CSVN – Xuất phát từ việc nhằm tiết giảm suất đầu tư, định mức lao động cho cao su chăm sóc, anh Trần Bá Long – Tổ trưởng tổ 3, Nông trường Đăk H’rin, Cao su Kon Tum đã chế tạo thành công chiếc máy bón phân nâng cao hiệu quả trong công việc.
Ý tưởng nảy sinh từ áp lực công việc
Chia sẻ về ý tưởng tạo ra chiếc máy bón phân, anh Trần Bá Long – Tổ trưởng tổ 3, Nông trường Đăk H’rin – Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho hay: “Xuất phát từ việc có quá nhiều áp lực trong công việc, việc giao định mức lao động/ha cao su KTCB thấp, nhưng công việc phải hoàn thành và đảm bảo đúng theo tiến độ mùa vụ đã thôi thúc tôi mày mò, tìm kiếm cách làm khác sao cho công việc hiệu quả hơn và chiếc máy bón phân ra đời là kết quả của một năm mày mò nghiên cứu”.
Chiếc máy gồm các bộ phận: Khung máy bằng sắt được gia cố chịu lực, thùng chứa phân làm bằng sắt, có thể chứa được trên 100 kg. Ở phía dưới của chiếc thùng được gắn một cái chảo rạch, ống bón phân ở giữa và chảo lấp sau cùng được thiết kế theo phương thẳng xuống đất.
Máy hoạt động phải kết nối với động cơ của đầu kéo, trên thùng gắn một trục xoắn với độ dài gần bằng chiếc thùng có tác dụng vừa trộn phân trong quá trình di chuyển và làm nhiệm vụ đưa phân đã trộn xuống ống dẫn phân. Cơ cấu chuyển động của trục trộn trực tiếp với động cơ của đầu kéo và có thể điều chỉnh lượng phân theo ý muốn do 2 lao động phụ ngồi phía cuối thùng. Khi máy hoạt động, có thể điều chỉnh độ sâu, cạn của rãnh bón phân nhờ vào 2 chảo rạch và lấp.
Anh Long cho biết thêm: “Từ lúc có ý tưởng đến khi đi vào làm thử nghiệm thì tôi chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật 2 lần, đó là thay từ lưỡi cày bằng chảo rạch và thay trục xoắn trộn phân có lưỡi xoắn. Điều tôi còn áy náy là vẫn chưa thể hoàn thiện hơn do vẫn phải còn sử dụng trục quay gắn trực tiếp với đầu máy kéo nên tốc độ trục quay và lượng phân rải xuống phụ thuộc vào tốc độ ga của thợ lái máy và phải sử dụng thêm 2 lao động phụ để điều chỉnh lượng phân và độ sâu của đường rạch”.
Bên cạnh đó, chiếc máy bón phân này vẫn còn hạn chế lớn đó là chưa thể bón phân cho cao su khai thác, theo lý giải của anh Long thì, trên vườn cây khai thác của nông trường, cũng như của công ty hiện nay có rất nhiều hố tích mùn. Trong khi đó xe và thùng chứa phân là 2 phần riêng biệt, không giống như loại máy phun phấn trắng có thể nhấc bổng phần sau lên khi gặp hố tích mùn và “tổ hợp” này còn dài nên khó quay đầu.
Để cho ra đời “đứa con tinh thần” của mình, anh Long đã mất gần một năm mày mò thử nghiệm. Theo anh, trong quá trình chế tạo, công đoạn khó nhất là làm sao cho thiết bị tự trộn được các loại phân đơn mà không bị dính, bởi phân u rê kết hợp với phân lân dễ tạo thành dạng dẻo.
Do lần đầu thử nghiệm, nên việc còn nhiều hạn chế là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, anh Long cũng khẳng định: “Đã làm là phải thành công”. Dù mới thử nghiệm việc bón phân bằng máy trên diện tích 117 ha KTCB đầu tiên, nhưng sáng kiến của anh Long đã được lãnh đạo công ty đánh giá cao.
An toàn sức khỏe, giảm chi phí sản xuất
Theo tính toán của anh Long thì công suất của chiếc máy này có thể đạt từ 2 – 2,5 ha/giờ tùy theo địa hình, địa hình càng bằng phẳng và hàng cao su càng dài thì hiệu quả càng cao. Chiếc máy này có công suất cao hơn rất nhiều so với cách làm thủ công, bởi theo ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ công ty, mỗi lao động 1 ngày chỉ có thể bón được 0,7 ha cao su KTCB, trong khi đó chiếc máy này có thể bón được trên 20 ha/ngày và có thể đạt công suất cao hơn nếu gặp vườn cây có địa hình bằng phẳng. Do vậy, với việc sáng chế được chiếc máy bón phân này đã làm lợi cho nông trường rất nhiều.
Sau một thời gian chạy thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thực tế, anh Long cho biết: “Máy có nhiều ưu thế như: Sau khi bón, phân được lấp kín hoàn toàn ở một độ sâu nhất định, do vậy không sợ bị nước mưa làm trôi. Cũng nhờ đó, cây cao su hấp thụ hoàn toàn lượng phân bón, tránh thất thoát ra môi trường. 2 chiếc chảo được gắn dưới thùng phân không làm đứt rễ nhiều như rải phân bằng tay, sau đó dùng cuốc để lấp”.
Chiếc máy này có thể bón các loại phân đơn riêng lẻ hoặc có thể bón phân hỗn hợp NPK. Kết quả ứng dụng ban đầu cho thấy, máy bón phân cho cây cao su do anh Long sáng chế đem lại nhiều lợi ích, vừa tiện lợi lại an toàn về sức khỏe cho người bón phân mà lại giảm chi phí sản xuất. Trước đây, việc bón phân cho cây cao su thường chỉ dùng tay. Với cách làm này, công suất thấp và nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động.
Về chi phí để tạo ra chiếc máy bón phân, anh Long cho hay: “Tôi tin tưởng sẽ thành công khi chế tạo ra chiếc máy này nên bỏ tiền túi ra làm trước, nếu thành công thì nông trường sẽ thanh toán lại tiền công bón phân cho tôi thay vì trả công cho công nhân và công thời vụ. Tổng số tiền để hoàn thiện máy bón phân là 20 triệu đồng, sau này khi nông trường tái canh nhiều tôi sẽ đầu tư thêm vài chiếc, đến mùa bón phân sẽ thuê thêm đầu kéo. Việc bón phân toàn diện tích của nông trường có thể do một đội của tôi thực hiện, đảm bảo đúng, đủ và chất lượng theo yêu cầu của lãnh đạo nông trường, công ty”.
Theo ông Trương Văn Xay – Giám đốc Nông trường Đăk H’rin thì: “Có chiếc máy bón phân này, thời gian tới nông trường sẽ chủ động được công việc bón phân. Hiện toàn nông trường có 1.270 ha, trong đó mới chỉ tái canh 117 ha nên cơ hội để sử dụng chiếc máy này là rất lớn”.
Trong điều kiện tiết giảm suất đầu tư và khó khăn như hiện nay, sự thiếu hụt lao động thời vụ, sự tranh chấp lao động đến từ công việc khác, hơn nữa năng suất lao động cho 1 người/ngày/ha cũng không đạt so với ngày công nên cũng không thu hút được lao động tham gia bón phân. Do vậy, chiếc máy do anh Long sáng chế là giải pháp hết sức cần thiết và hữu ích cho các đơn vị trong vụ mùa bón phân.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Áp dụng cơ giới hóa yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế
- Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ phòng dịch nơi làm việc
- Ước vọng năm mới 2021: Thành công, sung túc, phát triển
- Công tác phối hợp giữa VRG và địa phương ngày càng tốt hơn
- Các đơn vị thuộc VRG tại Campuchia quyết tâm hoàn thành vượt cao nhất kế hoạch năm 2023
- Bình tĩnh ứng phó, chủ động phương án trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
- Cao su Dầu Tiếng nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực V
- 3 nhiệm vụ đột phá nâng cao đời sống công nhân, người lao động
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II