẹ chưa nghỉ hưu, ai cũng đi làm, việc nhà đổ lên đầu con dâu hết cả. Lên cái lịch, sáng trưa chiều tối nhất nhất thực hiện. Bà mẹ có về sớm cũng nằm nghỉ chờ con dâu về cơm nước.
Là con gái của má nên em nó làm được hết mọi việc, không nề hà không kêu ca. Nhưng không có chồng ở nhà thường xuyên, nó buồn mà không dám về kể với má và chị, em gái của cháu sinh ra trầm cảm.
Bốn năm rồi mà không bầu bì gì cả. Bỗng dưng nó bùng nổ, đòi bỏ chồng, đòi về lại nhà. Bỏ không phải vì vợ chồng quá hục hặc mà vì nhà chồng. Chuyện đang dừng lại ở mức này. Cháu muốn nghe ý kiến của chú Đức Trung. Cảm ơn chú.
CHÁU GÁI
Cháu thân mến!
Phải nói ngay, hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình vẫn quan niệm con trai cả con dâu cả là phải ở chung với bố mẹ, phải gánh vác toàn bộ công việc nhà chồng. Có lẽ vì thế mà em cháu là dâu cả phải ở chung với bố mẹ chồng, để tập gánh vác, dần dần quán xuyến công việc nhà chồng. Cũng có thể là vì chồng của em cháu hay đi vắng, dâu ở cùng bố mẹ cho ấm, cho vui với nhau, mà cũng để…nhiều lý do khác nữa. Họ nghĩ điều đó đều muốn tốt cho hai bên. Rồi cũng nhiều gia đình thời nay học phong kiến (học mót phong kiến mà thôi) một cách buồn cười, cho nên họ hành xử nửa vời, mà cái gì nửa vời cũng thấy ghét, thấy chướng.
Chắc chắn chồng luôn vắng nhà mà vợ thì trẻ, vợ làm dâu như thế, vợ rất cần chồng hôm sớm an ủi, chia sẻ, che chắn, mật ngọt, cân bằng. Để đến mức trầm cảm nghĩa là đã tổn thương tâm lý và thần kinh. Không có bầu được, một phần chồng hay vắng, phần nữa, do tâm lý và cũng đến tầm ba mươi là khó đấy.
Em gái cháu muốn giải thoát, giải như thế nào? Ở riêng, được không? Việc này, chồng em ấy phải suy tính, cùng giải quyết với vợ. Má cháu và vợ chồng cháu góp lời, giúp công, tùy theo khả năng. Công việc của em vẫn phải duy trì. Để đến mức trầm cảm lâu dài sẽ mất việc, sẽ thành gánh nặng cho gia đình.
Và cũng nên đưa em đi khám bệnh nếu nó trầm cảm nặng. Đừng hoảng mà cũng đừng cập rập rồi hư bột hư đường hết. Cũng đừng kéo đến nhà người ta rồi cãi nhau, xúc phạm nhau. Cứ để từ từ, khuyên em nên bàn với chồng và tìm ra cách êm ái nhất, hợp lý nhất. Chúc các cháu thành công!
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Hỗ trợ đào tạo nghề trong dịch Covid-19: Tối đa 9 triệu đồng trong sáu tháng
- Con cái hậu ly hôn
- Hãy cho người cũ vào dĩ vãng
- Nhà vườn thu hẹp sản xuất hoa Tết
- Tình yêu xuyên biên giới
- Quỹ vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận 7.807 tỷ đồng
- Thấp dễ kê cao, hơn là cao mà ta phải ngước nhìn!
- Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Mở lối khát vọng làm giàu
- Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ phòng dịch nơi làm việc
- Hãy bắt đầu bằng sự đồng cảm, đừng chỉ trích!