CSVNO – Ngày 25/3, Khối thi đua số 3 trực thuộc Công ty Cao su Lộc Ninh đã tổ chức dâng hương tại công viên 25/3 nhằm báo công, ôn lại truyền thống kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống công ty (25/3/1973-25/3/2020).
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, của ngành cao su, trong chặng đường 47 năm qua, Cao su Lộc Ninh đã trưởng thành và không ngừng phát triển. Những thành quả mà các thế hệ CB.CNVC – LĐ công ty qua các thời kỳ đã tạo dựng để tiếp tục nỗ lực đưa công ty đạt đến những thành tựu mới, xứng đáng với truyền thống và công sức của các thế hệ cha anh đi trước đã dày công xây dựng.
Tiền thân là đồn điền cao su công ty CEXO của tư bản Pháp, được thành lập từ năm 1909. Những công nhân đầu tiên của đồn điền là những người nông dân từ khắp mọi miền được thực dân Pháp mộ phu về khẩn hoang, trồng, chăm sóc cao su, đó cũng là những người công nhân cao su đầu tiên của Việt Nam.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh, sau khi Lộc Ninh được giải phóng vào tháng 4/1972, ngày 25/3/1973 Đồn điền cao su Lộc Ninh được Ban cao su Nam Bộ tiếp quản, là đồn điền cao su được tiếp quản sớm nhất ở Nam Bộ. Được tiếp quản từ một cơ sở chế biến mủ cũ kỹ, bị bom đạn tàn phá, toàn bộ diện tích vườn cây còn sót lại đầy rẫy bom mìn của hai cuộc chiến tranh tiềm ẩn những hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào.
Vừa sản xuất, vừa phải hứng chịu bom đạn của Mỹ – Ngụy, cán bộ quản lý lãnh đạo là những đồng chí từ trong kháng chiến ra chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý và chuyên môn, kỹ thuật. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, gặp nhiều khó khăn nhất là lương thực, thực phẩm, điện, nước, giao thông… đây được coi là thời kỳ ác liệt, đầy cam go thử thách đối với công nhân cao su Lộc Ninh.
Nhưng với tinh thần quyết tâm, những người cán bộ lãnh đạo đầu tiên, những người công nhân Cao su Lộc Ninh ngày ấy vẫn dũng cảm bám trụ nhà máy, vườn cây, tổ chức rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, tuyển dụng công nhân, kiên trì sữa chữa phục hồi lại hoạt động của nhà máy và sản xuất ra những tấn mủ Crepe đầu tiên cho chính quyền cách mạng.
Thế hệ CB.CNVC – LĐ công ty tự hào rằng dù trong gian khó, khắc nghiệt, dù thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng các thế hệ cha anh đi trước đã từng ngày, từng ngày vượt qua mọi khó khăn, cùng sát cánh xây dựng và phát triển công ty, khơi những dòng nhựa trắng phục vụ cho cách mạng, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng giải phóng.
Những vườn cao su bạt ngàn, những cán bộ kỹ thuật với nhiều sáng kiến trong lao động, những đoàn viên thanh niên hăng hái lao động sản xuất, những kiện tướng khai thác mủ, những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một công trình sản xuất…tất cả những hình ảnh đó là minh chứng rõ nét để chúng ta có thể hình dung về khí thế thi đua lao động sôi nổi và tinh thần quyết tâm của các thế hệ đi trước trong quá trình 47 năm xây dựng và phát triển công ty.
Đó thực sự là những mốc son đánh dấu sự lớn mạnh về lượng và sự chuyển biến về chất trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Người công nhân cao su hôm nay đã có cuộc sống ấm no, đầy đủ, con cái được học hành, được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, đã làm chủ cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.
Với mục tiêu “Năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm đa dạng, không ngừng cải tiến, phát triển bền vững” cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự phấn đấu nỗ lực của tập thể CB-CNVC-LĐ, hôm nay dù gặp không ít khó khăn nhưng công ty đã gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương và xây dựng tập đoàn công nghiệp cao su ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: CTV
Related posts:
- Cao su Đồng Nai (2/6/1975 - 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triể...
- Kỹ sư trẻ đam mê đưa khoa học vào thực tiễn
- Nữ "thủ lĩnh" công đoàn hết lòng vì người lao động
- Ngô Thị Nga - người nói ít làm nhiều
- 5 năm liền khai thác vượt sản lượng trên 13%
- Chuyện về một Bàn tay vàng là cử nhân
- Kiện tướng Hồ Đình Hùng: Hội thi nào cũng đạt giải!
- Trần Khắc Đoàn - Giải nhất Bàn tay vàng Cao su Bình Long: Quán quân 2 kỳ liên tiếp
- "Đi đâu xa cũng không bằng cao su gần nhà"
- "Mô hình trồng hàng kép cần phải thể chế hóa bằng quy trình kỹ thuật"