Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Giờ làm việc quá dài, cường độ lao động căng thẳng, đồng lương chết đói, điều kiện ăn ở tồi tệ, thế cũng chưa đủ, người nông dân cao su còn bị roi vọt, đấm đá, chửi mắng và đó là điều xảy ra hàng ngày.
Thẻ công tra của phu cao su.
Thẻ công tra của phu cao su.

Bọn chủ đồn điền đã đặt ra hàng loạt những tội trạng để đánh hoặc cúp lương công nhân. Dưới đây là các “tội” mà các công nhân già còn nhớ lại được:

  • Bắt kiềng lệch và không đúng kích thước.
  • Đặt bát hứng mủ hơi nghiêng, không kịp lau kỹ bên trong và bên ngoài.
  • Cạo không ngay, miệng cạo không thẳng.
  • Cạo không đúng quy định về độ sâu (một milimét).
  • Cạo dày hơn một milimét.
  • Cạo phạm vào xương cây.
  • Để mủ rơi xuống đất vài giọt mà không vét lên hết.
  • Trời mưa để mủ tràn dính thân cây mà không gỡ kịp.
  • Không làm hết phần cây khoán trong ngày.
  • Dao cạo không sắc.
  • Bệnh chưa liệt giường mà không đi làm.
  • Không có đủ số mủ quy định.
  • Không biết phải quấy với cấp trên.
  • Có vợ xinh trông dễ coi mà không cống nạp cho chúng.
  • Để gốc cây bẩn…

Vì số tội trạng mà chúng tùy tiện đặt ra để hành hạ người công nhân cao su nhiều không kể xiết, nên anh chị em thường thốt lên chua chát: “Trên đầu có bao nhiêu sợi tóc thì phu cao su có bấy nhiêu tội”.

Không những chúng bày ra rất nhiều “tội” để đánh, mà khi đánh chúng còn dùng những cách đánh rất tàn nhẫn: bắt quỳ rồi trói vào gốc cây mà đánh, bắt nằm sấp chổng hai chân lên rồi đánh cho nát hai gan bàn chân, sau đó lại bắt chạy bộ hai cây số; phụ nữ có chửa, bắt tự đào hố đặt vừa cái bụng chửa rồi bắt nằm úp bụng xuống cái hố đó mà đánh (nhiều chị em bị đánh mạnh quá, thai nhi phọt ra ngoài và chết tại chỗ). Chúng có thể đánh người công nhân ở bất cứ đâu:

ở nhà điểm, ở ngoài lô. Nhưng ở ngoài lô thường là nơi công nhân bị đánh nhiều nhất và nặng nhất. Ở nhiều đồn điền, mỗi tên cai hàng ngày đi ra lô trông coi công nhân làm việc, thường lĩnh 10 chiếc roi để đánh công nhân. Sau một ngày làm việc, tên cai phải mang roi về nộp cho tên sếp. Tên sếp đến kiểm tra từng chiếc roi một, nếu chiếc roi nào cũng oằn đi hoặc dập nát thì tên cai được khen, ngược lại nếu có chiếc roi nào còn nguyên vẹn, không bị xây xước gì thì tên cai sẽ bị đánh thế mạng. Cho nên muốn khỏi bị đánh thay, bọn cai buộc phải tìm mọi cớ để đánh đập công nhân sao cho dập kỳ hết số roi được giao. Và cũng vì vậy mà trong công nhân cao su mới truyền tụng câu “sếp đánh cai, cai nhai chết công nhân”.

Trong tất cả các loại hình phạt mà chúng áp dụng đối với công nhân thì hình phạt đối với việc “cạo phạm” là nặng nhất. Thông thường cứ đến ngày cuối tháng, chúng lại tổ chức đi kiểm tra ngoài lô một lần. Chúng đi dò từng cây cao su, hễ ai cạo phạm là chúng lôi ra trừng phạt hết sức tàn nhẫn. Chúng bắt người công nhân “cạo phạm” đó nằm xuống bên gốc cây cao su rồi đánh. Đánh xong chúng lấy mủ nước cao su dội lên đầu. Mà thứ mủ ấy đã bám vào đầu vào tóc thì khó bề mà gột sạch được. Phải dội dầu hôi lên đầu rồi gỡ lần từng mảng mủ. Nhưng khi gỡ hết mủ thì da đầu cũng tróc hết, đầu đỏ ối như bị bỏng. Có người đã chết vì hình phạt thâm độc này. Lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, điều kiện ăn ở không đảm bảo vệ sinh, luôn bị hành hạ đánh đập, bị muỗi sốt rét đốt, tất cả những cái đó là nguồn gốc gây ra đủ thứ bệnh tật cho người công nhân cao su.

Theo một tài liệu còn để lại, năm 1928, tại một đồn điền thuộc Công ty đồn điền Đất Đỏ, tính ra cứ 100 công nhân thì có 37 người mắc bệnh nặng. Một tài liệu còn lưu giữ tại đồn điền An Lộc cho thấy tại nơi đây, tuổi thọ bình quân của nam công nhân không quá 30. Còn nữ công nhân thì có đến 95% chị em bị sẩy thai hoặc ốm đau. Nhiều trẻ em mới 2, 3 tuổi đã mắc bệnh sưng lá lách hoặc phù thận.

Dùng người bản xứ đánh người bản xứ, một chính sách thâm độc của bọn Chủ Tây
Dùng người bản xứ đánh người bản xứ, một chính sách thâm độc của bọn Chủ Tây

Tóm lại đối với người công nhân cao su, bệnh tật là người bạn đường thường xuyên của họ. Đã thế khi bị ốm đau, bệnh tật, họ lại còn bị bọn chủ đồn điền đối xử hết sức tàn tệ.

Theo chế độ quy định của các đồn điền, người công nhân nào ốm liệt giường mới được phép đi nhà thương để chữa bệnh. Nhưng được đi nhà thương chưa phải là đã yên ổn. Vì rằng hầu hết giới chủ đồn điền đều có chung một định kiến cho rằng mọi “cu li” (phu) đều lười biếng cả, người nào cũng muốn kiếm cớ đi nhà thương để được nghỉ làm. Do đó chúng ra lệnh cho các bác sĩ, y sĩ, y tá, mỗi khi người bệnh mới đến phải đánh thật đau để qua đó xác định ai bệnh thật, ai bệnh giả. Người bệnh nào bị chúng đánh mà không còn biết đau nữa, không biểu lộ cảm giác đau đớn thì chúng mới tin là có bệnh thật. Tiếc rằng khi ấy thì đã quá muộn đối với không ít người: cái chết đối với họ là điều không thể tránh khỏi.

Trong nhà thương, người bệnh nằm điều trị bao lâu mặc kệ, nhưng khi vừa ăn được bát cháo loãng là bị bắt phải làm các việc như lau nhà, xách nước, làm cỏ ở vườn hoa… Những ai bị bệnh quá nặng, chúng vẫn không cho đi Sài Gòn để chạy chữa vì sợ tốn kém và mất “thanh danh” của đồn điền. Người nào bị bệnh lao, chúng chỉ mong cho chết sớm. Ai bị bệnh sâu quảng, chúng bắt nhà thương cưa phứt luôn cái chân hoặc cánh tay bị sâu quảng đó, khiến người đó, sau phải đi ăn xin vì đã mất khả năng lao động. Vì vậy, mà người ta không lấy làm lạ khi thấy trong các đồn điền nhan nhản những người què chân, cụt tay đi ăn xin.

Lao động cực nhọc, ăn uống kham khổ, ốm đau bệnh tật không được chữa trị, bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn… tất cả những cái đó đã làm cho số người chết hàng năm trong công nhân đồn điền cao su rất cao.

Theo các tài liệu cũ còn để lại, năm 1928, tại một đồn điền thuộc Công ty đồn điền Đất Đỏ, tính ra cứ 100 công nhân thì có 19 người chết. Và năm 1927 tại đồn điền Dầu Tiếng, trong số 1.000 công nhân có đến 474 người chết.

Nhiều đồn điền không ngày nào là không có người chết. Ở đồn điền An Lộc, số người chết do ốm đau, bệnh tật có ngày lên tới 5 – 6 người.

Tài liệu mật của Pháp để lại cho biết, trong những năm 1935 – 1942 tại Nghĩa địa 97 và Nghĩa địa Núi Đỏ hàng ngày mỗi nơi có 2 người chuyên đào huyệt mà vẫn không đủ chỗ để chôn người chết.

Ngoài những cái chết do bị đánh đập, do ốm đau, công nhân còn chết vì tự tử do quá uất ức. Ở đồn điền Ông Quế, trong năm 1935, có ngày có tới 10 người thắt cổ tự tử.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)