2 năm trở lại đây, giá cao su ở mức thấp đã gây không ít lo ngại cho các doanh nghiệp trồng cao su. Các hộ cao su tiểu điền cũng đứng ngồi không yên. Người còn tỉnh táo thì duy trì vườn cây, hạn chế khai thác để không lỗ. Một số nóng lòng, bất an lại tái diễn điệp khúc “trồng…chặt”.
Từ cạo cầm chừng…
Từ giữa tháng 5/2014, mùa khai thác cao su bước vào vụ mới, tuy nhiên do giá liên tục tụt giảm từ đầu năm đến nay khiến dân trồng cao su tiểu điền thật sự rơi vào khó khăn. Nhiều chủ vườn chỉ cạo cầm chừng, tiết giảm chi phí, hạn chế đầu tư, chuyển hướng lấy “ngắn nuôi dài” hay thậm chí chẳng màng đến việc khai thác.
Ông Vũ Ngọc Đoàn – người đang quản lý 22 ha cao su khai thác tại xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), cho biết với mức giá như hiện nay khoảng 285 – 300 đồng/độ (khoảng 9.000 đồng/kg) chủ vườn sẽ không cân đối được chi phí. “Nếu bỏ công tự khai thác thì còn lại chút đỉnh, còn phải thuê mướn người cạo, người trút mủ thì có nước lỗ thôi. Nhưng vài ba hecta thì tự làm được, còn diện tích lớn như của tôi tự khai thác sao xuể”, ông Đoàn nói.
Nói rồi ông Đoàn tính toán, trong điều kiện bình thường, với diện tích 22 ha ông thuê 7 người cạo, mỗi tháng trả tiền lương hết khoảng 30 triệu đồng. Còn chi phí đầu tư cho vườn cây mỗi năm hết khoảng từ 20 – 25 tấn phân bón, mỗi tấn hơn 10 triệu đồng, vị chi cũng khoảng 250 triệu đồng. Với mức giá bình quân năm vừa rồi khoảng 500 đồng/độ ông còn có lợi nhuận, còn giá quá thấp như hiện nay mà đầu tư như năm trước thì lỗ nặng. Chính vì vậy, mặc dù đã bước vào mùa cạo gần tháng nay rồi nhưng vườn cây của ông vẫn chưa đưa vào khai thác.
Còn ông Nguyễn Văn Tiến (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng), cho hay hiện nay gia đình ông chỉ cạo cầm chừng và tự bỏ công khai thác chứ không thuê người. “Đầu mùa sản lượng ít, trong khi giá thấp như thế này mà thuê công cạo, rồi chi phí đầu tư vật tư, phân bón thì không có ăn và chẳng biết xoay xở làm sao”, ông Tiến phân trần.
Để ứng phó với tình thế này, ông Tiến hạn chế chí phí đầu tư, nhất là lượng phân bón cho vườn cây, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3. Đồng thời, ông cũng đang tính toán chuyển hướng gia tăng sản xuất trên vườn như kết hợp thêm mô hình chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nhân, chủ vườn cao su 24 ha tại xã Tiến Hưng (Thị xã Đồng Xoài, Bình Phước), cho biết mặc dù giá xuống thấp nhưng vườn cây của ông vẫn khai thác bình thường. “Tôi đã tính toán kỹ rồi, phải cân đối lại chi phí, tiết kiệm tối đa những gì có thể, mỗi tháng gia đình cũng còn cái để thu vào, chưa đến nỗi đóng cửa vườn cây. Sống chủ yếu nhờ cây cao su, không cạo lấy gì duy trì sản xuất”, ông Nhân bày tỏ.
Cũng theo ông Nhân, cái khó của dân cao su tiểu điền hiện nay, giá vật tư, phân tro, tiền công thuê cạo không giảm. Trong khi đó, không đầu tư phân bón cho vườn cây thì năng suất, sản lượng giảm, độ DRC không cao thì bán không có giá. Còn nếu đầu tư thì hiệu quả không cao, dân trồng cao su tiểu điền cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
…đến dừng cạo…
Vào thời điểm 2010 – 2011, khi giá cao su lên cao đã có nhiều gia đình bỏ vốn đầu tư vào cây công nghiệp dài ngày, thậm chí là chặt bỏ điều, cà phê để dốc toàn bộ lực với niềm hy vọng thu về tiền tỉ khi vườn cây cao su cho mủ. Ngoài việc số vốn sẵn có, nhiều hộ gia đình còn vay vốn ngân hàng để trang trải chi phí cho những năm đầu KTCB, nghĩ rằng với đà tăng giá của cao su thì chỉ vài năm sau khi thu mủ sẽ có lời. Tuy nhiên, giá cả luôn biến động theo thị trường. Đến thời điểm hiện tại, giá cao su đang theo chiều hướng đi xuống khiến người trồng cao su đang hoang mang, lo lắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có không ít hộ cao su tạm thời dừng cạo mủ trong khi giá cao su đang trên đà giảm mạnh.
Anh Trần Quốc Tuấn – Phú Riềng, Bình Phước cho hay: “Ngoài công việc chính thì gia đình tôi có 2 ha cao su đang vào thời kỳ mở miệng cạo nhưng tôi quyết định chưa mở miệng cạo vội. Vì giá đang rớt thảm hại, tiền bán mủ chưa chắc đủ trả tiền nhân công. Để một thời gian nữa xem giá có tăng lên không, chứ giá này thì làm những người trồng nhỏ lẻ như chúng tôi rất lo lắng. Hiện nay tại tỉnh Bình Phước, các hộ cao su tiểu điền hầu hết đang dừng thu hoạch mủ”.
Còn anh Tùng – Lộc Ninh, Bình Phước cho biết: “Giá mủ cao su hiện tại là vấn đề thời sự của người dân trên địa bàn. Với giá dao động dưới 300 đồng/độ thì không thể nào đủ để trả chi phí nhân công, đầu tư phân bón, kiềng máng cho vườn cây. Giá mủ xuống nên các tiểu thương thu mua mủ làm khó, mua rẻ hơn so với giá thị trường vì sợ lỗ. Nhiều hộ đã chặt cao su để trồng cây khác, cũng có nhiều hộ ngừng cạo, còn gia đình tôi thì cầm chừng, không dám đầu tư nhiều vào vườn cây. Nếu theo đà này thì đầu tư chỉ có lỗ chứ không thể lời được”.
…rồi chặt bỏ
Chúng tôi gặp gia đình anh Phạm Xuân Vũ ở thôn Tam Điệp – xã Hneng, Đăk Đoa – Gia Lai, được biết gia đình anh là một trong các hộ cao su tiểu điền đã từng phá cao su để trồng cây khác. Anh Vũ định cư sâu trong khu rừng cao su của Tổ 14 – Nông trường Cao su Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang. Đây là một vùng đất hết sức phì nhiêu, vùng đất này đã từng sản sinh ra một thương hiệu rất nổi tiếng, đó là khoai lang Lệ Cần. Chính vì thế, nơi đây không chỉ cao su mà hầu hết các cây trồng khác đều cho năng suất cao.
Gia đình anh Vũ có 5,3 ha đất canh tác, 2/3 trong số đó là trồng cao su. Với số diện tích này gia đình anh chỉ ở mức trung bình trong xóm, vì ở đây có người nhiều nhất là trên 10 ha cao su đang khai thác, còn ít thì cũng được hơn 1 ha. Anh là hộ được hưởng lợi từ chương trình đa dạng hóa nông nghiệp. Thời điểm đó, Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, vật tư trang bị cho vườn cây và được vay vốn ưu đãi của ngân hàng.
Ấy vậy mà công sức 8 năm trời bỗng chốc tan biến chỉ vì một quyết định chuyển đổi cây trồng. Anh cho biết: “Đất ở đây rất tốt, cao su hay bất cứ một cây trồng nào khác đều cho năng suất cao nhất trong huyện Đăk Đoa. Cao su bây giờ không ăn thua gì so với cây tiêu hay cà phê, bởi giá thế này mà cạo thì giỏi là hòa còn không là lỗ. Cho nên chúng tôi quyết định phá bớt trên 1ha để chuyển sang trồng tiêu, số còn lại tạm thời ngưng không khai thác nữa, chờ đến khi giá tăng lên thì lại tiếp tục”.
Còn chị Lê Thị Loan, một hộ cao su tiểu điền ở xã Ia Kênh – Tp. Pleiku mà nhiều người hay gọi vui “đại gia phố núi”. Gia đình chị cùng vài người bà con đã tạo ra được một “đội” cao su với 30 ha, trong đó bản thân chị cũng có được 12 ha. Với độ tuổi chưa đầy 40, câu nói đùa ấy cũng không quá. Vườn cao su của gia đình chị bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2013, nhưng đến nay thì chị chia sẻ: “Cao su đến tuổi thì mình cho mở miệng thôi, nhưng giá thấp quá nếu đi thuê thì lỗ nên tụi em cho ngưng không khai thác, vừa là để cho cây lớn thêm, vừa là trông chờ giá mủ có sự thay đổi”.
Anh Quân – Văn Vĩnh – Minh Nhiên
Kỳ 2: Ai lo cho nông dân?
MỘT HUYỆN CÓ 155 HA CAO SU BỊ CHẶT BỎ
Thời gian qua, do giá mủ xuống thấp nên một số người dân ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) đã chặt bỏ trên 155 ha cao su mới trồng được từ 2 đến 3 năm để trồng mì. Ở tất cả 12 xã, thị trấn trong huyện đều có diện tích cao su non bị chặt bỏ, trong đó xã Tân Hà có 29,5 ha, Tân Đông 20 ha, Tân Hưng 38 ha, Tân Hội 25 ha, Thạnh Đông 25,5 ha…
T.N
Related posts:
- Nông trường Dục Nông nhận bằng khen Bộ Công an
- "Tập đoàn cần những giải pháp mang tính đột phá lớn để thực hiện tốt kế hoạch 2024"
- Mùa Làm Máng Che Mưa
- Nhiều đề tài khoa học gắn với thực tiễn
- Giải quyết nhiều công việc quan trọng, cấp thiết
- VRG thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng
- Công ty 75 quyết hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2020
- Tự hào để góp sức dựng xây
- Tăng cường thị phần của sản phẩm cao su có chứng chỉ PEFC
- "Xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ vườn cây khai thác khu vực miền núi phía Bắc"