CSVN – NT Lai Uyên là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực, được Công ty CPCS Phước Hòa nhiều lần khen thưởng. Trong đó, nổi bật là 2 sáng kiến “Phân chia vườn cây khai thác trong giai đoạn thiếu hụt lao động” và “Thay đổi phương pháp, dụng cụ uống sữa thải độc trong CNLĐ”.
Ổn định lao động hoàn thành kế hoạch sản lượng
Những năm qua, trong quá trình quản lý lao động phân chia phần cây khai thác, NT Lai Uyên gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động. Đặc biệt, năm 2018, đơn vị được giao thêm vườn cây từ NT Hưng Hòa, với diện tích gần 25 ha. Vấn đề nan giải đặt ra là làm sao cho vườn cây ổn định, tránh xáo trộn lao động. Đối với vườn cây cạo tận thu, công nhân phải bắn dây dẫn mủ, xả miệng cạo rất cực. Chính vì vậy khi dịch chuyển lao động sẽ rất khó khăn.
Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, NT đã áp dụng sáng kiến “Phân chia vườn cây khai thác trong giai đoạn thiếu hụt lao động” của ông Trần Văn Phong – Phó GĐ NT, bà Trần Thị Thu – Nhân viên Nông nghiệp và ông Trương Văn Vân – Đội trưởng Đội 2.
Ông Trần Văn Phong – Phó GĐ NT Lai Uyên, cho biết: “Khi được nhận bàn giao thêm lô 89 từ NT Hưng Hòa, trong lúc vườn cây của CN trong Đội 2 đang ổn định. Chúng tôi cùng bàn bạc và đưa ra phương án chia nhỏ lô 89 thành 58 phần cây (số cây cạo tương đương 1/3 phần cạo quy định). Động viên tất cả CN trong đội nhận thêm 1 phần của lô này để cạo tận thu (cạo cùng phiên A chính) và được sự đồng tình của 100% công nhân trong đội. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, động viên công nhân cạo tận thu tối đa, không bỏ cây cạo”.
Kết quả sáng kiến “Phân chia vườn cây khai thác trong giai đoạn thiếu hụt lao động” đã ổn định vườn cây, ổn định lao động và đảm bảo kế hoạch sản lượng được giao.
Sáng kiến chăm sóc sức khỏe CNLĐ
Tại NT Lai Uyên, phương pháp uống sữa thải độc được các Đội sản xuất thực hiện khá đồng bộ và thường xuyên. CN uống sữa bằng cách pha vào thùng inox và dùng ca nhựa để uống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có phải chính người lao động đã uống hết phần sữa của mình không, vì vậy mục đích bồi dưỡng, thải độc cho chính người CN chưa đảm bảo tuyệt đối 100%.
“Thay đổi phương pháp và cách uống như thế nào cho hiệu quả nhất là vấn đề cần quan tâm hơn đối với người lao động. Vì vậy, chúng tôi đưa ra sáng kiến “Thay đổi phương pháp và dụng cụ uống sữa thải độc trong CNLĐ”, giải pháp này rất hiệu quả. Tất cả CN đều uống đầy đủ 100%, không có CN nào bỏ và thống nhất phương án này rất cao”, ông Trương Văn Vân – Đội trưởng Đội 2, chia sẻ.
Sáng kiến thay đổi phương pháp và dụng cụ uống sữa thải độc trong công nhân lao động còn có sự phối hợp của ông Hoàng Thanh Hải – Tổ trưởng Công đoàn Đội 2 và bà Trần Thị Thu – Nhân viên Nông nghiệp. Sáng kiến này trang bị cho mỗi CN 1 ca inox đựng sữa, có nắp đậy và ghi tên từng người vào ca. Người nấu ăn sẽ chia đều sữa vào mỗi ca cho tất cả CN (có cử công nhân giám sát, an toàn viên cấp sữa trong ngày).
Ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa, cho biết: “Năm 2018, toàn công ty có 30 sáng kiến, cải tiến, giải pháp được công nhận. Các sáng kiến của NT Lai Uyên xuất phát từ thực tế cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay từ đầu năm 2019, công ty đã tuyên truyền, vận động CNVC LĐ tiếp tục phát huy sáng kiến, cải tiến, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.
TUỆ LINH
Related posts:
- Thu nhập Cao su Phú Riềng trên 9 triệu đồng/người/tháng
- Sáng kiến vệ sinh chén hứng mủ
- Cao su Bình Long thắng lợi toàn diện
- Cần đầu tư hợp lý cho cây công nghiệp dài ngày như cao su
- Tham gia chứng nhận "100 doanh nghiệp bền vững" của VCCI
- Biểu dương các đơn vị hoàn thành sản lượng tỷ lệ cao
- Cao su Việt - Lào phấn đấu khai thác vượt 1.000 tấn mủ
- Cao su Chư Prông: Năm thứ 5 liên tục về đích sớm
- VRG và tỉnh Gia Lai thỏa thuận hợp tác trong quy hoạch, sử dụng đất
- Phổ biến chính sách cổ phần hóa cho 43 cán bộ chủ chốt Cao su Thanh Hóa