CSVN – Vào mỗi dịp họp mặt cán bộ hưu trí hay sự kiện kỷ niệm ngày truyền thống ngành 28/10… chúng tôi lại vinh dự được gặp ông Trần Ngọc Thành – Nguyên Chủ tịch HĐQT TCT Cao su VN. Ông là một trong những thế hệ cán bộ lão thành tâm huyết thời kỳ đầu, đặt nền móng cho việc xây dựng, phát triển ngành có một vị thế vững chãi như ngày hôm nay.
Trưởng thành trong ngành cao su
Trong những ngày giữa tháng 10, chúng tôi ghé nhà ông Trần Ngọc Thành khi ông vừa về quê hương Lai Vung, Đồng Tháp để chia sẻ mất mát với họ hàng là gia đình Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bảy – Phi công lái MiG 17 – Người bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ vừa qua đời.
Ở khu dân cư Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. HCM, hỏi hàng xóm láng giềng không ai không biết ông, một con người sống điềm đạm, thanh tao, giản dị. Sáng sáng, người ta thấy ông cần mẫn dậy sớm đi bộ tập thể dục hoặc đạp xe quanh khu vực bờ sông, trên tay cầm một chiếc đài nhỏ để nghe các tin tức thời sự.
Ấn tượng khi tiếp xúc với ông là gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng, với vầng trán cao và ánh mắt cương nghị, ở cái tuổi hơn 75 mùa Xuân nhưng giọng ông vẫn còn hào sảng chia sẻ về những giai đoạn đã qua.
Ông Trần Ngọc Thành sinh năm 1944, quê gốc ở Đồng Tháp. “Tôi là cán bộ đi tập kết ngoài Bắc, được đồng bào miền Bắc nuôi dạy trưởng thành, lớn lên trên đất Bắc và trưởng thành trong ngành cao su”, mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông trải lòng.
Gắn bó với ngành cao su, với ông cũng là một cơ duyên. Giai đoạn 1969 – 1974, ông làm việc ở cơ quan quản lý Xây dựng Ủy ban thuộc Bộ Nông trường. Tháng 7/1976, ông được điều động về công tác tại phòng Kiến thiết cơ bản thuộc Tổng cục Cao su Việt Nam thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Trần Mão (Tư Trần) làm Tổng Cục trưởng; Tổng Cục phó là ông Đặng Văn Vinh (Năm Vinh) và ông Nguyễn Khắc Thành (Năm Thành).
Sau khi đất nước thống nhất, diện tích cao su tiếp quản khoảng 47.000 ha, phần lớn là cây cao su già cỗi, bị tàn phá bởi chiến tranh. Tháng 4/1975, Tổng Cục Cao su Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản, khôi phục, phục hồi các vườn cây, nhà máy của các đồn điền Lộc Ninh, Bình Long, Thuận Lợi… đồng thời bắt tay vào phục hồi sản xuất.
Năm 1978, ông làm Đội phó Đội Khảo sát thiết kế. Đó cũng là thời kỳ Tổng cục Cao su xây dựng dự án phát triển 50 ngàn ha cao su của Công ty Cao su Phú Riềng trình với Nhà nước, Chính phủ. Ông cùng các lãnh đạo thời kỳ đó đã bảo vệ, thuyết minh thành công dự án này. Dự án đã được phê duyệt và vay vốn của Liên Xô cũ là 110 triệu Rúp. Sau đó Công ty Cao su Phú Riềng được thành lập vào tháng 9/1978.
Năm 1980, để liên kết kinh tế, trong khối XHCN có Hội đồng tương trợ kinh tế COMECON, nước ta được phân công sản xuất cao su cho khối. Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển 1 triệu tấn mủ cao su/năm và điều ông Đỗ Văn Nuống (tức Tư Nguyện), Ủy viên Trung ương Đảng về làm Tổng Cục trưởng.
Giai đoạn 1982 – 1984, ông được Tổng cục cử đi học lớp Cao cấp chính trị ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay), lúc đó ông đang làm Phó GĐ Công ty Quy hoạch Khảo sát thiết kế (Sau này là Công ty CP XD & Tư vấn Đầu tư).
Sau khi được cử đi học lớp cao cấp chính trị, ông cũng được chọn là 1 trong 10 nghiên cứu sinh phía Nam được cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng ông đã khảng khái từ chối không đi để về phục vụ cho ngành. “Lúc mới vào ngành, sau đó được cử đi học với thời gian 8 năm, tôi nghĩ mình là cán bộ kỹ thuật, chưa làm được gì cho ngành cả, nên tôi nói với ông Tư Nguyện – Tổng Cục trưởng không đi để tiếp tục phục vụ công tác. Sau một hồi suy nghĩ, ông Tư Nguyện cũng đồng ý”, ông kể lại. Sau khi học xong lớp cao cấp, nhiều nơi xin ông về làm nhưng ông từ chối và chọn gắn bó cống hiến cho ngành cao su.
Những năm 1979-1984, ông cũng là người cùng với các cán bộ thời kỳ đầu tham gia khảo sát lập các dự án phát triển cao su ở miền Đông. Và phát triển cao su ở khu vực Tây Nguyên, thành lập các công ty Krông Buk, Chư Sê, Ea H’leo, Mang Yang, Kon Tum năm 1984.
Tháng 8/1984 – 1989, ông làm Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Xây dựng Cơ bản. Sau đó là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ. Tháng 5/1995, ông làm Phó TGĐ Tổng Công ty Cao su Việt Nam. Tháng 5/2000, ông được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005.
Nhắn nhủ thế hệ trẻ
“Trong quá trình phấn đấu làm việc và học tập, tôi may mắn gặp và được sự chỉ bảo, quan tâm dìu dắt tận tình của các cán bộ lãnh đạo tâm huyết, chí công vô tư đứng đầu ngành. Đó là điều làm tôi luôn tâm niệm để cống hiến xây dựng cho ngành, không phụ lòng các lãnh đạo đã tin tưởng, giao phó”, ông xúc động.
“Quãng thời gian đứng ra thuyết minh và bảo vệ thành công dự án phát triển cao su ở Phú Riềng cũng là một trong những niềm vui mà chúng tôi không bao giờ quên được, và cho đến nay mỗi khi có dịp gặp lại các thế hệ cán bộ ở Cao su Phú Riềng thời kỳ đầu chúng tôi lại có dịp “ôn cố tri tân”, nhắc lại những quãng thời gian khó khăn mà hào hùng, đầy nhiệt huyết đó. Khi gặp lại họ, tôi luôn nói với các thế hệ, đồng chí, đồng nghiệp của mình rằng, chúng ta phải rất tự hào vì đã có phần góp công đóng góp lớn, là một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển ngành từ thời kỳ gian khó. Có trải qua thời kỳ đó mới có cơ ngơi vững bền như ngày hôm nay”, ông tâm sự.
“Ngành cao su có một truyền thống vẻ vang. Thứ nhất, giai cấp công nhân anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trưởng thành từ đấu tranh tự phát lên tự giác. Thứ hai, trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp, công nhân cao su đã cung cấp nhân, vật lực hỗ trợ cho kháng chiến. Thứ ba, các rừng cao su cũng là nơi căn cứ ẩn náu của quân giải phóng, làm cơ sở đơn vị cho cách mạng đóng quân, đóng góp cho cách mạng. Đó là những cơ sở làm bàn đạp cho những cuộc tổng tấn công thành công sau này.
Ngành cao su cũng là một ngành nghĩa tình, tình nghĩa gắn bó, đoàn kết như một xã hội riêng thu nhỏ, có đầy đủ các đoàn thể Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nữ công, dân quân tự vệ…
Hiện nay thời hoàng kim của ngành đã đi qua, trong giai đoạn khó khăn do giá giảm thấp, có hiện tượng chuyển dịch lao động do hình thành các KCN cạnh địa bàn của các công ty cao su… Tuy nhiên, ngành ta vẫn đứng vững, ổn định, các thế hệ lãnh đạo có tâm, làm tốt vai trò chức trách của mình, đời sống công nhân cơ bản vẫn ổn định, mọi chế độ cho NLĐ luôn được thực hiện đầy đủ, lãnh đạo các cấp luôn quan tâm chăm lo chú trọng”, ông tự hào nói.
“Trong giai đoạn mới, Tập đoàn đã chuyển sang cơ chế mới, phải có những tư duy điều hành, chiến lược phát triển mới, phát huy hiệu quả các thế mạnh trong ngành nghề kinh doanh chính như khu công nghiệp, thủy điện, các sản phẩm công nghiệp chế biến sâu, phát huy hiệu quả sử dụng đất…
Tính dân chủ, công bằng trong các đơn vị cần được phát huy. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay phải biết lấy mục tiêu để phấn đấu, thêm yêu ngành, yêu nghề, đóng góp xây dựng phát triển vào sự lớn mạnh của ngành trong thời gian tới”, ông tâm huyết nhắn nhủ.
MINH TÂM
Related posts:
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Tự hào 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Nữ công nhân đa tài
- Đất mến người
- Cuộc đời sang trang nhờ 3 đời gắn bó với cao su
- Thành tích xóa "điểm nóng" của người đội trưởng bảo vệ
- "Đi đâu cũng không bằng làm công nhân cao su"
- Cần nhân rộng mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình
- "Chiến sĩ áo trắng" ngành cao su: Những kỷ niệm khó quên
- "Tin rằng công nhân cao su sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này!"