CSVN – Mang trong người sợi dây kết nối duy trì truyền thống của gia đình, với họ – những thành viên trong gia đình truyền thống 4 thế hệ đã chọn cao su làm bến đỗ sự nghiệp là sự lựa chọn gắn bó một đời. Cho dù khó khăn đến mấy, niềm tin yêu, sự gắn bó của họ sẽ mãi đong đầy.
Vì truyền thống gia đình, bĩ cực nào cũng sẽ qua
Đã từng có thời điểm chị Nguyễn Thị Kiều Loan – công nhân Nhà máy chế biến Cua Paris, Công ty CPCS Phước Hòa bàn với chồng “Hoặc vợ hoặc chồng nghỉ làm cao su, xin việc ở ngoài để đảm bảo cuộc sống gia đình tốt hơn”. Thế nhưng, sau suy nghĩ ấy chị chợt sực tỉnh khi nghe lời động viên của ông xã chị là anh Võ Văn Tùng cũng đang làm cùng đơn vị với vợ: “Giữ gìn truyền thống gia đình, ráng cố gắng, cơn bĩ cực nào rồi cũng qua” – Câu nói ấy của anh là sức mạnh để hai vợ chồng gắn bó đến ngày hôm nay.
Gia đình chị được VRG tuyên dương là một trong những gia đình truyền thống 4 thế hệ năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 85 năm truyền thống của ngành. Ông cố ngoại của chị là phu công tra cho Pháp, ông bà ngoại rồi ba mẹ chị cũng làm công nhân cao su. Đến thời của chị, vừa tròn 18 tuổi chị làm công nhân hợp đồng cho xí nghiệp đời sống của Cao su Phước Hòa. Chọn ngành ấy bởi theo chị: “Ngày đó, người dân địa phương chủ yếu làm công nhân cao su, tôi vào làm bởi bao đời của gia đình đều gắn bó với nghề này, 5 chị em trong nhà hiện nay vẫn còn gắn bó. Thêm vào đó, cao su là nghề rất “thịnh” thời bấy giờ, nhà nhà, người người làm cao su”.
Chị có một năm ngắt quãng đi làm tranh sơn mài, có khi là không phù hợp cũng có khi là không có “mê”, không “yêu” nên quay về với cao su. Có 10 năm làm xí nghiệp đời sống, đến năm 2002, chị mới vào chính thức làm công nhân nhà máy chế biến, và đến nay vừa tròn 17 năm.
Chị Loan cũng như nhiều người có thời gian dài gắn bó với cao su, đi qua những thăng trầm của cuộc sống, của ngành, của nghề, và giờ khi ngành đang trải qua những giai đoạn khó khăn, chị thực sự lắng nghe bản thân mình: “Phải yêu mới gắn bó lâu đến như vậy. Làm công nhân cao su “được” nhiều thứ lắm chứ. Là đảng viên tôi có cơ hội học hỏi, hiểu được nhiều điều. Việc lên xuống nhiều ngành nghề đều gặp phải, không riêng chỉ ngành cao su. Giai đoạn này giá cao su giảm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của NLĐ nhưng nếu chúng ta biết gói ghém thì sẽ đủ”.
Nói về thế hệ kế thừa truyền thống của gia đình, chị rạng ngời tự hào: “Có thể nói, tôi rất vinh dự khi được là thành viên tiếp nối truyền thống của gia đình. Ngành cao su đã trải qua chặng đường xây dựng, ổn định, phát triển và đang hướng đến bền vững. Đây là một chặng đường dài, vì vậy khi gắn bó với ngành hãy nghĩ đến sự lâu dài chứ không thể “ăn xổi ở thì” được. Dù cho đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tôi tin tưởng ngành sẽ tiến triển hơn nữa, đã gắn bó phải có niềm tin. Niềm tin ấy sẽ tạo nên sức mạnh giúp chúng ta đồng hành cùng ngành vượt qua những thăng trầm”.
Tin tưởng vào tương lai
Cao su đã gắn bó sâu đậm với anh Lê Văn Cường – Trưởng phòng Tổ chức TCT Cao su Đồng Nai từ những ngày thơ bé theo bà ngoại, theo mẹ ra lô. Qua năm tháng, anh trưởng thành và nối nghiệp gia đình. Ông nội anh từ Triệu Phong – Quảng Trị vào làm phu công tra, ba anh là thư ký đồn điền, rồi sau giải phóng tiếp tục gắn bó với Cao su Đồng Nai, mẹ là công nhân cạo mủ. Ông ngoại thời làm phu đã tham gia Việt Minh, bị thực dân Pháp bắt tra tấn và qua đời.
Nói về truyền thống gia đình như chạm tay vào quá khứ, những ký ức ùa về, anh chia sẻ: “Chính bà ngoại là người truyền lửa tạo điều kiện cho con, cháu tiếp cận truyền thống ngành cao su. Để rồi ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống len lỏi và in sâu trong tư tưởng, nhận thức của các thành viên trong gia đình”.
Trong quá trình làm việc tại TCT, anh được tạo điều kiện theo học cao học chuyên ngành tư tưởng. Tốt nghiệp Thạc sĩ, anh được nhiều trường đại học mời về giảng dạy nhưng anh vẫn nhất quyết gắn bó với TCT.
Anh nói: “Ngành cao su là ngành có bề dày truyền thống lịch sử, năm 2020 tròn 123 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam. Ngành cao su có những mốc son đáng tự hào trong quá trình giành quyền sống, độc lập cho dân tộc. Được định hướng rõ ràng của Đảng, đội ngũ công nhân cao su Đồng Nai nói chung và cả nước nói riêng đã đoàn kết chung tay giải phóng đất nước. Sau năm 1975, ngành cao su bước vào giai đoạn củng cố, ổn định và phát triển. Đó là một quá trình đúc kết từ máu, nước mắt, thế hệ hôm nay cần nhìn về quá khứ để thấy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đồng thời có lập trường tư tưởng vững vàng trong mọi hoàn cảnh, trau dồi, rèn luyện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân để đáp ứng yêu cầu của ngành trong giai đoạn mới”.
Chính những giá trị được hun đúc qua bao thế hệ trong gia đình, thêm vào đó, công tác tại TCT Cao su Đồng Nai – đơn vị có 45 năm truyền thống đã truyền lửa lòng yêu nghề cho anh và cho con trai anh. Hiện nay, con trai anh là Lê Hoàng Tuấn Kiệt (thế hệ thứ 4 trong gia đình) sau khi học tập đã chủ động xin vào làm tại KCN Dầu Giây để tiếp nối truyền thống gia đình. Anh tự hào về việc thế hệ kế cận đã hiểu và đồng hành dựng xây cho ngành phát triển như ngày hôm nay. Không chỉ với con trai, qua những hội thi Báo cáo viên và các Hội thi của TCT, anh luôn dành thời gian để chia sẻ với những người trẻ trong TCT về giá trị truyền thống ngành. Với anh, được chia sẻ và truyền lại lòng nhiệt huyết với ngành, với nghề cho thế hệ trẻ là niềm hạnh phúc.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Các đồn điền cao su ra đời
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- "Cao su vẫn là cây công nghiệp có giá trị lớn của Bình Phước"
- "Giải thưởng tiếp thêm động lực để thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ"
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- Con dao cạo "Mã Lai"
- Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành
- Nữ công nhân tận tụy, yêu nghề
- Giảm HAS trong sản xuất SVR CV 50, 60