CSVN – Nắng hạn kéo dài, chưa năm nào mùa khô Tây Nguyên lại kéo dài đến như vậy, những triền đồi cà phê héo lả, khe suối, ruộng nương, nhiều nơi khô cạn, không đủ nước tưới. Chỉ có nắng và nắng! Ánh nắng chói chang xuyên thấu da người…Nắng kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành cao su nói riêng.
Đã vào mùa cạo, thế mà người công nhân khai thác phải chờ, phải đợi, đợi trời mưa xuống,…khi đặc thù của nghề cạo mủ, 50% yếu tố phụ thuộc vào thời tiết. Nhất là khi vào đầu mùa, những lớp lá non đang bắt đầu hình thành, cây cần lắm những trận mưa để bộ lá được ổn định. Nếu không có mưa, cộng thêm nhiệt độ tăng, nắng nóng sẽ làm cây mất sức, gián đoạn quy trình sinh lý.
Nếu như mọi năm, tháng năm về cũng là lúc trên các vườn cây rộn ràng tiếng nói cười của công nhân khai thác. Đó là thời điểm đã bước vào mùa cạo chính, vậy mà năm nay nhiều tổ đã phải dừng cạo, hoặc chuyển sang chế độ cạo D5, D6… Thời tiết không chiều lòng người, dịch bệnh, khô hạn thử thách ý chí, nghị lực của người lao động.
Với những diễn biến bất thuận của thời tiết, ngoài nỗi “khát” giá nay đối với người lao động lại thêm “khát” mưa – Không có mưa, cây không thể cho mủ và như thế đồng nghĩa với việc không có việc làm. Người công nhân thấp thỏm trong lo âu vì mỗi tháng đồng lương họ mang về quá ít ỏi. Gánh nặng mưu sinh, chi phí đi lại…đời sống công nhân đã khó trong mùa dịch Covid-19, nay lại hạn hán kéo dài, đã khó lại càng thêm khó.
Chị Vũ Thị Điệp, công nhân tổ 1, Nông trường Cao su K’dang, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang trải lòng: “Nhiều khi cũng nản lắm, ngày nào đi cạo chỉ có vài ký mủ bèo để khô rồi bọc lại, dồn lại vài ngày mới nộp. Còn những ngày nghỉ, lại tranh thủ về nhà phụ làm thêm vườn, kiếm thêm thu nhập. Được thêm chút tiền để đổ xăng, thôi, đành ngồi chờ mưa…”.
Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của người công nhân cao su mà là nỗi lòng “khát mưa” của biết bao người làm nông nghiệp khi hạn hán vẫn kéo dài và Tây Nguyên vẫn “khát nước”.
Vào buổi trưa, cái nắng nóng khét lẹt như muốn thiêu cháy vạn vật, hầu như chẳng ai muốn ra khỏi nhà, ngoài đường chỉ thấy những gốc cây im lìm mong đợi những ngọn gió mồ côi, ta có thể dễ dàng bắt gặp những đàn bướm kéo nhau bay xuống khe ruộng tìm nước… Và có lẽ vạn vật cũng có chung tâm trạng giống con người: Mưa ơi, cần lắm rồi!
Giá như có vài trận mưa xuống. Giá như những đồi cây cao su kia được hồi sinh, không còn rụng lá. Giá như những chiếc lá đừng rời bỏ thân cây và vẫn xanh như thuở ban đầu… Mong ước quá đỗi bình thường tưởng dễ thực hiện nếu chỉ cần có mưa!? Vậy mà tất cả vẫn là mơ ước! Những người thợ khai thác lại tự động viên, vận lên trong mình một sức mạnh. Vì chỉ cần có hy vọng thì ta lại có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn.
Trong những rừng cao su “khát nước” kia, những khó khăn như tôi luyện ý chí và sức chịu đựng của con người. Cái nắng tháng năm bỏng rát vẫn không làm giảm đi ý chí lao động hăng say của công nhân cạo mủ, vì họ đang nhân lên tình yêu lao động trong thời điểm đầy ý nghĩa: Hoạt động Tháng công nhân – Tri ân người lao động một nắng hai sương đang diễn ra trên khắp các vùng miền -Tháng tôn vinh những màu áo xanh người thợ. Không ai bảo ai, nhưng chắc hẳn trong những ánh mắt ngời sáng kia vẫn sáng lên niềm tin mãnh liệt vào ngày mai và dù khó khăn hiện hữu vẫn một lòng tâm huyết, thủy chung với nghề đã chọn.
Mưa ơi, cần lắm rồi! Những cây cao su vẫn ngóng chờ trong khao khát.
ĐỖ THỊ NGUYÊN
(Cao su Mang Yang)
Related posts:
- Hội thao khu vực II: Cao su Chư Păh nhất toàn đoàn
- Khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của VRG
- 70 cầu thủ tham gia giải bóng đá mini Cao su Đồng Phú
- Bí quyết trở thành "siêu nhân" của Novak Djokovic
- Mùa cạo mới trên địa bàn Tây Nguyên: Thời tiết chưa thuận lợi
- Đồng chí Đỗ Anh Minh đắc cử Bí thư Chi bộ Cao su Hà Giang
- Đặt trọn niềm tin
- Tặng em gái Cao su Lai Châu
- Niềm tin về một vùng đất