CSVNO – Tham gia triển lãm năm nay, Công ty Cp Chế biến Gỗ Thuận An mang đến những sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất tiện dụng mà công ty đã và đang sản xuất cho thị trường Châu Âu, Mỹ.
Hội chợ diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 9/3/2019, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn(SECC) Tp HCM, với sự tham gia của 514 doanh nghiệp đến từ 80 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hội chợ năm nay sẽ là điểm tập trung cho tất cả các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của người mua từ khắp nơi trên thế giới.
Năm 2019, Ban tổ chức đã mở rộng diện tích cho 514 doanh nghiệp tham gia với 2.420 gian hàng, tổng diện tích 35.000 m2, tăng 23% so với năm 2018. Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng có thiết kế theo xu hướng hiện đại, đa dạng với những thiết kế mới nhất và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), năm 2019 lượng doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tham gia hội chợ tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Các doanh nghiệp này đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực của ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ khá lớn như Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ…
Đặc biệt, năm nay ban tổ chức còn tăng chi phí quảng bá cho hội chợ tăng 12% nhằm quảng bá rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước thông qua việc xuất hiện tin tức của VIFA-EXPO 2019 trên các báo, tạp chí chuyên ngành gỗ tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản… và tại ga đến quốc tế Tân Sơn Nhất để khách hàng biết về hội chợ. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp ngành gỗ quảng bá sản phẩm của mình đến thị trường khu vực và thế giới.
Được biết, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản năm 2018 của cả nước đạt 9,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017. Chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Đáng chú ý, giá trị xuất siêu của ngành gỗ cả năm đạt hơn 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng khai thác gỗ rừng năm 2018 đạt khoảng 27,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017, khai thác từ cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu bản địa này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
VŨ PHONG
Related posts:
- Gỗ Thuận An đã đạt 44% doanh thu đơn hàng tinh chế
- Liberia tiếp tục cấm xuất khẩu cao su chưa qua chế biến
- Giá cao su tự nhiên tăng: Do lo ngại nguồn cung giảm bất thường
- Gỗ Thuận An chỉ còn 2 cổ đông sáng lập
- "Nâng cao khả năng thích nghi với các biến động của thị trường"
- Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho kỳ vọng phục hồi
- Xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng mạnh mẽ
- Hơn 380 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế VietnamPrintPackFoodtech 2018
- Trung Quốc tăng nhập khẩu hơn 81% cao su Việt Nam trong 4 tháng
- VRG gặp mặt khách hàng đầu năm