CSVN – Tôi là một độc giả trung thành của tờ Cao su Việt Nam, bởi tờ báo ngành có nội dung gần gũi, thiết thực; và còn bởi là công nhân cao su nơi vùng sâu vùng xa Tây Nguyên, thật tình cũng khó kiếm được báo khác để đọc.
Nhưng có một điều không chỉ riêng tôi mà nhiều công nhân cũng lấy làm phiền. Ấy là không hiểu vì sao mà tờ báo ngành xuống đến nông trường tôi được phát đến tổ công nhân quá chậm. Báo nhận về, cứ để trong kho, đến nửa tháng, thậm chí cả tháng sau mới phát, làm công nhân ăn “báo nguội” dài dài.
Nhưng công nhân chúng tôi vẫn động viên nhau “có còn hơn không”, vì ngoài một số tin nguội đã hết tác dụng, thì cũng còn nhiều bài viết bổ ích có thể đọc dài dài. Trong đó, tôi thích nhất là các bài viết về gương người tốt việc tốt, qua đó mà được biết thêm nhiều khía cạnh tốt đẹp của công nhân mình, tạo nên nguồn cảm hứng sống vô tận.
Và cũng chính từ nguồn cảm hứng này mà tôi từ “độc giả” bỗng muốn trở thành “tác giả”. Tôi nghĩ mình cũng có thể viết một bài người tốt việc tốt gởi về cho tạp chí. Và từ trong sâu thẳm tâm hồn thôi thúc, người mà tôi chọn để viết chính là Hoàng Tâm, cô thợ cùng tổ mà tôi luôn hướng về từ mấy năm nay. Hoàng Tâm không đẹp nhưng rất có duyên, “lợi hại” nhất là lúm đồng tiền bên má trái cứ thoắt ẩn thoắt hiện mỗi khi cô cười, khoe ra hàm răng trắng đều sau bờ môi mọng thắm. Cô ấy không có “chân dài”, nhỏ bé nhưng thon thả khỏe mạnh, có lẽ nhờ lao động đều đặn trên vườn cây. Có ba điểm đặc biệt của cô thợ đã gây ấn tượng mạnh cho tôi: một là ăn nói có duyên, cư xử dịu dàng, lễ phép; hai là có tay nghề cạo mủ rất cao, vừa đoạt Bàn tay vàng trong Hội thi thợ giỏi cấp Công ty; và ba là sẵn lòng chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp gặp khó. Cuối năm, nhà chị Ngọc Liên bất cẩn để xảy ra hỏa hoạn, Hoàng Tâm đã trích một nửa từ số tiền thưởng 20 triệu đồng để hỗ trợ, góp phần dựng lại mái nhà cho gia đình chị Liên kịp đón Tết.
Tôi đã bỏ ra ba đêm miệt mài để viết một bài về Hoàng Tâm với tựa đề “Bàn tay vàng, quả tim vàng”. Tôi không cần phải gặp đối tượng để “phỏng vấn” như các phóng viên thường làm, vì qua mấy năm gần gũi, tôi đã quá hiểu về Hoàng Tâm, thêm nữa là tôi muốn dành cho cô ấy một sự bất ngờ. Đọc được lời nhắn “Mời cộng tác báo Xuân” trên Cao su Việt Nam, tôi đã gởi bài về cho tạp chí. Tôi mơ, nếu mà bài của tôi được đăng, tôi sẽ gởi tặng Tâm một tờ báo, với hy vọng đó sẽ là món quà tặng tình yêu mà em ưng ý nhất trong mùa Xuân này.
Bài gởi đi rồi thì thấp thỏm chờ mong, không biết là bài của mình có được “chiếu cố” không nữa. Nỗi “thấp thỏm chờ mong” lên cao trào qua từng ngày từng ngày khiến tôi đánh bạo gọi điện về tòa soạn hỏi thăm sau hơn ba tuần gởi bài.
Sau mấy hồi chuông reo thì phía bên kia nhấc máy. Một giọng nữ nhẹ nhàng cất lên:
- Thưa tòa soạn Tạp chí Cao su nghe đây ạ. Tự dưng mà tôi thấy lúng túng, lập bập:
- Thưa… tôi là Nguyễn Văn Bi, công nhân Nông trường Cao su Cao Nguyên… tôi muốn hỏi thăm về một bài viết tôi đã gởi cho số báo Xuân Cao su mình…
- Dạ, chiều nay các anh trong tòa soạn bận họp cuối năm cả rồi… Vậy sáng mai anh gọi lại nhé…
- Ồ, tiếc quá nhỉ! Mai sáng tôi lại phải đi cạo rồi… Mà, mà điều tôi định hỏi cũng không phức tạp gì đâu, tôi chỉ muốn hỏi bài viết của mình gởi có được đăng không ấy mà?
Từ đầu máy bên kia, cô gái có giọng nói êm ả dễ thương chợt rộn rã:
- À, vì là nhân viên trình bày báo nên em có thể biết… Mà bài của anh có tựa đề là gì?
- Thưa bài “Bàn tay vàng, quả tim vàng” ạ. Cô nhân viên thiết kế nói như reo:
- A! Bài này có đăng trong số báo Xuân Canh Tý 2020 này… Các anh biên tập khen bài viết dữ lắm, còn dặn em phải trình bày cho thật đẹp vào, vì đó là bài viết của công nhân trực tiếp gởi về.
Tôi nghe mà như mở cờ trong bụng. Vậy đúng là Xuân này tôi có món quà tặng tình yêu tuyệt vời rồi. Tôi nói lời cảm ơn cô thiết kế rồi hào hứng xin cô cho biết quí danh. Cô gái nhỏ nhẹ:
- Dạ, em là Khương Nhi ạ.
***
Chiều 23 Tết, qua nghe ngóng, thăm dò liên tục, tôi biết được tờ Tạp chí Cao su Việt Nam Xuân Canh Tý 2020 đã về đến nông trường. Tôi định bụng khi báo phát xuống tổ, sẽ xin tổ trưởng một cuốn để làm quà tặng Hoàng Tâm.
Tờ báo Xuân làm quà tặng mùa Xuân, tôi định trao cho Hoàng Tâm đúng vào ngày mùng một Tết này. Ôi, ôi, lòng tôi ngân lên bao cung đàn rộn rã khi tưởng tượng ra gương mặt bầu bĩnh của Hoàng Tâm, lúc nhận được tờ báo có bài viết của tôi, chắc chắn cô ấy sẽ nở một cười thắm tươi đong đầy bao ước vọng.
Nhưng mộng ước của tôi gần như tan vỡ, vì đến nay đã 27 Tết rồi mà nông trường vẫn… lưu kho, chẳng quan tâm gì đến việc phát báo cho công nhân đọc. Tình hình chắc phải đến sau Tết, đến rằm tháng Giêng mới hy vọng có báo! Tôi buồn bã lang thang đến một quán cóc gần nhà kho nông trường, kêu một xị đế giải sầu.
Tôi mới uống được vài ly thì thấy anh Lê Văn Rí tức thủ kho Bảy Rí từ nhà kho đi dần tới quán cóc. Chúng tôi có biết nhau nên tôi nâng ly mời “xã giao” Bảy Rí, nào ngờ có lẽ do đang trống trải nên anh vui vẻ sà vào. Chiều muộn ở vùng cao su vắng vẻ tạo nhiều cảm giác cô đơn dễ làm cho người ta muốn được gần nhau mà sẻ chia, tâm sự.
Bảy Rí – gã “trung niên thủ kho” cỡ trên dưới bốn mươi, người thấp đậm, khuôn mặt chữ điền đen sậm tôn lên hai con mắt sáng quắc cứ lia qua đảo lại, làm cho anh ta luôn đậm nét dữ dằn.
Bảy Rí nốc xong ly rượu làm thân rồi hất hàm, hỏi:
- Sao, năm nay mày vượt nhiều không?
- Dạ cũng được trên một tấn, anh Bảy.
- Vậy là ngon rồi, Tết này lãnh thưởng ấm rồi.
Nói qua nói lại một hồi, tôi bắt đầu xoay hỏi Bảy Rí về Tạp chí Xuân Cao su. Bảy Rí cười khà khà, mặt nhăn lên sau hớp rượu đầy:
- Rồi, nông trường mình nhận rồi, 100 cuốn, tao nhập kho hôm đưa ông Táo về trời. Mà tới nay 27 Tết rồi cũng chả thấy cha nào tới nhận để phát xuống các tổ. Điệu này chắc vì mải lo Tết nhứt nên chẳng ai quan tâm tới báo chí, có lẽ để ra Giêng mới tính tới quá!
Tôi vò đầu, đánh bạo:
- Anh Bảy ơi, anh cho em xin trước một cuốn về đọc cho ấm ba ngày Tết được không, anh Bảy?
Bảy Rí trợn hai con mắt sáng quắc nhìn tôi cùng cái đầu lắc lư lia lịa:
- Đâu có được, mậy!… Mấy ổng khi giao kêu tao đếm đủ 100 tờ, có ký nhận đàng hoàng, giờ mà xảy ra mất mát là tao… đi đứt!
Tôi vô cùng thất vọng khi không thể dùng “tình cảm” được với Bảy Rí. Cùng men rượu bừng bừng, trong cái đầu óc tù mù của tôi chợt lóe lên một ý nghĩ táo bạo: mình kêu thêm rượu cho gã thủ kho ngất ngư để khi anh ta về đến kho thì chỉ còn biết có… ngủ, rồi mình sẽ tìm cách đột nhập vào kho, lấy báo. Tôi cười ruồi: mình là kẻ trộm… lương thiện, chỉ lấy đúng một tờ để làm quà tặng thôi… Nghĩ tới vẻ mừng vui, sung sướng của Hoàng Tâm khi nhận được món quà Xuân đầy ý nghĩa, sự can đảm trong tôi như đã được gia cố tới mức vững chãi nhất.
Bảy Rí lè nhè:
- Thôi, tụi mình ngưng ở đây được rồi,
Tao về đây, từ từ rồi anh em mình gặp lại.
Bảy Rí bước liêu xiêu ra khỏi quán. Tôi bước theo anh ta vài bước rồi dừng lại quan sát. Trong phút chốc, bóng Bảy đã khuất dần vào khu nhà kho. Tôi móc điện thoại coi giờ. Mới tầm sáu giờ chiều mà ở vùng cao su, trời đã tối đen. Tôi định bụng chờ cho gã ngủ say, khoảng chín mười giờ gì đó sẽ lẻn vào cho chắc ăn. Vì còn sớm nên tôi ẩn vào một lô cao su phía sau nhà kho, lấy điện thoại ra chơi game, chờ đợi… Được một lát thì mắt tôi díp lại, lại thêm gió đêm mơn man ve vuốt nên tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Tôi tỉnh lại khi trời đã le lói sáng trong tiếng gà lảnh lót đầu ngày. Đưa hai tay vỗ đôm đốp vào đầu, tôi tự trách mình và lại thêm một lần trong đời đổ thừa cho rượu.
Nhìn qua khoảng sân nhà kho, tôi thấy Bảy Rí đang vươn tay vươn chân trong bài thể dục buổi sáng đầy khí thế!
***
Việc trộm một tờ báo Xuân để làm “quà tặng tình yêu” của tôi – dù rất quyết tâm nhưng đã thất bại thảm hại!
Vậy thì làm sao để tôi có thể thực hiện giấc mơ tình yêu của mình vào dịp tết này đây? Đó là câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày này. Tôi có nghe biết mỗi tác giả ngoài nhuận bút còn được tặng một tờ báo biếu khi đến tòa soạn ký nhận. Nhưng tôi đang ở Tây Nguyên, việc thu xếp về thành phố trong mấy ngày cận Tết này là không khả thi rồi. Chắc là đành phải nhận nhuận bút và báo biếu vào sau Tết thôi…
Nghĩ ngợi lòng vòng một hồi, tôi thấy lúc này mà muốn có tờ báo Xuân làm quà tặng tình yêu thì chỉ còn cách… tái trộm! Trong tâm tri tôi sục sôi ý nghĩ này rồi đi đến quyết định: sẽ tái trộm vào đêm 30 Tết. Tôi chọn đêm 30 vì vào thời điểm này, các gia đình thường quây quần bên nhau, chẳng mấy ai để ý chuyện ngoài đường làm gì, và tôi nghĩ tay thủ kho có thể sẽ tranh thủ ít phút bỏ về nhà hưởng không khí đón chào năm mới cùng với gia đình.
Tôi tin mình có thể thành công vì trong một lần đến nhà kho nhận hàng cho tổ, tình cờ tôi nhìn thấy cánh cửa sổ bên hông nhà có lẽ bị hư chốt khóa nhưng thủ kho không chịu sửa, mà chỉ khép lại rồi nêm vào bằng một miếng sắt dẹp, mà bệ cửa ấy lại không có song sắt phía trong. Tôi sẽ lẻn vào từ khung cửa này…
Mấy ngày cuối năm chậm chạp trôi qua, rồi đêm 30 cũng đến. Tôi ở nhà ngồi chờ, định bụng sẽ đến nhà kho khoảng nửa tiếng trước giờ giao thừa. Trong lúc ngồi chờ, tôi chỉ uống trà đậm cho tỉnh táo chứ không dại mà lại đùa với rượu. Còn khoảng hai mươi phút nữa đến giao thừa thì tôi đã có mặt tại khu nhà kho. Tôi mặc một bộ đồ đen, đội mũ đen, đi giày bốt cũng màu đen cho tiệp với màu đêm. Vào đến sân nhà kho rồi, tôi mới thấy thủ kho Bảy Rí không hề tranh thủ về nhà mà mắc võng nằm toòng teng ngay trước cửa kho. Tôi nghe Bảy ngáy khò khò trong phảng phất mùi rượu. Anh ta không về nhà, bám trụ mà say xỉn thế này thì cũng tạm ổn. Tôi lách nhẹ qua hướng hông nhà, tiến về phía cửa sổ. Dừng lại ít giây, tôi rút trong túi ra chiếc khẩu trang cũng màu đen, đeo vào mặt. Xong, tôi rút miếng sắt chêm nơi chân cửa. Hai cánh cửa sổ nhanh chóng bung ra và tôi nhanh chóng thót vào.
Trong kho không để đèn nên tối đen như mực. Tôi định thần một lúc rồi lấy điện thoại mở đèn lục tìm nơi để báo. 100 tờ báo Xuân, khối lượng cũng lớn chớ mà không biết tay thủ kho để ở chỗ nào. Tôi mất khoảng 15 phút lò mò mà chưa tìm ra, chỉ thấy nào là dao, rựa, chén hứng mủ, rồi quần áo, bảo hộ lao động công nhân, cả nồi niêu, xoong chảo lủ khủ…
Không gian xoay trở chật hẹp khiến tôi mất thăng bằng, phải chụp vào một kệ đựng chén đĩa làm nó đổ sụp xuống. Thế là những âm thanh rổn rảng chát chúa vang lên trong đêm trường tĩnh lặng. Những âm thanh chẳng thể che giấu này làm Bảy Rí tỉnh giấc. Tôi nghe tiếng quát “ai đó!” của anh ta cùng tiếng mở khóa cửa kho lịch kịch. Nguy rồi! Trong lúc bối rối, nhìn thấy một thùng gỗ khá to ở cuối kho, tôi nhào tới mở nắp nhảy vào rồi sụp nắp lại.
Bảy Rí bật công tắc mở đèn nhà kho rồi bước về phía đống chén đĩa đổ nát. Sau đó, Bảy đi lòng vòng nghiêng ngó tìm kiếm một lúc rồi móc điện thoại. Từ trong thùng gỗ, tôi nghe loáng thoáng hình như anh ta gọi điện báo tình hình và cầu cứu bảo vệ nông trường. Thế này là nguy rồi, mình phải tìm cách thoát nhanh thôi. Từ trong thùng gỗ, tôi lom khom đứng dậy nâng nắp thùng định phóng ra ngoài. Nào ngờ, do lúc sụp nắp xuống sau khi nhảy vào, tôi đã làm cho nắp vào khớp và bật chốt giữ, giờ không cạy ra được, chỉ có ở bên ngoài mới mở được thôi. Tôi vô cùng lo lắng khi biết Bảy đã gọi bảo vệ nông trường, chắc là ít phút nữa họ sẽ xuống tới. Thôi, đến nước này thì đành phải liều thôi! Tôi nghĩ với trang phục kín lại đeo khẩu trang, đội mũ sụp, tay thủ kho chẳng thể nhận diện được tôi, nhất là khi đang trong trạng thái ngái ngủ, lại chơi vơi trong men rượu chập chờn. Tôi liền cào và gõ mạnh vào thành thùng gỗ. Nghe có tiếng động, Bảy Rí vội bươn tới để mở nắp thùng, nghĩ chắc là tên trộm đang trốn ở trong này. Do đã có chuẩn bị trước nên khi nắp thùng vừa được mở, tôi dùng cả hai tay đẩy mạnh cái nắp vào mặt Bảy Rí rồi thót ra thật nhanh. Vốn thường xuyên chơi thể dục thể thao nên tôi rất nhanh nhẹn và sức lực. Thoát ra khỏi thùng rồi, tôi chạy nhanh về phía cửa sổ rồi phóng ra ngoài. Trời đêm đón tôi mát rượi.
Thế là lại thêm một lần thất bại trong tìm kiếm quà tặng tình yêu! Nhưng tôi tự động viên mình là cũng vẫn còn may, chứ nếu mà để bảo vệ nông trường tóm được thì coi như… hết ăn Tết! (Bởi sẽ chẳng có ai tin có người lẻn vào nhà kho chỉ để trộm một tờ báo Xuân thôi đâu).
***
Mùng một tết, như thường lệ tôi đến nhà Hoàng Tâm đầu tiên. Tôi đến với vô vàn tiếc nuối khi không có được món quà tặng tình yêu. Và tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy cô thợ dễ thương ôm trên tay một tờ báo Xuân khổ lớn rất trang trọng ra chào đón tôi. Tôi nhìn thấy trên trang bìa có dòng chữ: Cao su Việt Nam Xuân Canh Tý 2020.
Trong khi tôi còn đang ngạc nhiên thì Hoàng Tâm nhoẻn miệng cười:
– Em rất bất ngờ và cảm ơn anh thật nhiều khi anh đã viết bài về em trên tờ báo Xuân này. Bài “Bàn tay vàng, quả tim vàng” thật hay, và không ngờ anh lại hiểu em nhiều đến vậy…
Tôi sững sờ ngắt lời Hoàng Tâm:
- Mà, mà sao em lại có được tờ báo này cơ chứ… Vì… vì theo anh biết thì nó vẫn còn nằm trong kho mà?
Hoàng Tâm lại nhoẻn miệng cười, khoe má lúm đồng tiền quá duyên. Những tiếng “rúc rích, rúc rích” phát ra từ đôi môi hồng thắm ấy nghe như tiếng vui đùa của bầy chim sẻ no mồi:
- Chị Khương Nhi ở tòa soạn gởi phát nhanh cho em đó. Qua thư đính kèm chị cho biết định gởi cho tác giả nhưng do anh… quên đề địa chỉ, nên chị đã gởi cho em là nhân vật trong bài viết được anh ghi tổ, đội rõ ràng.
Nghe Hoàng Tâm kể, tôi cứ như “từ trên trời rơi xuống”. Thật đúng là “cuộc đời vẫn đẹp sao”! Tôi thầm cảm ơn Khương Nhi và… đánh bạo cầm lấy bàn tay Hoàng Tâm. Bàn tay cô thợ trẻ như mềm đi trong tay tôi, và tôi thấy trong mắt em lung linh bao điều hứa hẹn…
SÁU VƯỜN ƯƠM
Related posts:
- Nông trường Bình Minh vô địch bóng đá nữ Cao su Bình Long
- 110 vận động viên Cao su Chư Prông tham gia hội thao
- Cao su Phú Riềng tổ chức trực tuyến lễ kỉ niệm 43 năm thành lập
- 15 đội tham gia giải bóng chuyền Cao su Ea H'Leo
- Khoản tiền của người lao động sẽ tăng khi tăng lương cơ sở
- Lễ khai mạc Hội thao Khu vực 1 - Yên Bái (clip 1)
- Tiền tỷ nuôi tay vợt trẻ
- Nhà máy chế biến vô địch giải bóng đá nam Cao su Sa Thầy
- Nồng ấm những tấm lòng!
- CLB Tập đoàn Cao su - Đồng Tháp: Rộng cửa trở lại V-League