CSVN – Với tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, sau một thời gian nghiên cứu, đầu tư và bắt tay vào triển khai thực hiện, Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm chính thức hoạt động.
Tổ hợp 4F giải quyết được các vấn đề nan giải của chăn nuôi hiện nay
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất các dòng phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho bà con nông dân, những năm trở lại đây, Tập đoàn Quế Lâm còn sản xuất các sản phẩm nông sản hữu cơ. Đồng thời chủ động liên kết, hợp tác với các cơ quan chuyên ngành để xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất hữu cơ. Trước đó, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ của Quế Lâm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân các tỉnh thành trên cả nước.
Với những hiệu quả thiết thực mang lại như: hiệu quả kinh tế cao, giá trị bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người, môi trường trong lành… đã có nhiều tổ chức, các tỉnh thành chủ động đến tìm hiểu và kết nối, ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ. Nổi bật là mô hình trồng lúa hữu cơ, nuôi heo hữu cơ (Thừa Thiên – Huế), thanh long hữu cơ (Long An), hành tím hữu cơ (Sóc Trăng)…
Cả cuộc đời đau đáu, tâm huyết với mong muốn đóng góp công sức vào sự nghiệp nông nghiệp nước nhà, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và quyết tâm rất lớn trong việc tổ chức triển khai thực hiện Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed -Ferlitizer). Đây là dự án tiên tiến đầu tiên có mặt tại Việt Nam được thực hiện theo khái niệm “Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” trong thế kỷ XXI.
Ông Nguyễn Thanh Vĩnh – TGĐ Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Đây là một công trình độc đáo, tiên tiến nhất mà Tập đoàn có được. Quế Lâm hy vọng tổ hợp 4F sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ để nông hộ, các thành phần khác tham quan học hỏi, nhân rộng và là trường học thực tiễn để sinh viên, học sinh nghiên cứu thực tập. Dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F sẽ cùng một lúc giải quyết được vấn đề nan giải của chăn nuôi hiện nay đó là dịch bệnh, môi trường và thị trường, hội nhập quốc tế”.
Cụ thể, Quế Lâm sẽ xây dựng nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất 50.000 tấn/ năm, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm phục vụ chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học do chính nông dân Việt Nam chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, Quế Lâm sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh nhằm thu gom phế phẩm, chất thải trong trang trại và các địa phương xung quanh để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho trồng trọt, góp phần xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường.
Dự án được xây dựng trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, sẽ hoàn thành vào năm 2021. Đây là cơ sở sản xuất giống, nhà máy sản xuất men, sản xuất thức ăn. Đồng thời là trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân rộng mô hình ra các địa phương của tỉnh Thừa Thiên – Huế và cả nước, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, tái đàn sớm đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho xã hội.
Hiện tại, trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại tổ hợp được xây dựng khang trang, hiện đại, tự động hóa trong khâu chăn nuôi, có quy mô nuôi từ 8.000 – 10.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái phục vụ việc tái, phát triển đàn cho trang trại lợn của Quế Lâm, nông hộ liên kết. Đây là hạng mục đầu tiên được hoàn thành của dự án. Mô hình chăn nuôi này hoàn toàn theo phương pháp an toàn sinh học, trong đó công nghệ lõi chính là men vi sinh do Quế Lâm chuyển giao công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản.
Mở ra cục diện mới cho ngành nông nghiệp nước nhà
Dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn của Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2020, cả nước đạt 24,9 triệu con, tương đương trên 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi chiếm khoảng 35% đã có mức tăng trưởng cao 68% và hiện có tổng đàn lợn thịt đạt trên 4 triệu con. Tuy vậy, từ tình hình thực tế cho thấy chăn nuôi lợn nhỏ ở các hộ còn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng thì phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Đây là mối quan tâm của lãnh đạo ngành nông nghiệp, các sở ban ngành và bà con nông dân.
Tại các buổi Hội thảo chuyên đề và định hướng phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhấn mạnh vai trò của chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể: “Các địa phương cần đẩy mạnh nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong việc tăng đàn, tái đàn. Cùng với đó là việc thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là yêu cầu đặt ra nhằm nâng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi nước nhà, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ”.
Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua Tập đoàn Quế Lâm đã quyết tâm đẩy mạnh sản xuất hữu cơ trên nền tảng những kết quả bước đầu được xã hội ghi nhận từ những mô hình trước đó. Và tổ hợp 4F là sản phẩm kết tinh của tập thể CB.CNV Tập đoàn, dưới sự hỗ trợ, quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ của các cơ quan ban ngành.
Phát biểu tại lễ ra mắt dự án, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Đây là một dự án rất quan trọng, mở ra cục diện mới cho ngành nông nghiệp. Tập đoàn Quế Lâm và ông Nguyễn Hồng Lam đang tiên phong phục vụ cho chủ trương một nền nông nghiệp hữu cơ. Dịch tả lợn Châu Phi đã tàn phá đàn lợn, khiến ngành kinh tế lợn của thế giới xiêu điêu. Ở Việt Nam, sau năm 2019 tổng đàn mất 6 triệu con trong tổng số 38 triệu con. Hiện tại, ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phục hồi, vấn đề ở chỗ, ở khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp lớn đảm bảo được an toàn sinh học, nhưng quan trọng nhất là khu vực hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65%) thì hiện nay tái đàn rất khó khăn do giống đắt và vấn đề an toàn dịch bệnh. Chính mô hình của Quế Lâm đã giải quyết được câu chuyện đó”.
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất an toàn, có hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường. Và Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm là một trong số các dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn. Dự án đã tiên phong trong đổi mới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh”.
HOÀNG THƠ
Related posts:
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng (kỳ 3)
- Tự tin, vững bước vào nhiệm kỳ mới
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Quỹ khuyến học 28/10 - nhân văn và lan tỏa
- Nông trường Lai Uyên, Cao su Phước Hòa: Hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản lượng năm 2021
- Cao su Mang Yang khen thưởng đoàn thợ giỏi
- Công nghệ chẩn đoán bệnh rễ trắng trên cây cao su dựa trên phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo ...
- Cây giống cao su Tây Nguyên "sốt" bất thường
- VRG đạt 3 giải bạc tại Hội diễn nghệ thuật kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại d...
- Thường xuyên khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phòng chống dịch