CSVN – Trong ngành cao su hiện có nhiều, rất nhiều NLĐ trẻ đang ngày đêm ra sức cống hiến, dấn thân vào gian khó, đóng góp cho ngành. 2 câu chuyện sau là một ví dụ.
Cống hiến hết tâm trí cho công việc
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, anh Nguyễn Thành Long – Đội trưởng Đội 4, Công ty CPCS Bảo Lâm nộp hồ sơ xin vào làm nhân viên kỹ thuật tại công ty. Thời điểm đó, nguồn nhân lực kỹ thuật đã có đủ nên sắp xếp anh vào vị trí bảo vệ. Hành trang anh mang theo đến vùng đất mới chỉ là nhiệt huyết tuổi trẻ của một sinh viên mới ra trường, háo hức được làm việc.
Vào năm 2015 lúc anh đến nhận nhiệm vụ, đường sá vẫn chưa thuận lợi, những ngày mưa trơn trượt lầy lội, có những khi anh đi tuần trong lô bị lạc đường phải nhờ đồng nghiệp đến đưa về. Cơ sở hạ tầng không có, chợ cũng chưa mọc lên, các địa điểm giải trí đều là con số không tròn trĩnh. Có nhiều đêm anh suy nghĩ về việc sẽ quay về quê làm việc để gần ba mẹ. Nhưng rồi, chính sự động viên của lãnh đạo đơn vị, đặc biệt là anh thấy được tất cả NLĐ công ty, từ cấp quản lý cho đến công nhân đều hăng say làm việc dù tình hình khó khăn như thế nào.
Nhìn vào đó, anh tự nhủ với bản thân rằng không có việc gì là dễ dàng, muốn khẳng định mình chỉ có làm tốt công việc mình đảm nhận là điều quan trọng nhất. Ngoài giờ làm việc, anh dành thời gian để trò chuyện với những đồng nghiệp, với những người bạn mới ở địa phương để nhanh chóng làm quen với cuộc sống ở vùng đất này.
Thời gian khó khăn ban đầu bị đẩy lùi, thay vào đó là niềm tin yêu với ngành nghề, với đơn vị đang công tác. Càng sinh sống, càng gặp gỡ nhiều người bạn mới, anh nhận ra rằng Bảo Lâm là nơi anh muốn gắn bó lâu dài. Anh chia sẻ: “Năm đầu tiên lên đây làm việc, tháng nào tôi cũng về thăm nhà vì ở đây buồn quá, cứ mong đến cuối tháng tranh thủ về thăm ba mẹ. Lâu dần khi đã quen với vùng đất lành này thì không muốn xa nữa. Khí hậu trong lành, người dân địa phương hiền hòa, chất phác. Thêm vào đó, lãnh đạo đơn vị rất quan tâm đến tập thể NLĐ, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị tận tình chỉ dạy anh chị em rất nhiều, không chỉ trong công việc mà còn những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày”.
Anh làm công tác bảo vệ được 2 năm thì được phân công làm thư ký đội kiêm kỹ thuật. Đây chính là lúc năng lực chuyên môn của anh được phát huy. NLĐ cũng dần quen với việc chăm sóc, khai thác cao su. Và đội trưởng, cán bộ kỹ thuật chính là những người có công đầu trong việc tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật.
Càng gắn bó với công việc, anh càng “mê” những lúc ra vườn cây. Tình yêu với cây, với nghề như một chất keo gắn chặt anh với mảnh đất này.
Không chỉ vậy, tháng 7/2018 anh nên duyên với một cô giáo mầm non tại nơi đây. Anh nói: “Mình được lời lắm khi lên làm việc tại Cao su Bảo Lâm, vừa có công việc đúng chuyên môn ngành học, lại vừa có được vợ”.
Trong lúc trò chuyện, anh cứ đùa chúng tôi rằng: “Nếu chị không tin thì cứ lên đây ở một tháng, rồi sẽ không muốn đi nơi khác sinh sống nữa cho mà coi. Ngày trước ai mà hỏi chỗ khác lương cao thì tôi có nghỉ việc để đi không thì chắc chắn là tôi không đắn đo suy nghĩ và sẽ trả lời là đi. Bây giờ thì khác rồi, xác định ở đây không chỉ vì lương mà còn vì nhiều yếu tố khác nữa, nơi đây tôi có cơ hội phấn đấu, được ghi nhận những nỗ lực của mình. Điều đó khiến cho tôi rất hạnh phúc”.
Mới 4 năm vào làm việc nhưng với năng lực của mình, với nhiệt huyết tuổi trẻ, anh không chỉ là một đội trưởng mà còn là phó bí thư đoàn công ty. Anh xác định: “Năm 2019 kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su. Đây là một chặng đường dài, chúng tôi tự hào khi được làm việc trong đại gia đình này. Giai đoạn này là giai đoạn khó khăn của ngành, tuy nhiên chúng ta không chỉ nhìn vào giai đoạn ngắn mà đánh giá cả chặng đường dài. Tôi vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân và động viên anh chị em là không có gì phải dao động, mà phải luôn cống hiến hết tâm trí, trách nhiệm với công việc. Bây giờ, xã hội phát triển, nghề nghiệp mở ra cũng nhiều, nhưng tuổi trẻ phải giữ lập trường, không bị tác động bởi những yếu tố xung quanh, đừng đứng núi này trông núi nọ, bản thân mỗi người phải biết điều mình cần là gì, mình nên ở đâu để phát huy tốt năng lực”.
Dám dấn thân, không ngại thử thách
Biết đến cao su từ những năm học cấp 3, anh Mai Văn Cường hiện là Trưởng phòng Hành chính – Thanh tra Bảo vệ, Công ty CPCS Chư Prông Stung Treng thường xuyên tìm hiểu về cao su qua sách báo. Để trở thành một thành viên trong ngành cao su, anh đã có một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ.
Học hết phổ thông trung học, anh vào TP.HCM tìm việc làm, ban đầu làm công nhân xây dựng, ngày ngày những giọt mồ hôi rơi trên công trường, đêm đến anh tập trung đèn sách luyện thi đại học. Trời không phụ người, ước mơ vào giảng đường đại học mở ra khi anh thi đỗ vào ngành Hành chính học, Học viện Hành chính quốc gia. Để đảm bảo trụ lại ở Sài thành và theo đuổi con đường học vấn, anh vẫn duy trì làm thêm vào hai buổi tối cuối tuần. Và chính thời gian này, anh tình cờ gặp gỡ các cô chú làm trong ngành cao su. Anh say sưa nghe các cô chú kể chuyện về những vùng đất cao su. Anh thấy tò mò và thú vị qua những câu chuyện hóm hỉnh, hài hước về những con người trong ngành cao su hiền lành, chân chất và có một chút gì đó phóng khoáng. Thâm tâm lúc đó anh rất muốn sau này được công tác trong ngành cao su.
Xác định hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp, chính vì vậy anh tập trung học tập để đạt kết quả thật tốt. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, anh xin vào làm việc trong ngành và được giới thiệu vào làm tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Tháng 11/2013, anh chính thức trở thành nhân viên phòng Tổ chức – Hành chính của công ty.
Tháng 6 vừa qua, anh hăng hái tình nguyện sang làm việc tại Công ty CPCS Chư Prông Stung Treng làm việc. Anh chia sẻ: “Tuổi càng trẻ thì càng phải biết nỗ lực, dám dấn thân, không ngại thử thách, gian nan thì mới trưởng thành được. Khi tôi quyết định sang Campuchia làm việc, tôi không phải đắn đo hay suy nghĩ gì nhiều. Cũng giống như các lĩnh vực khác, những người trẻ như mình thường thiếu kinh nghiệm và kiến thức để hoàn thành tốt công việc. Vì thế cần xây dựng cho mình một thái độ làm việc đúng đắn, chân thành, cầu tiến. Để đóng góp được cho sự phát triển chung, chúng ta nên lấy mục tiêu cá nhân làm động lực để phấn đấu. Suy cho cùng hoàn thành tốt công việc được giao giúp mỗi cá nhân thực hiện được ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ, qua đó gián tiếp xây dựng cái chung ngày càng phát triển”.
Tuy thời gian vào nghề mới vừa tròn 6 năm nhưng anh đã thấm nhuần truyền thống ngành qua những câu chuyện kể của các thế hệ đi trước. Anh cũng tích cực tìm hiểu và tham gia các cuộc thi viết chuyện nghề, kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành do Tạp chí CSVN tổ chức. Anh nói: “Để có được 90 năm truyền thống như hôm nay là rất gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Mỗi một chặng đường, mỗi một giai đoạn lịch sử của ngành đều có những khó khăn riêng cần giải quyết vì thế mỗi chúng ta cần chung tay, mỗi người mỗi lĩnh vực, góp một phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển bền vững của ngành cao su”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Tết Mậu Thân 1968 - Chiến công của quân dân vùng cao su Dầu Tiếng
- Tự tin phát huy tay nghề
- Nữ công nhân tâm huyết, sáng tạo
- 2 vợ chồng công nhân luôn vượt sản lượng hàng tháng
- Lần đầu tiên đi thi thợ giỏi đã "ẵm" giải cao
- Quan tâm, chăm lo nhiều hơn để giữ chân người lao động
- Đón nhận công việc bằng niềm say mê
- Tấm gương mẫu mực của ngành cao su
- “Phải luôn nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn”
- Nhận thưởng hàng chục triệu đồng nhờ vượt sản lượng cao nhất