CSVN – Một số cai muốn ngoi lên xu-vây-dăng để được hưởng quyền lợi cao hơn, nên đối với công nhân, chúng thẳng tay đàn áp, còn đối với bọn chủ, chúng sẵn sàng quỳ gối và làm bất cứ việc gì dù là đê tiện nhất. Số cai còn lại thường đứng về phía công nhân trong các cuộc đấu tranh cho quyền lợi dân sinh hàng ngày.
Để giam hãm người công nhân suốt đời trong sự lao động cực nhọc làm giàu cho bọn chúng, bọn chủ đồn điền dùng mọi thủ đoạn và biện pháp tàn nhẫn để giữ chân người công nhân lại, kể cả những người đã hết hạn giao kèo. Người phu công tra bắt đầu đặt chân vào đồn điền là đã bị đánh đòn phủ đầu để răn đe.
Ý đồ của chúng là làm cho họ khiếp sợ do đó ngoan ngoãn và răm rắp làm theo mệnh lệnh của chúng.
Đối với công nhân có ý định trốn, chúng càng đánh mạnh, đánh đau. Nhiều người đã chết sau những trận đòn dữ dội. Để giữ công nhân, thủ đoạn của chúng là dùng cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện nhằm móc hết tiền trong túi công nhân, làm cho họ tay trắng suốt đời, không còn tiền để về quê hương xứ sở và buộc phải ở lại mãi mãi làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện thủ đoạn này, chúng thường tổ chức ra những sòng bạc, những tiệc rượu, những cuộc cờ, những “lữ quán bàn đèn” và chúng sẵn sàng cho công nhân vay trước tiền lương để chi vào những khoản ăn chơi đó.
Bọn chúng còn dùng người Thượng – người thuộc các dân tộc ít người, để kèm kẹp công nhân lại. Người Thượng là dân bản địa. Phum, sóc của họ thường nằm rải rác bên cạnh các đồn điền. Đời sống của họ rất nghèo khổ, cơ cực, họ lại rất chất phác. Lợi dụng điều đó, bọn chủ đồn điền đã thưởng muối, thưởng tiền rất hậu cho những người Thượng nào bắt được công nhân cao su chạy trốn. Tài liệu lưu trữ tại Công ty quốc doanh cao su Đồng Nai cho biết “Cứ mỗi đầu người công nhân nào chạy trốn, mang về trình chủ là được thưởng 10 cân muối”. Bằng thủ đoạn này, bọn chúng đã bắt lại đươc nhiều công nhân chạy trốn mang về hành quyết.
Ngoài các thủ đoạn trên, bọn chủ đồn điền còn tìm mọi cách gây chia rẽ giữa những người có đạo và những người không theo đạo trong công nhân, hoặc gây mối hiềm khích giữa dân phu cũ và dân phu mới. Về mặt biên chế tổ chức, chúng thường đưa dân phu công tra mới ở xen vào nhóm dân phu cũ, thực hiện ý đồ nham hiểm “lính mai cai lính tốt”. Tài liệu còn để lại cho biết, tại một vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ, có lần chúng chở hai tăng nước xuống làng phát cho công nhân dùng. Một số công nhân mới mộ còn đang chờ việc, chưa đi làm, đã tranh thủ ra lấy nước trước. Vì số nước chúng chở đến quá ít nên nước bị lấy hết. Đến khi những công nhân cũ đi làm về thấy không còn nước, hỏi xu-vây-dăng thì được trả lời: “Dân phu mới lấy sạch rồi”. Những công nhân cũ bực tức, liền đánh lộn với những công nhân mới, làm chết hơn 20 người. Những thủ đoạn kềm kẹp nói trên đã đẩy người công nhân cao su vào cái thế phải chịu đựng sự bóc lột nặng nề và sự đối xử tàn tệ của bọn chủ đồn điền nếu như họ không muốn nhận lấy cái chết vì chạy trốn.
CSVN
(Xem tiếp kỳ sau: Tình cảnh đời sống của công
nhân đồn điền cao su )
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Vững tin vào ngành
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- "Giải thưởng hôm nay là cả quá trình tôi tích cực rèn luyện"
- Công nhân khai thác có thu nhập cao nhất NT Cẩm Đường (Cao su Đồng Nai)
- Cần cơ chế hỗ trợ người lao động làm việc ở Lào, Campuchia
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn: Phát huy truyền thống, tôn tạo di tích
- "Học và làm theo Bác để hoàn thiện mình"
- Nữ công nhân "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- Kiên định theo con đường đã chọn