Kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su, chúng ta cùng nhìn lại các hình thức đấu tranh của CN cao su những năm đầu thế kỷ XX, khi bị giới chủ Pháp chèn ép, bóc lột.
Từ việc bị bóc lột thậm tệ…
Vào năm 1930, đội ngũ CNLĐ trong ngành cao su là 55.303 người. Trong đó, có 30.637 là phu công tra và 24.666 là CN tự do.
Trong quá trình phát triển các đồn điền cao su của tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, bọn chủ Tây đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người CN cao su. Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ nói chung như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người CN ngã xuống. CN Cao su Phú Riềng hồi đó có câu vè: “Lỡ lầm vào đất cao su/Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”. Trước sự áp bức bóc lột thậm tệ của giới chủ tư bản Pháp, CN cao su đã phản kháng, đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau.
…Đến các hình thức đấu tranh
CN cao su đấu tranh với giới chủ từ rất sớm, bằng nhiều hình thức phong phú. Đối với những CN trong đồn điền, để thể hiện sự bất bình của mình, họ thường dùng hình thức lãn công vừa kín đáo, vừa hiệu quả theo ý muốn. Bất cứ việc gì, ở đâu đều có thể lãn công mà bọn chủ không thể thấy ngay được. Về sau việc lãn công dần dần đưa hình thức đấu tranh của CN lên một bậc cao hơn là đình công, có nghĩa là ngừng việc từng bộ phận, không bãi công toàn bộ trong tất cả các đồn điền mà chỉ một vài đội, vài làng.
Song song với cuộc đấu tranh đình công, lãn công, bỏ sở, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ, các đợt phá hoại cao su cũng diễn ra khá phổ biến. CN tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tìm mọi cách để chặt cây, đổ mủ nước, vứt bỏ mủ bèo, mủ dăm, đập chén hứng mủ, bẻ kiềng chén, đốt mủ thành phẩm, đốt nhà kho, lò xông… Có những đêm, CN đồng loạt chặt vạc vỏ cây hết một khu lô. Anh chị em CN còn lấy a-xít bôi vào miệng cạo làm cho cây buộc phải nghỉ dưỡng bệnh trong thời gian 6 tháng đến 1 năm mới cho mủ lại được.
Từ năm 1926-1929, hình thức đấu tranh của CN cao su nói chung là tự phát, chủ yếu do những người CN cùng cảnh ngộ bị áp bức đến cùng cực không còn chịu được nữa, đã cùng nhau đứng lên đấu tranh đòi bọn chủ phải thực hiện những điều chúng đã cam kết. Qua mỗi cuộc đấu tranh trình độ giác ngộ của người CN được nâng lên. Trong các cuộc đấu tranh, bên cạnh những yêu sách về kinh tế, dần dần xuất hiện những yêu sách về chính trị: chống đánh đập, chửi mắng và yêu cầu được đối xử như con người.
Ngày 20/9/1928, 500 CN Đồn điền Cao su Cam Tiêm tiến hành bãi công đòi tăng lương và cải thiện đời sống. Chính quyền thực dân vội vàng cho binh lính đến đàn áp, làm nhiều người chết và bị thương, nhiều người khác phải tản vào rừng. Cuộc đấu tranh của CN Đồn điền Cao su Cam Tiêm làm xôn xao dư luận ở Pháp. Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã lên tiếng phản đối sự đàn áp của bọn thực dân đối với CN ở đồn điền này và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp CN VN nói chung, CN Đồn điền Cao su Cam Tiêm nói riêng.
Đặc biệt, phong trào đấu tranh của CN cao su dấy lên mạnh mẽ trong cao trào 1930-1931. Mở đầu là cuộc đấu tranh của CN Đồn điền Cao su Phú Riềng, do Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở đây lãnh đạo, diễn ra từ ngày 30/1/1930 đến ngày 6/2/1930. Theo sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và sự hướng dẫn của Nghiệp đoàn, cuộc đấu tranh đã được chuẩn bị chu đáo từ trước cả về vật chất lẫn tinh thần: dự trữ lương thực đề phòng cuộc đấu tranh kéo dài, chuẩn bị vũ khí như búa, dao… để nếu cần thì đối phó với địch.
Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng CN lúc đó, có tiếng vang trong cả nước. Tiếng vang của “Phú Riềng đỏ” lập tức lan đến những đồn điền cao su lân cận như Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh… thúc đẩy phong trào đấu tranh của CN trong các đồn điền cao su khác ở miền Đông Nam bộ.
P.H (tổng hợp)
Related posts:
- Việt Nam đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay
- "Độc chiêu" thử lòng chồng
- Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19
- Nhà vườn thu hẹp sản xuất hoa Tết
- Hãy kiên trì dạy bảo con
- Trao 28 suất quà cho công nhân lao động khó khăn tại Cao su Ea H’Leo
- Nghề chọn người hay người chọn nghề
- Càng cố níu giữ, nỗi đau sẽ càng lớn
- Tấm lòng của mẹ chồng sẽ được con thấu hiểu!
- Khảo sát đặt cột cờ biên giới ở Tây Ninh