CSVN – Trong quãng thời gian trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, số lượng công nhân cao su chuyên nghiệp chưa nhiều. Lý do là vì lúc bấy giờ công việc của các công ty chủ yếu là phá rừng dọn đất để lập đồn điền, việc trồng cao su chỉ mới là bắt đầu và còn mang tính chất thử nghiệm.
Do đó việc làm chủ yếu là chặt cây, vỡ đất nên đại bộ phận nhân công lúc này là những nhân công được thuê mướn tạm thời, tuyển dụng từ những nông dân người địa phương hoặc người dân tộc. Những nhân công này, sau khi hoàn tất hợp đồng, lại trở về với ruộng đồng, nương rẫy. Tuy nhiên với số lượng 7.000 hécta cao su đã được khai thác, chắn hẳn là đã có một số lượng công nhân cao su chuyên nghiệp nhất định, nhưng rất tiếc là không có số liệu thống kê.
Sau chiến tranh, cùng với đà tiến triển mau lẹ của việc kinh doanh và khai thác cao su, đội ngũ công nhân đồn điền cao su tăng lên rất nhanh: Từ 3.634 người năm 1925 tăng lên 17.606 người năm 1927, và lúc cao nhất, tổng số công nhân đồn điền cao su lên tới 71.740 người (Bắc Kỳ: 6.440 người, Trung Kỳ: 16.070 người, Nam Kỳ: 49.230 người).
Nguồn gốc của công nhân đồn điền cao su có sự thay đổi cùng với sự tiến triển của việc khai thác cao su. Lúc đầu do quy mô khai thác còn nhỏ bé, các chủ tư bản đồn điền tuyển người địa phương nông dân người Kinh và người dân tộc vào làm. Sau đó do yêu cầu phát triển của sản xuất cao su, số dân địa phương không đủ cung cấp cho các đồn điền, buộc chúng phải ra miền Bắc, miền Trung tuyển mộ mà chúng gọi là “mộ phu” hay “chiêu mộ nhân công giao kèo”. Nhưng trước và sau năm 1929, đối tượng tuyển mộ của chúng ở miền Bắc, miền Trung cũng có sự khác nhau. Trước năm 1929, chủ yếu là mộ những thanh niên trai trẻ chưa lập gia đình, sau năm 1929 chủ yếu là mộ các hộ gia đình. Sự thay đổi này bắt nguồn từ ý đồ bảo đảm lâu dài nguồn nhân lực cho các đồn điền, đồng thời hạn chế sức đấu tranh chống đối của công nhân. Bằng những thủ đoạn dụ dỗ và cưỡng ép, trong vòng 10 năm từ 1919 đến 1929, thực dân Pháp đã mộ được 87.871 người ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đưa vào Nam vào làm trong các đồn điền. Theo báo cáo của Sở Tổng thanh tra lao động Đông Dương thì số nhân công Bắc Kỳ được đưa vào làm hàng năm trong các đồn điền Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ và Campuchia trong thời gian từ năm 1919 đến năm 1930 như sau:
Năm | Số nhân công |
1919-1922 | 9.143 người |
1923 | 3.846 người |
1924 | 3.482 người |
1925 | 3.684 người |
1926 | 16.861 người |
1927 | 17.606 người |
1928 | 17.997 người |
1929 | 7.428 người |
1930 | 10.828 người |
Sở dĩ năm 1929 có tình trạng số nhân công được tuyển mộ đi làm đồn điền cao su tụt xuống nhiều so với năm trước là vì năm ấy có phong trào tẩy chay mạnh mẽ việc mộ phu đồn điền cao su do các tổ chức cách mạng trong nước phát động, cộng thêm vào đó là việc xảy ra vụ ám sát Bà-danh (Bazin), một tên cai mộ gian ác gây xôn xao dư luận trong nước, khiến số người ứng mộ giảm hẳn. Tổng số nhân công Bắc Kỳ được đưa vào Nam từ năm 1923 đến năm 1929 là 78.226 người.
Trong việc mộ phu cao su ở miền Bắc, miền Trung, bọn cầm quyền Pháp thực hiện chính sách khoanh vùng mộ phu cho các công ty để tránh sự tranh chấp. Chẳng hạn Công ty S.I.P.H được qui định mộ phu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam Đà Nẵng. Công ty Mít-sơ-lanh thì được Pháp đặt “Phòng mộ phu” ở Hà Nội và Bắc Giang. Còn “Phòng mộ phu” của Công ty CEXO thì đặt ở các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn và Hải Phòng.
CSVN
Xem tiếp kỳ sau: Đời sống khốn cùng của phu cao su
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Nghị lực vươn lên của một Bí thư chi bộ
- Phạm Duy Vương - Cán bộ Công đoàn hết mình vì công nhân
- Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
- Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam
- 4 công nhân nhận giải Cao su Việt Nam: Có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển của ngành
- Nghề tổ chức cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện
- Tận tâm, góp sức cùng đơn vị phát triển
- Người Bí thư chi bộ 4.0
- Những gia đình công nhân tận tụy, yêu nghề
- "Khó khăn là thách thức và cũng là cơ hội"