CSVN Xuân – Mỗi khi Tết đến, Xuân về, đồng bào dân tộc H’Mông lại tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Ném pao, đẩy gậy, rồng ấp trứng, bắn nỏ… Đặc biệt là trò chơi tu lu được lưu truyền, gìn giữ như một nét văn hóa riêng.
Con tu lu đã gắn liền với tuổi thơ mỗi người dân tộc H’Mông, khi 5 -6 tuổi, những đứa trẻ H’Mông đã được bố mẹ, ông bà làm cho tu lu để chơi cùng bạn bè. Trò chơi tu lu đòi hỏi người chơi không những phải có thể lực tốt mà còn phải có sự khéo léo, phán đoán chính xác. Do khi chơi tu lu thường va đập mạnh, nên người chơi thường chọn những loại gỗ cứng, dẻo như: Nghiến, đinh, sến … để làm tu lu. Sau khi chọn được gỗ sẽ đẽo gọt tạo thành hình dạng con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh làm điểm quay, đầu còn lại được gọt bằng làm điểm đánh của những người chơi khác.
Con tu lu được đẽo gọt to, nhỏ khác nhau để phù hợp với thể lực của từng người chơi, trung bình nặng từ 300g – 500g. Dây quay tu lu trong tiếng H’Mông gọi là lua, được se bằng sợi lanh, dài hơn 1 mét, nối với một đoạn gậy (tiếng H’Mông gọi là pa) làm bằng cành cây cứng, hay cành trúc thẳng, nhỏ, cỡ bằng ngón tay cái, dài khoảng 40 – 60 cm. Để có lực quay tốt nhất, dây quay phải đảm bảo độ dài, chắc và phải mềm, đầu dây cuốn vào con tu lu được buộc vào một chiếc lông gà trống dài khoảng 10-15 cm, khi cuốn vào quay, lông gà thấm nước tăng độ dính bám (ma sát) vào tu lu, không trơn trượt khi cầm trên tay. Sân chơi tu lu thường là một bãi đất rộng, mặt sân bằng phẳng, xung quanh rộng rãi, đảm bảo an toàn cho cuộc chơi và đủ rộng cho người xem đến cổ vũ.
Trước đây, tu lu được chơi khá phổ biến, nhưng lối chơi đơn giản, thường chia ra làm 2 đội, mỗi đội từ 3 – 5 người chơi. Trò chơi tu lu có nhiều cách chơi và hình thức thi khác nhau tùy vào mỗi vùng, song phổ biến vẫn là thi biểu diễn và thi chọi quay … Phần thi biểu diễn tu lu, thường chọn ra 2 đội chơi, mỗi đội 3 – 5 người, lần lượt từng người tham gia cuộc thi biểu diễn quay tu lu xuống sân, tu lu đội nào quay được nhiều thời gian nhất sẽ là đội thắng cuộc.
Còn để thể hiện được tài năng thực sự của người chơi, sẽ là phần thi chọi tu lu. Phần thi này có hai cách chơi là chọi tu lu tĩnh (tiếng H’Mông gọi là tàu tùa) và chọi tu lu động (tàu lua). Hiện nay, thi đấu tu lu thường chơi theo hình thức chọi tu lu động, hình thức này chia ra làm hai đội, khi chơi cử nhóm trưởng rút thăm xem ai được quyền ưu tiên. Đội ưu tiên là đội được dùng tu lu để chọi trước, đội còn lại phải quay tu lu để đội bạn đánh.
Nếu người chơi ai chọi đánh trúng tu lu của đội bạn thì được tính điểm và thi tiếp ở cự ly dài hơn, nếu chọi 3 lần không trúng thì không có điểm, ngược lại, sẽ phải quay tu lu để đội bạn đánh. Cứ như vậy, đội nào nhiều điểm hơn sẽ là đội thắng cuộc. Ngày nay, đánh tu lu của đồng bào dân tộc H’Mông đã và đang trở thành trò chơi được nhiều người yêu thích. Trò chơi tu lu đã trở thành môn thể thao thi đấu trong các ngày hội văn hóa của các xã, bản, góp phần xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc.
NGỌC THUẤN
Related posts:
- "Tiếng hát CN Cao su" khu vực III: Giàu tính nghệ thuật
- Nhiều phần quà ý nghĩa tặng con người lao động vui đón Tết trung thu
- 6 đơn vị tham gia hội thi Tiếng hát người lao động Cao su Tây Ninh
- "Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ, những dấu ấn và giá trị trường tồn"
- Nổi dậy ở đồn điền cao su
- "Tập trung trên từng đường cạo"
- 800 lượt thiếu nhi tham gia trại hè Cao su Phước Hòa
- Lễ hội thống nhất non sông
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Chị hàng thịt, luật pháp và lòng tốt