CSVN – Đến sớm, khiêm tốn ngồi lặng lẽ ở hàng ghế phía dưới hội trường. Đến khi gặp lại anh em bạn bè ngày xưa, ông hào hứng chuyện trò, bắt tay hỏi han tại cuộc gặp mặt truyền thống cán bộ hưu trí VRG dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Ít ai biết, ông là Phan Đắc Bằng – Nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Cao su.
Ông Phan Đắc Bằng sinh năm 1933, quê ở làng Kẻ Vẽ, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Đây là địa danh nổi tiếng với truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao, có câu ngạn ngữ “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” cũng xuất phát từ đó. Ở cái tuổi hơn 87 mùa xuân nhưng trông ông rất phong độ, giọng nói hào sảng, xúc động đầy nhiệt huyết khi kể lại về quãng thời gian thăng trầm lịch sử của ngành.
Trước đây, ông làm ở Tổng Bộ Nông trường Quốc doanh tháng 9/1975. Giai đoạn 1978 – 1980 ông được điều về làm Tổng Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng. Năm 1981, ông về Tổng cục Cao su làm Vụ trưởng vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sau đó là Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Cao su cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1994.
Kể lại quãng thời gian trước đây khi ở Công ty Cao su Phú Riềng, ông xúc động: “Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn, gian nan đủ trăm bề. Thời của những người đi mở cõi, đất rừng hoang vu, khai phá. Dân chủ yếu từ các tỉnh miền Trung, Đồng bằng Bắc bộ vào khai hoang, nhận nhiệm vụ chưa có kinh nghiệm gì về cây cao su. Lúc đó, rất vất vả. Các chiến sĩ thuộc Binh đoàn 23 được điều động tăng cường cho Phú Riềng, để công ty ổn định bắt tay vào xây dựng, phát triển. Thời kỳ đó, sốt rét hoành hành, phải ăn bobo, rừng thiêng nước độc, Fulro, có cả gia đình chết vì sốt rét….Giai đoạn “khai sơn phá thạch” vô cùng gian nan”.
“Lúc đó, chúng tôi chỉ biết đoàn kết, nắm chặt tay nhau tiến về phía trước”, chỉ vào người ngồi bên cạnh, ông giới thiệu: “Đây là chú Năm Phúc – Tức ông Mai Văn Phúc – Nguyên Thiếu tướng Binh đoàn 23, nguyên Phó Giám đốc Công ty Phú Riềng giai đoạn 1980 – 1984, được bổ sung về cùng chung vai sát cánh nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển công ty ổn định, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Đó là một kỳ tích. Để đến nay, có dịp, chúng tôi lại được gặp mặt ôn lại thời kỳ gian khó mà hào hùng đã qua”. “Trước đây, khó khăn mấy, gian khổ mấy chúng
ta đã vượt qua được. Thì nay hà cớ gì mà không thể vượt qua. Vượt qua giai đoạn đó, thì chúng ta mới cùng gắn bó chung tay phát triển được. 90 năm truyền thống bất di bất dịch của ngành, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, cùng chung vai phát huy truyền thống “Phú Riềng Đỏ” cho đến hôm nay và mai sau vẫn còn là tượng đài đã đi vào lịch sử của cả một thế hệ, của cả một dân tộc, mãi mãi khắc ghi ngàn đời”, ông tâm huyết.
Vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, ngày truyền thống ngành, ngày gặp mặt cán bộ hưu trí…, chúng tôi lại vinh dự được gặp đại biểu lão thành dù đã hơn 87 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và nhiệt tình “truyền lửa” cho thế hệ trẻ như đảng viên lão thành Phan Đắc Bằng, người đã từng có gần 40 năm gắn bó liên tục với công tác Đoàn, đoàn thể. Để nghe ông kể lại về thời kỳ hào hùng nhiệt huyết đã qua, từng hồi ức thời gian cứ lần lượt hiện về trong trí nhớ như những thước phim quay chậm mà cuộc đời ông không bao giờ quên được.
MINH TÂM
Related posts:
- Thu nhập cao nhờ vượt kế hoạch sản lượng
- Càng khó khăn càng phải nỗ lực gấp đôi
- Nữ công nhân "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"
- Đoàn kết, vững lòng sẽ vượt qua khó khăn
- Sống trọn tình, trọn nghĩa với cây cao su
- Gặp những công nhân điển hình ở Cao su Chư Păh
- Người cán bộ Công đoàn gương mẫu
- Tổ Công đoàn "đặc biệt"
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành
- Gặp người công nhân cao su dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc