CSVN – Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Bình – Tổ trưởng vận tải, Nông trường Hàng Gòn, TCT Cao su Đồng Nai, một trong 7 cá nhân nhận Giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2019.
Cải tiến từ yêu cầu thực tế
Từ thực tế tại nông trường, hàng năm để xử lý dây đậu Mucuna, nông trường đã phải trả chi phí cao và sử dụng nhân công lao động nhiều cho việc cắt, kéo dây hoặc phun thuốc diệt cỏ nhưng vẫn không thể khắc phục triệt để. Từ thực tế này tại đơn vị và với vai trò là tổ trưởng vận tải của nông trường, anh thường xuyên hỗ trợ xe máy làm việc, bám sát vườn cây, anh đã có sáng kiến cải tiến lắp thêm lưỡi dao cắt vào khung dàn cày, dùng đầu máy cày kéo chạy trên đường băng để vén, cắt thảm phủ họ đậu Mucuna.
Khi trình bày sáng kiến này với lãnh đạo đơn vị, anh nhận được sự nhất trí cao và tạo điều kiện để anh bắt tay vào thực hiện. Anh Bình đã tận dụng khung dàn cày 3 chảo, sau khi tháo các chảo và bánh lái. Lắp ráp 1 lưỡi cắt cố định tại vị trí chảo số 1, cấu tạo lưỡi cắt bằng thép dẹp, dày 16 mm, rộng 200 mm phần mũi lưỡi cắt từ mặt đất lên 200 mm được mài vát sắc cạnh để cắt dây cỏ lớn.
Cải tiến này khi thực hiện xong được thử nghiệm ngay trên vườn cây. Anh đã sử dụng máy kéo MTZ 80 HP, điều chỉnh ben để lưỡi cắt cắm xuống mặt đất 3 – 5 cm, trong khi 2 giá đỡ chảo cày còn lại sát với mặt đất. Sau đó, điều khiển máy kéo chạy với tốc độ 15 km/h (số 8) chạy một bên đường băng để vị trí dao cắt cách gốc cây cao su khoảng 1,2 m (ngoài đường băng), khi khối lượng cỏ gom đủ lớn xe được di chuyển vào đường luồng và dỡ lên để tháo cỏ, sau đó tiếp tục hoạt động, đối với một bên đường băng còn lại thao tác tương tự.
Nói về cải tiến này, anh ngắn gọn: “Tất cả mọi cải tiến, sáng kiến đều xuất phát từ tình hình thực tế trong công việc, trong lĩnh vực của bất kỳ ai. Khi thấy phương án hiện thời quá nhiều bất cập và không mang lại hiệu quả như mong đợi thì sẽ thôi thúc mỗi người cải tiến trên nền tảng có sẵn hoặc là có phương án hoàn toàn mới để thay thế cái cũ, yêu cầu đặt ra là tốt hơn, mang lại hiệu quả rõ rệt trên mọi phương diện”.
Làm lợi hơn 290 triệu đồng/năm
Từ thực tế, cải tiến này đem lại hiệu quả rõ ràng đó là làm cho toàn bộ dây đậu từ gốc cây cao su ra 1,5 m, được cắt và vén sạch vào đường luồng. Cải tiến của anh có ưu điểm là chi phí thấp, không hao tốn nhiều sức lao động, chủ động thực hiện và có năng suất hoàn thành 8 ha/ngày với kết quả đồng đều, ổn định. Cải tiến giúp kéo được dây leo trong mọi thời tiết. Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán từ thực tế đã giúp tiết giảm được 3 công lao động/ha so với cắt bằng tay thủ công. Đồng thời đạt hiệu quả cao hơn so với cắt thủ công, hạn chế dây đậu bám lại trên cây cao su. Tiết kiệm chi phí trong quy trình chăm sóc vườn cây KTCB. Tổng số tiền làm lợi cải tiến mang lại hơn 290 triệu đồng/năm cho nông trường. Cải tiến của anh nhanh chóng được Hội đồng khoa học sáng kiến cải tiến kỹ thuật TCT Cao su Đồng Nai kiểm nghiệm và đánh giá hiệu quả tốt, được Ban lãnh đạo TCT thưởng nóng 15 triệu đồng.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận được Giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2019, anh cho biết: “Tôi thật sự vinh dự và vui mừng khi được trao giải thưởng trong một sự kiện đặc biệt là kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su. Giải thưởng thực sự là một phần thưởng lớn, tạo động lực, khích lệ, động viên tinh thần giúp NLĐ ngành cao su ngày càng có nhiều cải tiến, sáng kiến khoa học kỹ thuật hơn nữa để chung tay góp phần vào sự phát triển vững mạnh của VRG”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Không ngủ quên trên truyền thống
- Quyết tâm đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của Nông trường
- Trần Thị Thanh Vân - Cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc
- Di sản gia đình được gìn giữ
- Thợ giỏi 5 lần nhận bằng khen Tập đoàn
- 20 năm sống cùng đồng bào
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- Tận tâm với công việc
- Kiều Đình Thỏa: "cây sáng kiến" tại cao su Tân Biên
- Kiên định theo con đường đã chọn