CSVN – Đó là ông Hứa Minh Tuấn – Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thuận Phú, Công ty CPCS Đồng Phú – người “kế thừa và phát huy” phong trào sáng kiến cải tiến, góp phần cho xí nghiệp vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả và làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.
Tận tâm với công việc
Ông Tuấn là kỹ sư cơ khí, gắn bó với Xí nghiệp Chế biến Thuận Phú gần ba mươi năm. Xuất phát là công nhân cơ khí, rồi phó giám đốc xí nghiệp. Là người quản lý, phụ trách kỹ thuật, ông luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động cho công nhân. Suốt quá trình công tác, kỹ sư Tuấn đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích, góp phần đáng kể cho hoạt động sản xuất tại xí nghiệp, công ty và ngành cao su.
Gần đây nhất có thể kể đến 2 sáng kiến: “Cải tiến, nâng công suất lò sấy mủ tạp từ 1,6 tấn/giờ lên 2 tấn/giờ”; “Thiết kế, chế tạo hệ thống nâng xe goòng bằng hệ thống thủy lực, để bảo trì xe goòng thuận tiện hơn”.
Ông đã vinh dự được công ty hoàn tất các thủ tục đề nghị các cấp khen thưởng, trong đó có đề nghị Tổng LĐLĐ VN tặng bằng “Lao động sáng tạo” trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019 và bằng khen UBND tỉnh Bình Phước năm 2018. Ngoài ra, ông đã được TGĐ VRG tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào sáng kiến, sáng tạo, cải tiến khoa học kỹ thuật trong đơn vị góp phần xây dựng VRG ngày càng vững mạnh.
Trước đó, ông Tuấn đã có nhiều công trình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đáng lưu ý như: “Thiết kế cải tạo trao đổi nước bể khử mùi ống khói khử mùi dây chuyền mủ tạp để tiết kiệm nước”; “Chế tạo máy cán vắt nước, serum chạy bằng động cơ dầu Diezen (công suất 1 tấn DRC/giờ)”; “Cải tiến phểu hứng mủ sàn rung từ phểu đơn thành phểu đôi”; “Cải tiến máy cắt lát số 1 từ truyền động thẳng qua truyền động bằng dây Curoa để tiết kiệm điện”…
“Sáng kiến chỉ có giá trị khi được nhân rộng”
Với sáng kiến “Thiết kế cải tạo trao đổi nước bể khử mùi ống khói khử mùi dây chuyền mủ tạp để tiết kiệm nước” đã tác động lớn đến việc giải quyết vấn đề khử mùi hôi trong quá trình sản xuất gây ra, tiết kiệm về chi phí sản xuất khi tận dụng lại nguồn nước thải tham gia vào quá trình khử mùi hôi từ ống khói mùi dây chuyền mủ tạp. Giá trị kinh tế làm lợi trên 70 triệu đồng/năm, chưa kể tiết kiệm các chi phí như đóng phí môi trường khi xả thải, chi phí sử dụng tài nguyên nước, chi phí sử dụng điện khác và chi phí vận hành xử lý nước thải.
Với sáng kiến “Cải tiến phểu hứng mủ sàng rung từ phểu đơn thành phểu đôi”, đây là sáng kiến mang nặng tính đặc thù giảm thiểu sức lao động của công nhân. Ghi nhận trong quá trình vận hành – sản xuất mủ, sau khi được sấy và ra thành phẩm chuyển qua phểu để đóng khung kiện, khi sử dụng phểu đơn theo thiết kế ban đầu của đơn vị cung cấp thì xảy ra tình trạng mủ rơi vải, khó khăn trong quá trình đóng khối cho mủ, ảnh hưởng quá trình sản xuất.
Nhận thấy điều đó, ông thử nghiệm và cho ra đời cải tiến thiết kế phểu mới. Sáng kiến mang lại hiệu quả nâng cao năng suất lao động, tiết giảm hao phí trong quá trình sản xuất, giảm lượng rơi vải và thất thoát ra ngoài.
“Khi một sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tạo ra mà tác giả cố giữ bí mật chỉ để làm lợi riêng cho mình thì hiệu quả mang lại sẽ hạn chế. Sáng kiến chỉ có giá trị khi được nhân rộng”, kỹ sư Tuấn tâm sự. Chính vì vậy, ông rất vui khi những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình được phổ biến, được công ty và hội đồng sáng kiến các cấp công nhận và nhân rộng.
MINH TUẤN
Related posts:
- Hoàn thành sản lượng trước 5 tháng
- Trần Văn Diệu: "Công việc cạo mủ với tôi là đam mê"
- Chị Lê Thị Thương được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021
- Niềm vui với những mũi vaccine đầu tiên
- Sống trọn tình, trọn nghĩa với cây cao su
- Chuyện tờ tiền lẻ
- Võ Tá Tình - Công nhân ưu tú ở Cao su Hà Tĩnh
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!
- "Tôi chiến thắng chính mình tại Hội thi bàn tay vàng"
- Rực rỡ sắc màu đồng bào miền núi phía Bắc tại cao su Bảo Lâm